Năm 2022 tôi bị đau đầu, đau hốc mắt và ho, nhất là ban đêm và mỗi khi trời chuyển mưa. Người hàng xóm thấy vậy kêu tôi đi cùng đến khám tai mũi họng ở một phòng khám tư nhân thuộc quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Nơi này người hàng xóm đang khám viêm xoang 2-3 năm, lúc dứt lúc đau nhưng bà vẫn kiên trì chữa trị, kể cả sau phẫu thuật nội soi.
Nữ bác sĩ sau khi kiểm tra mũi, họng, tai và hỏi sơ vài câu thì chỉ định tôi chụp CT-Scanner xoang mũi và sọ não ở một phòng khám khác trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5.
Hôm sau tôi đến nơi này trình giấy chỉ định và tiến hành xét nghiệm. Kết quả, sọ não bình thường. Riêng xoang mũi thì viêm xoang hàm sàng hai bên, xoang bướm phải mạn tính; vẹo vách ngăn mũi sang phải, khí hóa cuống mũi giữa hai bên.
Tôi mang kết luận này đến cho nữ bác sĩ kia xem. Bác sĩ cho tôi siêu âm tai, rồi nói tôi cần phẫu thuật gấp vì đã viêm xoang mãn. Cô còn sốt sắng đưa ra bảng giá phẫu thuật nội soi: bệnh viện công hơn 10 triệu, bệnh viện tư thì gấp đôi, bệnh viện quốc tế gấp ba…
Lúc đó tôi có phần hơi hoang mang vì không nghĩ mình bị bệnh nặng như thế và phân vân không biết có cần thiết phải mổ không.
Bác sĩ “bồi” thêm một câu: “Nếu em không phẫu thuật kịp thời thì lâu dài sẽ bị ung thư đó. Đừng xem nhẹ!”.
Nghĩ đến việc nằm viện mấy ngày không ai chăm sóc, nghĩ đến số viện phí phải bỏ ra và cả công việc khi nghỉ phép nhiều ngày… Lúc này tôi hoang mang thực sự.
Người hàng xóm cũng thấy lo cho tôi, nên vô hỏi thêm bác sĩ có thể từ từ phẫu thuật được không. Bác khẳng định không nên chần chừ, đừng chủ quan.
Tôi xin bác sĩ cho tôi toa thuốc uống đỡ để về suy nghĩ thêm và mang tâm trạng nặng nề suốt cả tuần.
May sao anh hàng xóm kế bên là bác sĩ chẩn đoán hình ảnh (đã nghỉ hưu) đi du lịch về. Tôi vội mang kết quả CT-Scanner sang cho anh ấy xem và hỏi có cần phẫu thuật không. Anh ấy bảo không cần, chỉ cần hút mũi vài lần và uống thuốc là được.
Vẫn chưa yên tâm, tôi lại đăng ký khám tại một phòng khám khác ở quận Phú Nhuận. Ở đây, bác sĩ xem kết quả cũng kết luận không cần mổ gì hết, chỉ định tôi lấy ráy tai rồi đưa tôi qua phòng bên hút mũi để xem màu sắc của dịch mũi thế nào, xong cho thuốc uống, thuốc xịt mũi trong hai tuần.
Hết toa thuốc tôi quay lại tái khám, cũng hút mũi lần nữa rồi bác sĩ đổi toa thuốc nhẹ hơn. Bác sĩ còn cho biết thêm về triệu chứng trào ngược dạ dày gây ho, nhất là ban đêm và hướng dẫn cách ăn uống, tư thế nằm ngủ nhằm hạn chế ho, cũng như các thói quen cần tránh để giảm viêm xoang…
Tôi làm theo hướng dẫn của bác sĩ, uống thuốc theo chỉ định. Sau đó tôi đã hết đau đầu, hết ho cho đến nay. Hiện tôi chỉ chữa bệnh trào ngược dạ dày, thỉnh thoảng bị dị ứng thời tiết nhẹ, chứ không nhức đầu như trước.
Trong khi đó người hàng xóm và bạn bè của tôi vẫn tái phát viêm xoang sau phẫu thuật, có người còn mổ đến 2-3 lần.
Tuy hết bệnh nhưng tôi vẫn còn ám ảnh câu nói của nữ bác sĩ kia, và vẫn thấp thỏm liệu “bóng đen” ung thư có xuất hiện hay không!
Dưới bài viết “Khám bệnh có tâm, cần lắm bác sĩ ơi”, bạn đọc T.N. chia sẻ: “Năm ngoái tôi có dẫn ba tôi đi khám bệnh tại một bệnh viện huyện. Tuổi ba ngoài 60, đột nhiên hay bị đau đầu, chóng mặt, đứng lên hay bị choáng và có đôi lần ngất xỉu.
Gặp được một nữ bác sĩ, khoảng độ 40, ba tôi mở đầu câu “dạ thưa bác sĩ” rồi trình bày triệu chứng. Đơn thuốc được đưa ra khi ba tôi chưa nói xong và không một câu hỏi thăm khám nào.
Khi tôi xin hỏi bác sĩ về nguyên nhân gây ra triệu chứng của ba tôi, tôi nhớ mãi câu trả lời: “Tự nhiên nó vậy”.
Ba con tôi rời khỏi bệnh viện đó và tìm đến một phòng khám khác. Tại đây chúng tôi được nghe giải thích điều gì có thể gây ra những triệu chứng đó và cùng bác sĩ bắt đầu loại trừ từng nguyên nhân trong vòng 5-6 tuần.
Đâu đó vẫn còn những vị bác sĩ tận tình tận tâm, nhưng có phải bệnh nhân nào cũng may mắn được gặp”.