Trước khi bước vào nội dung thuyền đơn nữ C-1 200m tại Olympic 2024, tay chèo Nguyễn Thị Hương được đánh giá có rất ít khả năng lọt vào nhóm tranh chấp huy chương.
Theo thống kê từ Liên đoàn Canoeing quốc tế (ICF), Nguyễn Thị Hương đạt thông số tốt nhất là 48,716 giây ở nội dung này. Nếu so với kỳ Tokyo 2020, mốc thời gian này chưa đủ để lọt vào tứ kết.
Hơn nữa, tay chèo 23 tuổi còn phải chạm trán với các đối thủ hàng đầu thế giới như đương kim vô địch Nevin Harrison (Mỹ), Liudmyla Luzan (Ukraine), Dorota Borowska (Ba Lan), Lin Wenjun (Trung Quốc), Katie Vincent (Canada).
Ở vòng loại bắt đầu từ 15h30, Nguyễn Thị Hương tranh tài ở lượt đấu thứ 4 và về đích ở vị trí 6/6 với thời gian 49,74 giây.
Vòng loại có 5 lượt thi đấu, chọn ra 10 tay chèo có thành tích tốt nhất vào thẳng bán kết. Những tay chèo còn lại thi đấu tiếp vòng tứ kết để chọn ra thêm 6 người có thành tích tốt nhất vào bán kết.
Vòng tứ kết bắt đầu từ 17h40, Nguyễn Thị Hương tranh tài ở lượt đấu đầu tiên và cán đích ở vị trí 6/8 với thời gian 49,09 giây.
Tính tổng 3 lượt tứ kết, Hương đứng thứ 15/23. Thành tích không đủ giúp cô đi tiếp và chính thức dừng bước tại nội dung thuyền đơn nữ C-1 200m môn canoeing tại Olympic 2024.
Như vậy, sau gần hai tuần tranh tài tại Olympic Paris 2024 với 16 vận động viên ở 11 môn, đoàn thể thao Việt Nam đã không giành được huy chương nào, chính thức trắng tay tại kỳ Thế vận hội thứ hai liên tiếp.
Thành tích nổi bật nhất của đoàn thể thao Việt Nam chỉ là nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh với 2 lần vào chung kết và chung cuộc xếp hạng 4 nội dung 10m súng ngắn hơi, hạng 7 nội dung 25m súng ngắn thể thao.
Bên cạnh đó là 2 thành tích đáng khích lệ, vượt được ngưỡng cá nhân là tay chèo rowing Phạm Thị Huệ với thành tích 7 phút 47,84 ở nội dung thuyền đơn nữ hạng nặng; kình ngư Võ Thị Mỹ Tiên với thời gian 2 phút 17,18 giây ở nội dung 200m hỗn hợp nữ.
Kết quả tại Olympic Paris 2024 đã được dự báo trước
Chia tay Olympic Paris 2024 không một huy chương là nỗi buồn rất lớn với thể thao Việt Nam. Dù vậy, đây là kết quả được dự báo trước khi đoàn thể thao Việt Nam lên đường đến Paris.
Trong số 16 VĐV đến Thế vận hội, chỉ có 2 VĐV ở 2 môn là Trịnh Thu Vinh (bắn súng), Trịnh Văn Vinh (cử tạ) có hy vọng tranh chấp huy chương. Quá ít VĐV tranh tài, quá ít hy vọng. Trình độ của VĐV Việt Nam so với thế giới không có bất cứ ai có khả năng vượt trội. Vậy nên việc ra về tay trắng cũng là điều dễ hiểu.
Trước đó tại Asiad Hàng Châu (Trung Quốc) vào tháng 9-2023, thể thao Việt Nam giành 3 HCV nhưng cũng cho thấy bước sa sút nghiêm trọng với thể thao châu lục và Đông Nam Á. Cuối năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá, tìm ra hướng đi cho thể thao Việt Nam sau chuỗi thất bại liên tiếp.
Olympic Paris 2024 “bồi thêm” nỗi đau cho thể thao Việt Nam khi không giành nổi một tấm huy chương. Kết quả này tiếp tục đặt ngành thể thao đứng trước yêu cầu cấp bách, phải ngay lập tức bắt tay vào cải tổ chiến lược đầu tư, phát triển thể thao Việt Nam.