Con gái thứ hai vào đại học, cha mù gọi điện xin học bổng cho con

Hồ Thị Quỳnh Như phân loại đống ve chai mấy mẹ con đi nhặt, cũng là nguồn sống của cả nhà – Ảnh: TRẦN MAI

“Con Như thi được 28 điểm, chừ cho nghỉ thì tội nhưng hắn đi học chẳng biết mần răng ra tiền. Báo Tuổi Trẻ giúp nhà tôi một lần nữa được không, xin hoài cũng kỳ nhưng thiệt tình nhà tôi hoàn cảnh quá” – ông Hồ Dần, người cha 56 tuổi ở xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), nói như van qua điện thoại.

Thầy cô lo nhất là hoàn cảnh quá khó khăn khiến Quỳnh Như không nhiều thời gian dành cho việc học vì còn phải nỗ lực mưu sinh để có thể đến trường. Chúng tôi mong các nhà hảo tâm hỗ trợ vì em ấy rất xứng đáng.

Cô THIÊN HƯƠNG (giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Quỳnh Như)

Đống ve chai, nguồn sống của cả nhà

Trời đổ chiều, chúng tôi ghé nhà khi Hồ Thị Quỳnh Như đang lúi húi lựa từng cái chai bỏ vào những bao tải lớn để hôm sau thương lái đến cân. Như lọt thỏm trước khoảng sân chật kín ve chai. Số ve chai ấy là cả tháng tần tảo nhặt, mua của mẹ con Quỳnh Như, cũng là nguồn sống của cả nhà.

Bà Phạm Thị Thu (mẹ Như) có vẻ tỉnh táo hơn so với lần gặp trước. Bà không tránh mặt người lạ mà còn gật đầu chào khách.

“Con thi tận 28 điểm, chị vui không chị Thu?” – tôi hỏi. Bà cười rồi lủi thủi dắt xe rời khỏi nhà, đạp về phía cánh đồng. Như kể: “Ngày nào mẹ cũng đi nhặt, mua ve chai. Ở xã này ai có ve chai cũng bán tượng trưng chứ phần lớn là cho nhà em. Nhờ vậy mà cả nhà mới có tiền sinh sống”.

Ông Hồ Dần ngồi trước hiên nhà, nghe con gái kể vậy lại thở dài. Như ba người em ruột, ông Dần mù hẳn từ lúc 18 tuổi. Gần nửa thế kỷ sống trong bóng tối, không chăm sóc được vợ con, ông Dần bất lực, cảm giác mình là gánh nặng đè lấy đời ông.

“Hồi cưới bà ấy, ai cũng bảo ông mù cưới bà thiểu năng thì khổ cả đời. Nhưng rồi chỉ bà ấy khổ lo cho tôi và ba đứa con” – ông Dần nói.

Trong câu chuyện chắp nối đời mình, chính ông Dần cũng chẳng biết nên vui hay buồn khi ba đứa con đều sáng dạ, học rất giỏi. Mỗi ngày đi học, bé Như lại tranh thủ nhặt chai lọ dọc đường. Nên cứ nghe tiếng ve chai lạo xạo, ông biết con đã đi học về.

Cơ cực là thế nhưng Như luôn vui. Cô gái trẻ chưa bao giờ thấy mặc cảm hay oán trách số phận. Trái lại, Như nỗ lực để mẹ đỡ vất vả, cha thấy tự hào. Hôm nào làng có đám cưới, cô học trò lại mong tiết học kết thúc sớm để chạy về xin nhặt lon bia. Như nhớ lại lúc nhỏ mấy chị em lúi húi nhặt trong đám cưới còn bị lon bia rơi trúng đầu thấy buồn, chứ giờ thì không. Được nhà nào cho nhặt số lon ấy, mấy mẹ con quá mừng.

Con gái thứ hai vào đại học, cha mù gọi điện xin học bổng cho con- Ảnh 3.

Dẫu cơ cực, Quỳnh Như vẫn luôn lạc quan, nỗ lực để tiếp tục đến trường, phấn đấu đến thành công – Ảnh: TRẦN MAI

Ước học luật, nhưng sư phạm đỡ tốn tiền!

Như ước mơ trở thành luật sư. Với văn – sử – địa mỗi môn 9,25 điểm, chắc không quá khó để Như trở thành tân sinh viên trường luật sắp tới. Đó là đam mê, nhưng cô gái đăng ký nguyện vọng 1 ngành sư phạm ngữ văn, còn luật chỉ dám để nguyện vọng 2.

Cô bạn tuổi 18 ấy sớm ý thức gia cảnh của mình, muốn theo đuổi đam mê lắm. Nhưng cô tìm hiểu học phí trường luật thấy quá tầm với. Lòng cô ngổn ngang và rối bời giữa ngã ba đường bởi “ước mơ là một chuyện, còn thực tế lại là chuyện khác”.

Những đốm sáng cứ tiếp tục thắp lên giữa cheo leo đời người. Ông Dần còn cậu con út Hồ Lâm Chí Công cũng là học sinh xuất sắc nhiều năm liền. Chỉ vài năm nữa cũng tới tuổi theo hai chị vào đại học. Những ngày hè, Công chẳng mấy khi ở nhà vì bận đi khắp xã nhặt ve chai. “

Cả ba đứa đều cực khổ, may mắn đứa nào cũng có chí, cũng chọn học tập để thoát nghèo nên rất mong cộng đồng tiếp sức” – ông Dần thổn thức.

Cô Thiên Hương – giáo viên chủ nhiệm lớp 12A8 của Như – cho biết nhiều năm liền là học sinh giỏi cấp tỉnh, đạo đức tốt nên Quỳnh Như đã được Trường THPT Đông Hà kết nạp Đảng cuối năm lớp 12. Mỗi khi trường có học bổng hay hỗ trợ học sinh nghèo, Như luôn đứng đầu danh sách. Biết rõ năng lực, tư chất và tố chất của trò nên cô Hương tin cô bé sẽ biết phải phấn đấu thế nào để đi đến thành công.

Nắng chiều ngả dần xuống dòng Thạch Hãn, Quỳnh Như vẫn lúi húi cùng đống ve chai đổ tràn khắp sân nhà. Xong việc, Như dắt cha vào nhà tắm rửa, nấu ăn. Chái bếp tối om được thắp sáng bằng những tia nắng cuối ngày xuyên qua những lỗ thủng chi chít trên mái cùng vách nhà. Lo cơm nước cho cha mẹ xong, Như lại chạy qua nhà ông bà nội, nơi ông bà đã ngoài 90 tuổi cùng người chú và hai người cô bị mù đang chờ mình…

Chị gái từng được tiếp sức đến trường

Hai năm trước, suất học bổng Tiếp sức đến trường đã đến tay Hồ Thị Phương Nha, chị gái Như. Nha đang là sinh viên Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, kết thúc hai năm đầu đại học với điểm trung bình loại giỏi. Cô chị vừa về nhà vài hôm thăm cha mẹ, chúc mừng em gái rồi vội vã quay lại Đà Nẵng để đi làm thêm.

Nha khoe mình nhận làm gia sư, bưng bê quán ăn, cà phê… miễn có thời gian và việc phù hợp là làm. “Mình cố gắng làm thêm mấy tháng hè để có tiền trang trải năm học tiếp theo và hỗ trợ bé Như một ít. Mình biết ơn học bổng Tiếp sức đến trường và các nhà hảo tâm, cũng rất mong báo Tuổi Trẻ sẽ giúp Quỳnh Như. Tụi em chắc chắn sẽ không phụ sự giúp đỡ của mọi người” – Nha tâm sự.

Đăng ký ứng tuyển, giới thiệu tân sinh viên nhận học bổng

Con gái thứ hai vào đại học, cha mù gọi điện xin học bổng cho con- Ảnh 6.

Mời bạn quét mã QR này để đăng ký, giới thiệu tân sinh viên khó khăn cần tiếp sức đến trường. Chương trình nhận thông tin đến hết ngày 20-9-2024

Hồ sơ ứng tuyển học bổng sẽ được xét chọn thông qua hai bước. Bước 1, tân sinh viên hoặc người giới thiệu cần điền đầy đủ thông tin về ứng viên tại địa chỉ theo mẫu thông tin có sẵn do ban tổ chức quy định. Bước 2, ban tổ chức sẽ phỏng vấn trực tuyến hoặc phối hợp cùng địa phương xác minh trong một số trường hợp đặc biệt.

Ngoài ra, các đơn vị, tổ chức Đoàn – Hội các nơi cũng có thể giới thiệu tân sinh viên khó khăn để xem xét nhận học bổng này tại địa chỉ dưới đây. Hạn chót tiếp nhận hồ sơ đăng ký trực tuyến vào ngày 20-9.

Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms hoặc quét mã QR.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội doanh nhân Tiền Giang – Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức – Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên bằng cách chuyển khoản theo thông tin dưới đây, hoặc tài trợ kinh phí, các thiết bị học tập (máy tính, balo, tập sách, gói data…), phương tiện đi lại; các khóa học ngoại ngữ, kỹ năng; tạo cơ hội việc làm thêm, chỗ trọ miễn phí… cho các tân sinh viên.

Mời doanh nghiệp, bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên khó khăn

Mời doanh nghiệp, bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên khó khăn

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *