Sau đó, em tôi có mua một tài khoản game online và nạp nhiều tiền để mua trang bị trong game. Trong một lần nói chuyện, em có giao tài khoản cho người này, sau đó người này không chịu trả lại tài khoản cho em, đe dọa em phải chuyển tiền chuộc. Em đã mượn tiền khắp nơi và chuyển tổng cộng 50 triệu đồng nhưng vẫn chưa đòi lại được. Vậy gia đình tôi phải làm gì để lấy lại được tiền?
Bạn đọc N.N.T. (*******317) gửi câu hỏi tư vấn:
Luật sư Nguyễn Phong Phú (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn về bị người cùng chơi game online lừa đảo tiền:
Theo các tình tiết chị trình bày, pháp luật có một số quy định có liên quan như sau:
Luật Trẻ em quy định: Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi.
Nghị định 72/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung tại nghị định 27/2028/NĐ-CP ngày 1-3-2018 của Chính phủ có quy định phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi.
Theo đó, có trò chơi dành cho người lớn (từ 18 tuổi trở lên), trò chơi dành cho thiếu niên (từ 12 tuổi trở lên) và trò chơi dành cho mọi lứa tuổi.
Do vậy, em của chị có thể chơi các trò chơi phù hợp cho mọi lứa tuổi hoặc các trò chơi dành cho thiếu niên. Việc phân loại trò chơi này được thực hiện bởi doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử, theo các tiêu chí quy định tại nghị định này.
Điều 7 thông tư số 24/2014/TT-BTTTT ngày 29-12-2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng quy định về vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng, như sau:
– Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử chỉ được khởi tạo các vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng trong trò chơi điện tử theo đúng nội dung, kịch bản mà doanh nghiệp đã báo cáo trong hồ sơ được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử và trong báo cáo định kỳ của doanh nghiệp.
– Người chơi được dùng điểm thưởng hoặc đơn vị ảo có trong tài khoản trò chơi điện tử của mình để đổi lấy vật phẩm ảo do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử khởi tạo.
– Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử có nghĩa vụ quản lý vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng trong trò chơi điện tử theo đúng quy tắc trò chơi đã công bố và phù hợp với nội dung, kịch bản trò chơi đã được phê duyệt.
– Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng chỉ được sử dụng trong phạm vi trò chơi điện tử và theo đúng mục đích mà doanh nghiệp đã báo cáo.
Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng không phải là tài sản, không có giá trị quy đổi ngược lại thành tiền, thẻ thanh toán, phiếu thưởng hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử.
– Không mua, bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng giữa những người chơi với nhau.
Từ các quy định trên, có thể thấy việc em chị chơi game (nếu phù hợp độ tuổi) là không trái quy định pháp luật.
Nhưng các trang bị (vật phẩm ảo) trong game được quy định không phải là tài sản, không có giá trị quy đổi thành tiền và ngược lại… nên mọi giao dịch liên quan đến vật phẩm ảo này đều vô hiệu, trái quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, chị có cung cấp tình tiết người mà em chị quen qua mạng (chưa xác định rõ độ tuổi) có hành vi “không chịu trả lại tài khoản cho em chị, đe dọa em phải chuyển tiền chuộc. Em đã mượn tiền khắp nơi và chuyển tổng cộng 50 triệu đồng nhưng vẫn chưa đòi lại được”.
Hành vi này có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản, quy định tại điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Do đó để làm rõ sự việc, hành vi trên có cấu thành tội phạm hay không, chị cần nhanh chóng tố giác đến công an phường/xã nơi em chị cư trú để cơ quan công an thực hiện chức năng nhiệm vụ, đồng thời có thể thu hồi số tiền bị chiếm đoạt.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân – gia đình, kinh doanh – thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế…, chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected]