Ở châu Á, thế hệ này dự kiến sẽ chiếm ít nhất 1/4 dân số vào năm 2025, theo Công ty Labbrand (Pháp).
Tạp chí Forbes dẫn số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Nano cho thấy nhu cầu về các sản phẩm làm đẹp đã tăng 20% theo năm.
Thống kê của trang Statista nhận thấy: trung bình các gen Z đang chi hơn 2.000 USD mỗi năm cho các sản phẩm làm đẹp. Tuy nhiên, xu hướng chi tiêu này rõ ràng có mặt trái của nó khi đang ảnh hưởng nặng nề đến tài chính của không ít người và thậm chí còn đẩy một số người vào cảnh nợ nần.
Instagram, TikTok và YouTube là những “mỏ vàng” của các thương hiệu
Gen Z là thế hệ ngay từ nhỏ đã tiếp xúc với công nghệ số và Internet, do đó họ có xu hướng thành thạo trong việc sử dụng các công nghệ mới và mạng xã hội. Bởi thế, không bất ngờ khi tạp chí Forbes cho rằng một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến xu hướng tăng mạnh chi tiêu vào làm đẹp của gen Z là do chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ mạng xã hội.
Các nền tảng như Instagram, TikTok và YouTube là những “mỏ vàng” để các thương hiệu làm đẹp và những người có ảnh hưởng (KOL) tiếp cận người tiêu dùng trẻ tuổi. Gen Z ảnh hưởng nhiều từ mạng xã hội.
Một khảo sát của Statista năm 2023 cho thấy 83% phụ nữ gen Z đã mua sản phẩm làm đẹp trực tuyến sau khi xem các nhà sáng tạo nội dung trên TikTok giới thiệu. Trong khi đó, có tới 53% gen Z tìm kiếm cảm hứng làm đẹp từ TikTok.
Những nền tảng này tràn lan các video hướng dẫn, đánh giá sản phẩm và thử thách làm đẹp, tất cả đều được thiết kế nhằm thu hút sự chú ý của gen Z với các sản phẩm làm đẹp có mức giá rất cao. Chẳng hạn, dòng sản phẩm chăm sóc da SKKN by Kim của Kim Kardashian có thể có giá lên đến 673 USD.
Việc tiếp xúc liên tục với những hình ảnh và video được chỉnh sửa hoàn hảo tạo ra một hình ảnh lý tưởng về vẻ đẹp đã khiến không ít bạn trẻ cảm thấy cần phải chi tiêu vào các sản phẩm làm đẹp đó để đạt được những tiêu chuẩn này.
Bên cạnh đó, sự gia tăng số lượng những người có ảnh hưởng trong ngành làm đẹp cũng là một yếu tố quan trọng. Những người này thường được trả tiền hoặc nhận sản phẩm miễn phí từ các thương hiệu, và nhiệm vụ của họ là làm sao để những người xem họ có cảm giác rằng việc có một bộ sưu tập lớn các sản phẩm làm đẹp là điều rất bình thường, và là cần thiết để có làn da hoàn hảo hay ngoại hình lý tưởng.
Điều này khiến các bạn trẻ gen Z cảm thấy cần phải mua các sản phẩm đó để theo kịp các xu hướng và bắt chước các KOL mà họ ngưỡng mộ.
Nỗi lo nợ nần
Bên cạnh tác động từ các nền tảng số, áp lực xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chi tiêu của gen Z cho các sản phẩm làm đẹp. Thế hệ này lớn lên trong một thế giới mà ngoại hình liên quan chặt chẽ đến thành công và sự chấp nhận xã hội. Áp lực để trông như thế nào không phải là điều mới, nhưng nó đã trở nên gay gắt hơn với sự xuất hiện của mạng xã hội.
Gen Z rất chú trọng vào việc làm sao để mình trở nên xinh đẹp và hấp dẫn cả trên mạng lẫn ngoài đời, vì vậy họ sẵn sàng chi tiền cho nhiều loại sản phẩm làm đẹp như trang điểm, chăm sóc da, tóc và làm đẹp cá nhân. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy có những nỗi lo cần báo động về ảnh hưởng tài chính của vấn đề này.
Theo LendingTree (nền tảng trực tuyến ở Mỹ chuyên cung cấp dịch vụ so sánh và tìm kiếm các loại khoản vay, thẻ tín dụng và các sản phẩm tài chính khác), 27% người thuộc gen Z đã phải vay nợ để mua mỹ phẩm.
Nhiều gen Z vẫn đang đi học hoặc mới bắt đầu đi làm nên thu nhập của họ thường không cao. Chi tiêu quá nhiều cho các sản phẩm làm đẹp có thể khiến họ gặp khó khăn tài chính và gây áp lực cho ngân sách của họ. Thêm vào đó, ngành công nghiệp làm đẹp luôn phát hành các sản phẩm và xu hướng mới, tạo ra một vòng xoáy tiêu thụ không bao giờ kết thúc và rất khó để thoát ra.
Nhìn về tương lai, thói quen chi tiêu này có thể có ảnh hưởng lâu dài. Khi gen Z phải đối mặt với các trách nhiệm tài chính lớn hơn như tiền thuê nhà, vay học phí và tiết kiệm cho tương lai, việc chi quá nhiều cho sản phẩm làm đẹp có thể cản trở họ đạt được sự ổn định tài chính và hiện thực hóa những ước mơ quan trọng của cuộc đời.
2%
Một điều quan trọng mà các bạn trẻ cần biết là việc lập ngân sách và duy trì tài chính ổn định nên là ưu tiên hàng đầu hơn là chạy theo các xu hướng làm đẹp mới.
Một quy tắc đơn giản là không nên chi tiêu quá 2% thu nhập sau thuế hằng năm vào các sản phẩm làm đẹp.
Chẳng hạn, nếu bạn kiếm được 500 triệu đồng mỗi năm, thu nhập sau thuế của bạn sẽ khoảng 420 triệu đồng. Điều này có nghĩa là bạn nên giới hạn chi tiêu cho các sản phẩm làm đẹp ở mức khoảng 8.400.000 đồng mỗi năm. Chi tiêu nhiều hơn 2% cho các sản phẩm làm đẹp không phải là lựa chọn thông minh và có thể cản trở bạn đạt được các mục tiêu tài chính quan trọng khác.