Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi thông tư số 04/2016 về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học và cao đẳng sư phạm (thông tư 04) và thay thế các thông tư có liên quan.
Dự thảo thông tư mới có rất nhiều thay đổi theo hướng tiệm cận tiêu chuẩn kiểm định của các tổ chức trong khu vực và quốc tế.
Theo đó, so với thông tư 04, dự thảo sửa đổi rút gọn từ 11 tiêu chuẩn xuống 8 tiêu chuẩn, 52 tiêu chí, khắc phục được sự chồng chéo khi đánh giá theo tiêu chuẩn của thông tư 04.
Dự thảo này cũng sửa đổi quy định 10 tiêu chí điều kiện là các tiêu chí bắt buộc để chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đây là quy định đang được tổ chức FIBAA áp dụng.
Thông tư 04 quy định đánh giá tiêu chí gồm 7 mức từ 1 -7. Dự thảo sửa đổi hiện còn 2 mức đạt/không đạt.
Theo dự thảo thông tư sửa đổi, số biểu mẫu, số trang trong báo cáo tự đánh giá, báo cáo đánh giá ngoài… đều giảm so với quy định trong thông tư 04.
Bên cạnh đó cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ sở đào tạo trong việc cam kết về việc bảo đảm việc duy trì ngành, tự đánh giá đạt chuẩn chương trình đào tạo, giảm tải việc hành chính đối với kiểm định viên.
Theo Cục Quản lý chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả phân tích kiểm định chất lượng của hơn 1.200 chương trình đào tạo được đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước từ năm 2017 đến nay cho thấy các tiêu chí không đạt (dưới 4 điểm) chủ yếu về thiết kế, xây dựng và đánh giá chương trình.
Điều này cũng cho thấy việc xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn đầu ra và việc đánh giá người học; lấy ý kiến phản hồi của các bên liên quan phục vụ cải tiến chất lượng chương trình đào tạo đang là điểm yếu, cần thiết phải có quy định để các trường quan tâm thực hiện.
Cách tiếp cận đánh giá tiêu chí 7 mức phù hợp, để giúp phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong ở giai đoạn đầu mới làm quen và định hình mô hình quản lý chất lượng, phù hợp với trình độ các cơ sở giáo dục đại học trong các nước ASEAN.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này không phổ biến trong kiểm định chất lượng nhiều quốc gia và các tổ chức kiểm định quốc tế nên cần điều chỉnh cách đánh giá.