Như đã phản ánh: Một đường dây lừa đảo quốc tế vừa bị lực lượng công an triệt phá, 155 nghi phạm bị bắt giữ cùng nhiều tài liệu được thu giữ để phục vụ điều tra.
Điều đáng nói thủ phạm là những người Việt, vì đồng tiền mà đã tiếp tay cho tội phạm giăng bẫy hại đồng bào mình vào chỗ nguy hiểm, rủi ro khi bị lừa mất hết tài sản, lâm cảnh khốn cùng vì nợ nần.
Sau khi thủ đoạn trên bị phanh phui, nhiều bạn đọc tiếp tục bức xúc và đề nghị xử phạt thật nặng hành vi này.
Ngoài ra, một số bạn đọc cũng đặt vấn đề: Bẫy việc nhẹ lương cao không mới, tại sao vẫn có người bị lừa? Làm sao xử lý rốt ráo?
Bạn đọc Nguyễn Phong Phú viết: “Có thể pháp luật của nước ta chưa đủ sức răn đe nên các nhóm lừa đảo cứ “giăng câu bủa lưới” khắp nơi trên không gian mạng”.
Nhằm góp thêm góc nhìn, dưới đây là chia sẻ của thạc sĩ Trần Xuân Tiến.
Dễ bị cám dỗ bởi vật chất
Có thể nhiều người bày tỏ sự hoài nghi khó hiểu, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn nhiều người trẻ chưa có cái nhìn đầy đủ về cuộc sống. Do chưa có nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm, suy nghĩ có phần hồn nhiên, lạc quan, các bạn trẻ dễ tin vào những điều tốt đẹp.
Các bạn vẫn còn mang chút mơ mộng thanh xuân, nhìn đời giản đơn, và dễ dàng tin tưởng vào những cơ hội trước mắt.
Tiếc rằng niềm tin đó đặt nhầm chỗ và mang đến hiểm họa khôn lường.
Các bạn bị cuốn vào những hy vọng hão huyền, viển vông, mà không biết những bi kịch khủng khiếp đang chờ đợi bản thân.
Mà những chiếc bẫy lừa thì luôn ngọt ngào, rộng mở và vô cùng tinh vi.
Đã gọi là lừa đảo thì những cái bẫy giăng ra luôn được thay đổi, cải tiến để có thể chiếm lấy lòng tin của người bị hại. Chiêu bài “việc nhẹ lương cao” không thay đổi về bản chất nhưng luôn biến tấu về hình thức, chuyển đổi về vỏ bọc.
Các chiến lược tiếp thị, các mánh lới tiếp cận, các lời hứa hẹn thuận tai, các cách thức triển khai “chuyên nghiệp” luôn không ngừng xoay chuyển để đạt được mục đích xấu.
Ở những trường hợp khác, tâm lý muốn kiếm tiền nhanh, lối sống tiêu thụ, chủ nghĩa tiêu dùng, suy nghĩ theo đuổi vật chất mù quáng, thói quen lười lao động nhưng muốn hưởng thụ, chìm đắm trong ảo tưởng của các trào lưu khoe khoang xa hoa trên các nền tảng mạng xã hội… cũng là những nguyên nhân dẫn đến việc người trẻ dễ bị thao túng bởi các lời hứa hẹn “việc nhẹ lương cao”.
Bị lòng tham lam ngự trị, người trẻ không còn đủ sự tỉnh táo, không còn đủ lý trí phân tích, không còn đủ bản lĩnh khi đứng trước những cám dỗ vật chất, những cơ hội công việc, cơ may tài chính tưởng chừng may mắn, khó lòng có được.
Một nguyên nhân nữa khiến người trẻ lọt vào cái bẫy “việc nhẹ lương cao” chính là áp lực tài chính.
Khi rơi vào hoàn cảnh thúc ép tiền bạc, nợ nần bệnh tật ốm đau, gánh nặng lo toan cho gia đình người thân, đau khổ đứng trước vực thẳm oan khiên của cuộc đời, nhiều trường hợp đành nhắm mắt đưa chân làm liều với suy nghĩ chỉ tham gia công việc một khoảng thời gian ngắn rồi thôi.
Nhưng rồi ngã rẽ cuộc đời nối tiếp ngã rẽ cuộc đời, những bẫy lừa gian ác sao có thể dễ dàng buông tha cho con mồi đang trông chờ vào những tia hy vọng mong manh?
Làm gì để hạn chế?
Tăng cường kiểm tra giám sát với các chuyên đề, chuyên án được tổ chức thường xuyên, bài bản là phương án mà các cơ quan chức năng của chúng ta đang ráo riết triển khai.
Và mới đây, lực lượng chức năng Việt Nam và Lào đã bắt 155 người trong đường dây lừa đảo người Việt qua điện thoại. Thời gian qua, chúng ta cũng đã đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế trong vấn đề xóa bỏ các đường dây lừa đảo “việc nhẹ lương cao”.
Tuy vậy, đứng trước tình hình phức tạp của các hoạt động lừa đảo, khi mà các đối tượng lừa đảo xuyên quốc gia ngày càng “vươn vòi bạch tuộc”, rõ ràng công tác kiểm tra, hợp tác quốc tế cần phải được tăng cường hơn nữa.
Lừa đảo “việc nhẹ lương cao” là hành vi đáng lên án, và cần phải nghiêm trị nghiêm khắc để đảm bảo thượng tôn pháp luật, xây dựng xã hội lành mạnh, an toàn.
Đã đến lúc chúng ta không thể chỉ dừng lại ở các thao tác tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt cảnh tỉnh.
Thiết nghĩ chúng ta cần tạo dựng hành lang pháp lý, tăng mức xử phạt để có thể đủ sức răn đe, nghiêm trị thích đáng các hành vi lừa đảo “việc nhẹ lương cao”.
Cải cách, hoàn thiện quy định, chế tài xử phạt là đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn vấn đề, để giảm thiểu tối đa lỗ hổng cho các hành vi lừa đảo “việc nhẹ lương cao” đang hoành hành.
Phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm
Hiện nay việc giăng bẫy lừa đảo việc nhẹ lương cao gây bức xúc rất lớn. Thậm chí một số người còn đề nghị sửa luật, tăng hình phạt để những đối tượng phạm tội lấy đó làm gương.
Theo luật hiện hành, ở khoản 1 điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi lừa đảo gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Tuy nhiên tùy vào mức độ hành vi phạm tội, có thể áp dụng một số hình thức khác và từ đó mức xử phạt cũng nặng nhẹ khác nhau.
Theo quan điểm của tôi, việc sửa luật, tăng hình phạt cũng chỉ là một trong những giải pháp, chứ không phải là vấn đề cốt lõi để dẹp được nạn lừa đảo việc nhẹ lương cao.
Để giải quyết vấn nạn trên, phải phối hợp và sử dụng đồng bộ các biện pháp, chứ không mỗi pháp luật. Trong đó có cả biện pháp tuyên truyền, giáo dục.
Các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm giám sát và siết chặt không gian mạng, chặn ngay các website và các trang có quảng cáo cờ bạc… Các nhà mạng điện thoại nên rà soát chặn ngay các cuộc gọi lừa đảo.
Song song đó các cơ quan quản lý lao động và việc làm phải tích cực vào cuộc, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Thời gian qua, cũng vì muốn tìm công ăn việc làm có thu nhập tốt mà nhiều người sập bẫy.
Luật sư Dương Phúc Hậu