Ngày 18-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chủ đầu tư hai dự án điện gió tại Gia Lai đã thông tin một số nội dung liên quan việc bán cổ phần theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Bán cổ phần cho nước ngoài vì không đủ vốn làm dự án
Trước đó, như Tuổi Trẻ Online đã phản ánh, Thanh tra Chính phủ chỉ ra hai dự án này có nhiều dấu hiệu sai phạm trong việc cấp phép đầu tư, chuyển nhượng cổ phần, xử lý tiền ký quỹ và khởi công xây dựng…
Dự án thứ nhất là nhà máy điện gió Phát triển miền núi do Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông làm chủ đầu tư, công suất 50MW tổng vốn 1.916 tỉ đồng.
Dự án thứ hai nhà máy điện gió Chế biến Tây Nguyên do Công ty cổ phần Năng lượng gió Chư Prông làm chủ đầu tư, công suất 50MW, tổng vốn 1.917 tỉ đồng.
Hai doanh nghiệp đều đăng ký trụ sở tại địa chỉ 18 Hùng Vương, TP Pleiku, Gia Lai.
Được biết, tại thời điểm thành lập, hai doanh nghiệp đều có vốn điều lệ 25 tỉ đồng.
Trước khi bán cổ phần, bà Nguyễn Thị Sen – chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chè Bàu Cạn – nắm cổ phần chi phối tại hai doanh nghiệp.
Theo chủ đầu tư, hiện tại hai dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng và đang chờ đợi nghiệm thu để vận hành phát điện thương mại.
Nói về lý do bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài ngay sau khi được cấp chủ trương đầu tư, chủ đầu tư cho biết hai dự án này cần nguồn vốn rất lớn, hơn 3.600 tỉ đồng tại thời điểm lập dự án.
Do dự án không vay ngân hàng trong nước, doanh nghiệp phải huy động vốn bằng việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Đến nay, hầu hết cổ phần hai dự án đã chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới.
Doanh nghiệp cho rằng trước khi bán cổ phần đã hỏi ý kiến các sở ngành, cơ quan quản lý và được sự đồng ý thì doanh nghiệp mới bán cổ phần.
Việc mua bán cổ phần là hình thức huy động vốn phù hợp với quy định pháp luật.
Tuy nhiên, doanh nghiệp thừa nhận tại thời điểm xin cấp chủ trương đầu tư đã không đáp ứng được nguồn vốn ở mức tối thiểu 20% quy mô dự án như quy định.
Sau đó, khi được cấp chủ trương đầu tư doanh nghiệp mới dần tăng vốn chủ sở hữu lên mức 25%.
Hai dự án điện gió đã được gia hạn tiến độ?
Về đề nghị của Thanh tra Chính phủ trong việc thu hồi tiền ký quỹ của 2 dự án 16 tỉ đồng do chậm tiến độ, doanh nghiệp này nói theo quy định, khi chậm tiến độ, không thực hiện dự án hay không được gia hạn tiến độ thì phải thu hồi tiền ký quỹ.
Nhưng với 2 dự án này, UBND tỉnh Gia Lai đã nhiều lần ra quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn tiến độ dự án.
Trên thực tế, đến nay hai dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng. Do đó, doanh nghiệp này nói đang làm đúng giấy phép của cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại dự án nhà máy điện gió Chế biến Tây Nguyên, trong các năm 2023, 2024 UBND tỉnh Gia Lai lần lượt ban hành 2 quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn tiến độ dự án.
Trong đó, quyết định gần nhất cho phép dự án hoàn thành đi vào hoạt động từ tháng 12-2025.
Tương tự, tại dự án nhà máy điện gió Phát triển miền núi cũng được ban hành 2 quyết định gia hạn tiến độ tới hết năm 2025.
Nói về hành vi khởi công dự án khi chưa được bàn giao đất, chưa được phê duyệt thiết kế kỹ thuật, doanh nghiệp thừa nhận sai phạm và đã chấp hành nộp phạt, khắc phục theo yêu cầu cơ quan chức năng.