Đến tối 19-8, hầu hết các đại học, trường đại học, học viện trên cả nước đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển đại học chính quy năm 2024.
Trong đó, khối ngành sư phạm ghi nhận nhiều kỷ lục điểm chuẩn, nhiều trường công bố điểm chuẩn gần kịch trần.
Điểm chuẩn ngành sư phạm biến động mạnh
Tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội, hai ngành sư phạm lịch sử và sư phạm ngữ văn lấy điểm chuẩn 29,3 điểm, tương đương thí sinh phải đạt gần 9,8 điểm/môn mới trúng tuyển nếu không có điểm cộng ưu tiên, khu vực.
Ngoài ra, 14 ngành khác thuộc ngành đào tạo giáo viên của Trường đại học Sư phạm Hà Nội có điểm chuẩn trên 27 điểm, thí sinh đạt 9 điểm/môn khó trúng tuyển.
Tương tự, tại Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, điểm chuẩn trúng tuyển vào nhóm ngành sư phạm ngữ văn, sư phạm lịch sử, sư phạm lịch sử – địa lý, tổ hợp C00 là 28,76 điểm (tăng 1,59 điểm so với năm ngoái), trung bình hơn 9,58 điểm/môn thí sinh mới trúng tuyển. Ngành thấp nhất cũng là 24,92 điểm, tương đương hơn 8,3 điểm/môn mới có thể trúng tuyển.
Điểm chuẩn sư phạm không chỉ gần “kịch trần” với các trường đại học ở các thành phố lớn, tại Trường đại học Hải Dương điểm chuẩn cũng cao chót vót: ngành sư phạm địa lý 26,85 điểm, sư phạm lịch sử 26,62 điểm, giáo dục tiểu học 26,50 điểm. Năm ngoái, điểm chuẩn vào 8 ngành sư phạm của Trường đại học Hải Dương cùng mức 19 điểm. Như vậy so với năm ngoái, có ngành tăng cao 7,85 điểm.
Tại Trường đại học Quảng Bình, năm nay khối ngành đào tạo sư phạm có mức điểm chuẩn cao nhất là 26,61 với ngành giáo dục tiểu học. Ngành này tăng 2,61 điểm so với năm 2023.
Tiếp đến là điểm chuẩn của ngành sư phạm lịch sử – địa lý tuyển sinh năm đầu tiên với 26,5 điểm. Sư phạm khoa học tự nhiên lấy 23,24 điểm, tăng 4,24 điểm so với năm 2023.
“9 điểm/môn trượt nguyện vọng yêu thích là bình thường”
Trao đổi bên lề Hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học mới, ông Hoàng Minh Sơn, thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhận định điểm chuẩn cao là do thí sinh có nhiều nguyện vọng xét tuyển, có nhiều thông tin lựa chọn ngành nghề.
“Những trường đào tạo chất lượng tốt, những ngành học có nhu cầu nguồn nhân lực cao được thí sinh tập trung đăng ký xét tuyển nhiều. Tùy theo chỉ tiêu, với ngành chỉ tiêu không nhiều mà thí sinh tập trung xét tuyển đông thì sẽ đẩy điểm chuẩn lên cao”, ông Sơn nói về một trong những lý do điểm chuẩn cao.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng điểm khối sư phạm tăng cao cũng là tín hiệu đáng mừng, cho chúng ta thấy nhu cầu xã hội. Chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm năm nay cũng thấp hơn so với năm ngoái nên điểm chuẩn đẩy lên cao.
Theo số liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, so sánh với năm 2023, năm nay lĩnh vực có tỉ lệ nguyện vọng đăng ký tăng mạnh nhất là khối khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên, tăng 200.000 nguyện vọng (tương đương tăng khoảng 85%).
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, nhìn chung điểm vào khối trường sư phạm năm nay đều tăng chứ không chỉ Trường đại học sư phạm Hà Nội.
Vì sao điểm chuẩn ngành sư phạm tăng cao? Ông Sơn cho rằng có nhiều lý do, một trong những lý do là chính sách của Bộ GD-ĐT với người học, đặc biệt là chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm, đã thu hút nhiều thí sinh đăng ký dự thi.
Riêng với Trường đại học Sư phạm Hà Nội, ông Sơn cho hay có điểm khác biệt là năm ngoái có khoảng 300 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia đăng ký xét tuyển thẳng vào trường, sau đó có 100 thí sinh xác nhận nhập học.
Theo ông Sơn, việc thí sinh đạt từ 9 điểm/môn vẫn trượt nguyện vọng yêu thích là chuyện bình thường, vì xét tuyển đại học xét từ cao xuống thấp, thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng này có thể trúng tuyển nguyện vọng khác.