Sinh viên làm giả con dấu của bệnh viện để được cấp chứng chỉ hành nghề

Bị cáo Trần Công Minh (bên phải) và Nguyễn Quốc Sơn tại tòa – Ảnh: ĐÌNH KHẢI

Ngày 20-8, Tòa án nhân dân TP.HCM đã xét xử nhóm sinh viên ngành dược về các tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Theo đó, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Công Minh (30 tuổi, ngụ TP.HCM) và Nguyễn Quốc Sơn (30 tuổi, ngụ TP.HCM) cùng 7 năm 6 tháng tù.

Các bị cáo Võ Thị Hiệp (29 tuổi), Hàng Phước Can (26 tuổi), Lê Sỹ Min (26 tuổi), Trịnh Thị Phượng (28 tuổi) và Văn Thị Hoàng Oanh (31 tuổi) cùng 3 năm tù; Bùi Nguyễn Ngọc Hân (31 tuổi) 2 năm 9 tháng tù, Lê Thị Kim Chi (26 tuổi) 2 năm 6 tháng tù và Trần Thị Nga (29 tuổi) 2 năm tù.

Làm giả con dấu để được xét tốt nghiệp

Theo hội đồng xét xử, căn cứ lời khai của các bị cáo tại phiên tòa và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở xác định:

Trần Công Minh và Nguyễn Quốc Sơn là bạn học cùng lớp, khoa dược khóa 2020, hệ đào tạo liên thông tại Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng.

Để được xét tốt nghiệp, Minh và Sơn phải có chứng chỉ hành nghề dược theo quy định. Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ này bao gồm đơn đề nghị; bản sao có chứng thực văn bằng tốt nghiệp chuyên môn và chứng minh nhân dân; giấy khám sức khỏe; giấy xác nhận thời gian thực hành tại cơ sở thực hành chuyên môn về dược (giấy xác nhận thực hành) và phiếu lý lịch tư pháp.

Thông qua mạng xã hội Facebook, Minh và Sơn đã mua 1 con dấu giả “Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM”, 1 con dấu chức danh và con dấu chữ ký ghi tên giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cùng nhiều con dấu khác để làm giả giấy xác nhận thực hành và giấy khám sức khỏe.

Sau khi hoàn tất hồ sơ, khoảng 3 tuần sau, Minh và Sơn đã được Sở Y tế TP.HCM cấp chứng chỉ hành nghề dược.

Hồ sơ giả vẫn được cấp chứng chỉ hành nghề

Thấy việc làm giả giấy tờ “đơn giản” và việc hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Sở Y tế TP.HCM cấp chứng chỉ hành nghề thuận lợi, Sơn và Minh tiếp tục thực hiện hành vi sai trái.

Tại tòa, cả hai thừa nhận đã liên hệ nhiều người khác để “giúp đỡ” làm hồ sơ với chi phí từ 4,5 – 6,5 triệu đồng. Cụ thể, từ tháng 7-2022 đến tháng 10-2022, Minh và Sơn đã liên hệ 8 cá nhân khác (cùng học ngành dược) là Hân, Hiệp, Can, Min, Chi, Nga, Phượng và Oanh.

Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ gửi đến Sở Y tế TP.HCM cho 8 cá nhân này, Minh và Sơn nhận “thù lao” là 24,8 triệu, chia nhau tiêu xài.

Sở Y tế TP.HCM đã cấp chứng chỉ hành nghề dược cho Min, Hân và Chi. Còn 5 cá nhân còn lại, Sở Y tế TP.HCM đã gửi thông báo kiểm chứng, xác minh hồ sơ.

Ngày 7-10-2022, nhận được đề nghị của Sở Y tế TP.HCM về việc xác minh hồ sơ của Can, Hiệp, Nga, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã chuyển hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM để làm rõ và phát hiện sự việc như trên.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *