Cụ thể, Brighton – đội bóng xếp hạng 11 mùa giải trước đã chi đến 170 triệu euro mua cầu thủ nhưng chỉ thu về 34 triệu euro từ việc bán cầu thủ trong mùa hè này.
Đội trung bình Premier League chi nhiều hơn đại gia Serie A
Thực chi của Brighton cho kỳ chuyển nhượng hè năm nay vì thế lên đến 136 triệu euro. Trong khi đó, con số thực chi của Chelsea chi là 86 triệu euro.
Mùa hè 2024 đang chứng kiến sự trỗi dậy của các đội bóng trung bình – khá ở Premier League. Aston Villa chi đến 176 triệu euro để mua sắm (nhưng cũng thu về nhiều), trong khi West Ham thực chi đến 99 triệu euro. Ngay đội mới lên hạng Southampton cũng thực chi đến 84 triệu euro để mua tân binh.
Vài năm trở lại đây, các CLB thuộc hàng trung lưu ở Premier League ngày càng có phong thái của đại gia. Ví dụ điển hình là ba gã nhà giàu của Serie A (Juventus, AC Milan và Inter Milan) chưa có đội nào thực chi nhiều hơn 50 triệu euro cho thị trường chuyển nhượng hè năm nay.
Báo cáo tài khóa của mùa giải 2022-2023 cho biết tổng thu nhập của 20 CLB Premier League lên đến 7,2 tỉ euro – cao gấp đôi La Liga (Tây Ban Nha, 3,5 tỉ euro) và gấp ba Serie A (Ý, 2,3 tỉ euro).
Thành quả của sự công bằng
Sự hấp dẫn khiến Premier League luôn vượt trội các giải đấu khác về tiền bản quyền truyền hình. Gói bản quyền ba năm từ 2022-2025 của Premier League có tổng giá trị lên đến 12 tỉ euro – cao gấp nhiều lần so với La Liga, Bundesliga hoặc Serie A.
Đi cùng đó là công thức chia tiền công bằng của ban tổ chức Premier League. Kết thúc mùa 2022-2023, Man City (đội vô địch) nhận nhiều tiền thưởng nhất với 169 triệu euro từ Premier League. Nhưng đội rớt hạng là Southampton cũng nhận đến 120 triệu euro.
Trong khi đó ở La Liga, đội nhận nhiều tiền nhất trong mùa 2022-2023 là Real Madrid với 156 triệu euro. Còn đội nhận ít nhất là Mallorca, chỉ được 45 triệu euro.
Premier League còn đặt ra chính sách đặc biệt, đó là khoản tiền cứu trợ có tên “nhảy dù”. Theo chính sách này, mỗi đội bóng rớt hạng sẽ được giải đấu trả 100 triệu euro và chia ra thanh toán trong 3 năm.
Nếu họ lên hạng trong 1 – 2 năm tiếp theo, khoản chi trả này sẽ chấm dứt. Chính sách này do bóng đá Anh lo các CLB Premier League sau khi rớt hạng sẽ không trụ vững về mặt tài chính, bởi thu nhập của giải hạng dưới kém quá xa nhưng vẫn phải è cổ gánh quỹ lương khổng lồ.
Nhờ có chính sách này, các CLB rớt hạng mùa 2022-2023 như Leicester và Southampton đã lập tức lên hạng chỉ sau 1 năm. Đồng thời, Leicester đã giữ chân được khá nhiều trụ cột sau khi rớt hạng như Vardy, Daka, Ndidi, Vestegaard… Trong khi đó, Southampton và Ipswich Town lại chi nhiều cho việc mua sắm tân binh mùa hè này.
Tất cả các đội bóng trung lưu ở Premier League đều có thể hướng đến tấm gương của Aston Villa. Sau liên tiếp hai mùa hè mạnh tay cho thị trường chuyển nhượng, Aston Villa vượt vũ môn thành công trong mùa giải năm ngoái, giành vé dự Champions League. Giờ đây, Aston Villa tràn trề hy vọng tham gia nhóm “đại gia” thực thụ của giải đấu.
Còn nếu không thành công? Họ vẫn có bảo hiểm vững chắc từ khoản chia công bằng, cũng như chính sách cứu trợ của ban tổ chức Premier League.
Những ông chủ tỉ phú
Một lý do giúp các đội bóng trung lưu của Premier League mạnh tay cho thị trường chuyển nhượng là túi tiền của các ông chủ.
Man City, đội bóng nhà giàu nức tiếng, thật ra lại không quá vượt trội về sức mạnh tài chính của giới chủ. Theo Givemesport, khối tài sản của tỉ phú Mansour Bin Zayed Al Nahyan là 12,9 tỉ bảng Anh – xếp thứ tư ở Premier League. Dẫn đầu bảng xếp hạng là giới chủ của Newcastle (478 tỉ bảng), Man United (19,2 tỉ bảng). Xếp hạng ba chính là tỉ phú người Ai Cập – Nassef Sawiris (đang sở hữu CLB Aston Vlla, 13,8 tỉ bảng).
Ipswich Town, đội bóng mới lên hạng thuộc sở hữu của Tập đoàn Gamechanger 20, với tổng tài sản lên đến 10,8 tỉ, xếp thứ sáu. Chỉ duy nhất hai CLB ở Premier League không có chủ tỉ phú USD là Nottingham Forest (480 triệu bảng) và Brentford (216 triệu bảng).