Ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết dự thảo thông tư mới nhằm thay thế thông tư 17 quản lý dạy thêm học thêm.
Bên cạnh đó, dự thảo nhằm siết công tác quản lý của ngành giáo dục, đồng thời quy định cụ thể hơn tạo điều kiện cho giáo viên được dạy thêm đường hoàng.
Dạy thêm trong và ngoài trường
Cụ thể, dự thảo thông tư mới về dạy thêm, học thêm cũng chia hai loại là dạy thêm trong và ngoài nhà trường. Trong nhà trường, kế hoạch và cách thức tổ chức dạy thêm do hiệu trưởng quyết định dựa trên đề xuất của các tổ chuyên môn và đại diện phụ huynh học sinh.
Trước đó trong đề xuất của các tổ chuyên môn phải trình bày rõ lý do cần dạy thêm ở từng môn học cụ thể, thời lượng cần dạy thêm, danh sách giáo viên đăng ký dạy thêm.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, kế hoạch dạy thêm của trường ngoài việc thống nhất với các tổ chuyên môn, đại diện phụ huynh học sinh thì cần đảm bảo các nguyên tắc: thiết thực, công bằng, minh bạch, được tổ chức trên tinh thần tự nguyện của học sinh, phụ huynh học sinh.
Ngoài ra tổng số tiết học (bao gồm tiết học chính khóa, hoạt động giáo dục và tiết học thêm) không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, không quá 42 tiết/tuần đối với cấp THCS, không quá 48 tiết/tuần đối với cấp THPT.
Kế hoạch dạy thêm trong trường phải báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp trước khi triển khai và công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường, thông báo cho cha mẹ học sinh. Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học hai buổi/ngày.
Về việc dạy thêm ngoài nhà trường có quy định riêng cho đối tượng tổ chức dạy thêm và giáo viên tham gia dạy thêm. Trong đó, tổ chức hay cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đồng thời công khai môn học, thời lượng, mức tiền, địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm và danh sách giáo viên dạy thêm.
Giáo viên (gồm cả hiệu trưởng, hiệu phó) đang làm việc và hưởng lương trong cơ sở giáo dục công lập được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường nhưng phải báo cáo cấp quản lý trực tiếp và cam kết hoàn thành nhiệm vụ được giao ở trường.
“Không được đứng ra tổ chức dạy thêm”
Thông tư 17 quy định giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Dự thảo thông tư mới nội dung này không còn. Như vậy, giáo viên có được phép tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường không?
Về điều này, ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định: Đã là viên chức, công chức thì không được phép tổ chức kinh doanh, không chỉ ở việc dạy thêm học thêm mà bất cứ ngành nghề nào. Như vậy, ở dự thảo mới, giáo viên cũng chỉ được tham gia dạy thêm ở các cơ sở có giấy phép chứ không được đứng ra tổ chức dạy thêm, học thêm.
Tuy nhiên, trên thực tế không có nhiều giáo viên đến các cơ sở kinh doanh có phép để dạy thêm.
Mô hình phổ biến là một hay một nhóm giáo viên kết hợp với cha mẹ học sinh để mượn/thuê địa điểm, mời thêm các giáo viên khác cho đủ ê kíp để dạy. Việc tổ chức này thường không xin cấp phép kinh doanh nhưng tồn tại nhờ lý do “phụ huynh có nhu cầu”.
Còn một trường hợp khác cũng rất phổ biến là giáo viên độc lập tổ chức dạy thêm tại nhà (hoặc tự thuê địa điểm) cho một nhóm học sinh. Có giáo viên dạy thêm nhiều ca trong ngày theo hình thức này.
Thế nhưng, dự thảo lại không nhắc đến các trường hợp trên.
Thầy Q.V. – giáo viên môn toán nổi tiếng ở quận 5, TP.HCM – cho biết: “Tôi có thể tự tổ chức dạy thêm tại nhà, không cần đến trung tâm. Cách này có lợi hơn cho người dạy và người học. Tôi có thể giảm, không thu học phí một số học sinh khó khăn vì người tổ chức, đứng lớp dạy cũng là tôi.
Đến trung tâm người khác tổ chức thì giáo viên phải trả phí quản lý, tổ chức và một số khoản phí khác. Do đó, đa số giáo viên mong muốn được tự tổ chức dạy thêm mà không phải thông qua trung gian, nhất là những giáo viên giỏi. Tôi mong Bộ GD-ĐT quy định rõ việc này”.
Không ép buộc học sinh
So với thông tư 17, dự thảo mới có những điều chỉnh và bổ sung tiến bộ hơn. Đó là thay vì cấm giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh mình đang dạy, dự thảo thông tư mới chỉ yêu cầu giáo viên phải lập danh sách học sinh, ghi rõ lớp đang học để gửi hiệu trưởng kèm theo cam kết không ép buộc học sinh dưới mọi hình thức.
“Nếu nội dung trên đưa vào thực hiện là “cởi trói” cho những giáo viên giỏi. Trên thực tế, nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con học thêm với giáo viên chính khóa của con. Lý do vì giáo viên đó giỏi chuyên môn, dạy hiệu quả.
Nhiều học sinh ở các trường khác, xa xôi cũng đến học với thầy mà con mình ở sát bên không được học là vô lý” – hiệu trưởng một trường THPT ở quận Tân Phú, TP.HCM, nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, quy định “không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh” của dự thảo cũng tạo được sự đồng tình của dư luận.
Cô Phương Thanh – giáo viên tiểu học đồng thời cũng là phụ huynh học sinh lớp 8 ở TP.HCM – chia sẻ: “Lâu nay, phụ huynh lo lắng vì một số giáo viên hướng dẫn giải bài tập ở lớp dạy thêm rồi lấy bài tập đó ra đề kiểm tra. Có trường hợp đúng là giáo viên không ép nhưng phụ huynh vẫn phải cho con đi học thêm vì sợ con mình thấp điểm hơn các bạn…”.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, điểm mấu chốt gây nên bức xúc cho xã hội thời gian qua là tình trạng ép buộc học sinh học thêm không đúng với nhu cầu. Vì thế những nội dung quy định mới nhằm hạn chế điều này.
Phổ biến “gửi con ngoài giờ”
Ở bậc tiểu học còn phổ biến tình trạng “gửi con ngoài giờ” do cha mẹ không kịp đón vào giờ tan trường. Khi nhận trông giữ trẻ, cô giáo cũng hướng dẫn học sinh làm bài tập. Một số giáo viên tổ chức dạy thêm kiến thức.
Anh Quế đang có con học lớp 2 và lớp 5 ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi có nhu cầu gửi con thật. Và cũng thấy tốt khi cô giáo giúp con làm bài tập để tối không phải học. Tuy nhiên, cũng có nhiều phụ huynh không có nhu cầu nhưng vì ngại cô mà phải gửi con”.
Hàn Quốc, Trung Quốc quản lý học thêm, dạy thêm thế nào?
Ở Hàn Quốc, theo trang Phys.org, khoảng 80% học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 ở nước này có học thêm. Chỉ tính riêng ở Seoul, theo Classin.com, đã có hơn 24.000 trung tâm dạy thêm, học thêm (tiếng Hàn là “hagwon”), gấp ba lần số cửa hàng tiện lợi ở cùng thành phố.
Theo báo Korea Herald, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra nhiều quy định khác nhau nhằm quản lý lĩnh vực này. Một trong những biện pháp quan trọng là Đạo luật đặc biệt về thúc đẩy bình thường hóa giáo dục công và quy định về giáo dục mầm non, ban hành năm 2014.
Đạo luật này cấm các hagwon quảng cáo hoặc triển khai các hoạt động khuyến khích học trước các kiến thức trong chương trình giảng dạy, nhất là với trẻ nhỏ.
Tới giữa năm 2024, từ ngày 3-7 đến 30-8, Bộ Giáo dục Hàn Quốc triển khai tăng cường giám sát các chương trình dạy kèm nâng cao nhằm kiểm soát việc dạy trước và học trước tại các hagwon.
Tại Trung Quốc, chính phủ nước này đã thực hiện một loạt cải cách để quản lý lĩnh vực dạy thêm, học thêm. Nền tảng là chính sách được đưa ra vào tháng 7-2021.
Theo trang China-briefing.com, chính sách này nhằm giảm bớt gánh nặng học hành cho học sinh bằng cách: cấm thu tiền dạy thêm với các môn học chính trong chương trình giáo dục phổ thông (lớp 1-9); giới hạn bài tập về nhà và hạn chế giờ dạy kèm sau giờ học để giảm bớt áp lực cho học sinh và gia đình.
Ngoài ra, vào tháng 2-2024, Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng đã ban hành dự thảo quy định mới nhằm tiếp tục chấn chỉnh hoạt động dạy và học thêm sau giờ học. Trong đó đáng chú ý có điều khoản có thể xử phạt hành chính lên tới 100.000 nhân dân tệ (13.715 USD) với các cơ sở dạy thêm vi phạm các quy định đã có.