Theo số liệu chính thức, chỉ khoảng 3,43 triệu người ở Trung Quốc đã đăng ký kết hôn trong sáu tháng đầu năm 2024, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước và là con số thấp nhất trong một thập kỷ qua.
Quy định mới về kết hôn và ly hôn
Theo quy định mới từ Bắc Kinh, các cặp đôi có thể đăng ký kết hôn chỉ với thẻ căn cước ở bất cứ đâu trong cả nước. Trước đây cặp đôi phải cung cấp sổ hộ khẩu và chỉ có thể đăng ký kết hôn tại nơi đăng ký hộ khẩu.
Quy định mới cũng bao gồm thời gian chờ 30 ngày đối với các đơn ly hôn, trong đó một trong hai bên có thể rút lại đơn. Quy định này chỉ áp dụng cho các trường hợp ly hôn tại văn phòng đăng ký kết hôn, không áp dụng cho ly hôn thông qua tòa án.
Bộ Dân chính cho biết thời gian chờ bắt buộc này nhằm “giảm thiểu các vụ ly hôn do bốc đồng”. Tuy nhiên, quy định này đã gây tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc, với những người chỉ trích cho rằng nó sẽ kéo dài những cuộc hôn nhân không hạnh phúc và hạn chế tự do cá nhân.
Tính đến ngày 22-8, chủ đề về thời gian chờ khi ly hôn đã được đọc hơn 650 triệu lần trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
“Vậy sao không cấm ly hôn luôn đi?”, một người dùng mỉa mai.
Một người dùng mạng khác viết: “Nếu muốn giảm thiểu bi kịch, cần áp dụng thời gian chờ trước khi kết hôn”.
Người phát ngôn của Bộ Dân chính đã cố gắng trấn an dư luận bằng cách nói với Tân Hoa xã rằng quy định mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đăng ký kết hôn, vì nhiều người không còn sống ở nơi đăng ký hộ khẩu.
Người phát ngôn cũng khẳng định thời gian chờ sẽ không ảnh hưởng đến quyền ly hôn. “Họ vẫn có thể nộp đơn ly hôn hoặc khởi kiện. Nếu cá nhân cảm thấy bị đe dọa bởi đối phương, họ có thể tìm kiếm sự trợ giúp qua các kênh pháp lý”.
Giới trẻ Trung Quốc có lý do riêng
He Yafu, một nhà nhân khẩu học độc lập, cho biết giới trẻ không bị thuyết phục rằng đây chỉ là một nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy hôn nhân.
“So với hầu hết các quốc gia châu Âu, thời gian chờ 30 ngày ở Trung Quốc là khá ngắn”, ông He nói. “Nhưng vì có xu hướng không kết hôn hoặc sinh con, nhiều người muốn việc kết hôn trở nên khó khăn hơn và ly hôn dễ dàng hơn… vì vậy dự thảo mới này không thu hút được giới trẻ”.
Đối mặt với chi phí sinh hoạt cao, thị trường việc làm khó khăn và áp lực công việc ngày càng tăng, nhiều người trẻ Trung Quốc đang chọn không kết hôn và lập gia đình.
Ngoài ra, ngày càng nhiều phụ nữ có trình độ học vấn cao và độc lập về tài chính, dẫn đến nhiều tự do và lựa chọn cá nhân hơn.
Chính phủ đã cố gắng thúc đẩy tỉ lệ sinh bằng các biện pháp khuyến khích như giảm giá nhà, cắt giảm thuế. Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi phụ nữ trở về với các vai trò truyền thống hơn, đồng thời thúc giục các quan chức “xây dựng một nền văn hóa hôn nhân và sinh con mới”.
Tuy nhiên, nhiều người trẻ lại bị thu hút bởi quan điểm cho rằng hôn nhân là một cái bẫy và không mang lại lợi ích.
Theo luật sư về ly hôn và gia đình Zhong Wen, điều này có một phần cơ sở thực tế. “Ở Trung Quốc, việc ly hôn rất khó khăn – ông Zhong Wen nói – Ngay cả khi bạn nộp đơn kiện, thời gian chờ đợi cũng ngày càng kéo dài”.
Ông Zhong cho biết tòa án thường xử lý các đơn ly hôn một cách chậm chạp, bắt đầu bằng hòa giải, và nếu một bên không đồng ý, tòa án có khả năng sẽ không ra phán quyết ly hôn và vụ việc sẽ kéo dài hơn nữa.
Đối với một số người trẻ, xu hướng không kết hôn là một sự giải phóng. Tiffany Chen, một nhà sản xuất phim chưa kết hôn tại Bắc Kinh, cho biết điều này cho thấy giới trẻ đang coi hôn nhân là một thể chế lỗi thời.
“Khi người trẻ không còn kết hôn, điều đó có nghĩa là họ tin rằng tình yêu, sự gần gũi, tình dục và sự đồng hành – những khái niệm quan trọng đối với con người – không còn gắn liền với hôn nhân nữa”, Tiffany Chen nói.