Bài viết “Làm sao để dạy thêm, học thêm đàng hoàng?” đăng trên Tuổi Trẻ Online ngày 27-8 thu hút rất nhiều bình luận, với góc nhìn đa chiều của bạn đọc.
Dạy thêm, học thêm là quyền lợi của giáo viên, học sinh
Theo bạn đọc Tấn Luân, nhìn chương trình học, đố dám ai nói học tốt các môn mà không nhờ học thêm. Đó là vì sĩ số trong một lớp quá đông thì thời gian đâu để chỉ dẫn bài cặn kẽ, khung chương trình nặng nề, áp lực thi cử, tuyển sinh và trường không đáp ứng đủ cho học sinh.
Còn bạn đọc tên Minh bày tỏ: “Dạy thêm, học thêm tốt chứ không có gì sai trái. Vấn đề là luật làm ra phải chặt chẽ, không thể suy diễn để lách luật.
Dạy thêm hay học thêm cũng đều là học tập, giúp cho bản thân và xã hội ngày một tiến bộ văn minh hơn, việc gì phải cấm”.
Tương tự, bạn đọc Anh Vũ nhấn mạnh nhu cầu học thêm là có, cơ quan chức năng đã thấu đáo khi nghĩ cách hợp thức hóa việc dạy thêm, học thêm.
Theo bạn đọc này, không nên vì một vài thiểu số thầy cô mà đánh đồng việc dạy thêm, học thêm bằng luồng suy nghĩ tiêu cực.
“Tôi đề nghị nên thí điểm tổ chức dạy thêm, học thêm tại các trường để tập trung, dễ quản lý và không bố trí giáo viên chủ nhiệm, bộ môn dạy học sinh của mình”, bạn đọc Anh Vũ đề xuất.
Trong khi đó, bạn đọc tên Đại chia sẻ: “Dạy thêm, học thêm là quyền lợi của giáo viên và học sinh. Học sinh có quyền học thêm, rèn luyện thêm kiến thức, giáo viên có quyền làm thêm để tăng thu nhập.
Học thêm giúp học sinh có thể ôn luyện bài tập, học được đầy đủ các dạng bài tập trên lớp không dạy. Giáo viên cũng có thể dạy kỹ hơn cho học sinh vào giờ dạy thêm.
Miễn là giáo viên dạy thêm đóng thuế đầy đủ, thực hiện đúng các quy định thì có quyền dạy thêm học sinh lớp chính khóa của mình.
Giáo viên cũng phải tốn công sức để chuẩn bị bài dạy thêm và thực hiện giảng dạy thật tốt, nên thu nhập dành cho giáo viên dạy thêm là hoàn toàn hợp lý”.
Có quản được chuyện mớm bài khi dạy thêm?
Nhìn vấn đề ở hướng ngược lại, bạn đọc Hang Nguyen băn khoăn: Liệu có quản lý được việc thầy cô đưa bài tập trong lớp học thêm vào đề kiểm tra? Rồi cũng sẽ có tình trạng mớm bài, dạy trước đề thi, như vậy sẽ không công bằng giữa học sinh học thêm và không học thêm.
Bạn đọc Thương kể lại câu chuyện của nhà mình: “Cháu tôi học hết lớp 2, vừa nghỉ hè được ít hôm thì cô lớp 3 (năm học mới) gọi học thêm.
Nếu không học, sợ cháu sẽ bị phân biệt đối xử, thế là phải “tự nguyện” học thêm.
Các cháu mất tuổi thơ, mất cơ hội tự do sáng tạo khám phá vì bù đầu học thêm”.
Bạn đọc Ngô Thụy Tường Vân chia sẻ năm rồi con học lớp 8 và gia đình cho cháu học thêm toán. Cô bộ môn cũng là cô chủ nhiệm.
“Hễ mỗi lần có kiểm tra là 80% đề y chang như đã học ở lớp học thêm. Dạy vậy là “luyện gà đá” chứ đâu phải thực sự học thêm. Tuy điểm kiểm tra con tôi khá cao nhưng tôi không vui chút nào”, bạn đọc Vân viết.
Trong khi đó, bạn đọc tên Thêm đặt vấn đề: “Học cả ngày rồi còn phải học thêm, vậy thầy cô dạy gì trên lớp chính khóa mà các cháu không hiểu, chỉ học thêm một tiếng là hiểu hết?”.
Còn bạn đọc Anh Nhân lưu ý ba điều liên quan chuyện học thêm, dạy thêm:
“Một là, không cho dạy thêm đối với học sinh chính khóa. Dạy chính khóa trên lớp xong lại dạy thêm ở nhà thì chả khác gì dạy không hết trách nhiệm của người thầy cô.
Hai là, muốn dạy thêm thì phải đăng ký như bác sĩ khám chữa bệnh, bắt buộc có giấy phép hành nghề.
Ba là, hãy để học sinh có tính tự giác trong học tập, không nên vì lý do này lý do khác để gò ép, làm khó các cháu trong quá trình học tập”.
Đồng tình, bạn đọc Cát Dương nhấn mạnh: “Cần giáo dục các em tính tự học, thầy cô có thể cho thêm bài tập, chứ học thêm cực quá, tốn nhiều tiền nữa”.