Đồng Tháp tiên phong chuyển đổi số ở miền Tây

Mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP trên cánh đồng thông minh xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười với hệ thống cảm biến sâu rầy thông minh, tưới thông minh và cơ giới hóa hoàn toàn – Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Tỉnh cũng tập trung vào ba lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục nhằm nắm bắt cơ hội và thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông PHẠM THIỆN NGHĨA – chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – cho biết chuyển đổi số tại tỉnh Đồng Tháp luôn hướng đến đối tượng người dùng, phục vụ người dùng, tạo ra tiện ích và mang lại nhiều lợi ích cho người dùng trên nền tảng công nghệ số.

3 trụ cột của chuyển đổi số

* Theo Đề án chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp, trọng tâm gồm ba trụ cột – chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Phấn đấu đến năm 2030 nằm trong top 20 tỉnh thành có chỉ số tốt nhất của cả nước. Vậy đến thời điểm này, kết quả chuyển đổi số của tỉnh Đồng Tháp ở ba trụ cột trong đề án chuyển đổi số có gì nổi bật, thưa ông?

– Xác định chuyển đổi số là động lực quan trọng để tăng trưởng và phát triển bền vững, năm 2021 UBND tỉnh đã ban hành Đề án chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp dựa trên ba trụ cột: chính quyền số đóng vai trò dẫn dắt, kinh tế số là khâu đột phá, xã hội số là trọng tâm.

Về xây dựng chính quyền số, hệ thống quản lý văn bản và điều hành thông suốt từ trung ương đến cấp xã, tỉ lệ trao đổi văn bản điện tử trên 95%, sử dụng khoảng 900.000 văn bản điện tử mỗi năm, tiết kiệm hàng chục tỉ đồng chi phí in ấn phát hành.

Về phát triển kinh tế số, có hơn 438 sản phẩm của 102 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã chào bán trên các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Tiki, TikTok…

Ứng dụng công nghệ thực tế ảo để quảng bá bốn địa điểm du lịch (khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, làng hoa Sa Đéc, khu văn hóa Phương Nam, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê); có 22 hội quán và 33 hợp tác xã ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và mua bán qua mạng.

Về phát triển xã hội số cũng có những chuyển biến tốt khi có trên 83% hộ gia đình tiếp cận Internet, 90% hộ có điện thoại thông minh, 684 tổ chuyển đổi số cộng đồng, qua đó giúp người dân nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán các loại phí, cài đặt định danh điện tử VNeID… với mô hình Tổ chuyển đổi số cộng đồng đã được Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu mô hình tiêu biểu.

Tuy nhiên, do là tỉnh thuần nông nên kinh tế số của tỉnh còn thấp, chiếm tỉ trọng 4,96% GRDP (năm 2023), đây cũng là một động lực để tỉnh tập trung phát triển kinh tế số trong thời gian tới.

* Được biết, tỉnh Đồng Tháp đã đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh cấp tỉnh, ứng dụng AI, IoT, Big Data… Vậy Trung tâm điều hành thông minh cấp tỉnh có đáp ứng được mục tiêu và thực tiễn chuyển đổi số tại tỉnh Đồng Tháp hiện nay không, vì sao?

– Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh Đồng Tháp (hay gọi tắt là IOC) vận hành từ giữa năm 2022 với những công nghệ tiên tiến như IoT (camera và các thiết bị quan trắc);

AI, Big Data (áp dụng cho các hệ thống: giám sát giao thông, sâu rầy, khai thác cát, giám sát thông tin trên mạng Internet, trợ lý ảo giải quyết thủ tục hành chính); công nghệ thực tế ảo (hệ thống du lịch thông minh)…

Đến nay, IOC tỉnh đã triển khai 18 phân hệ giám sát ở cả ba trụ cột của đề án chuyển đổi số. Trong đó nổi bật là hệ thống camera giám sát thông minh, tích hợp 145 camera ở 9 huyện, thành phố;

Hệ thống giám sát an toàn thông tin giám sát cho 13 máy chủ và 5.093 máy trạm trên toàn tỉnh; hệ thống giám sát sâu rầy đã tích hợp dữ liệu từ 17 trạm quan trắc; hệ thống điều hành y tế đã tích hợp dữ liệu từ 13 cơ sở khám, chữa bệnh công lập.

IOC tỉnh đã tổng hợp, xử lý, phân tích dữ liệu, thông tin góp phần giải quyết thủ tục hành chính; tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị;

Khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tình hình an toàn thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; camera giao thông đã phục vụ đắc lực cho ngành công an làm tốt hơn công tác bảo đảm an ninh trật tự.

Tỉnh đi tiên phong chuyển đổi số ở miền Tây - Ảnh 2.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

* Tỉnh Đồng Tháp còn tập trung chuyển đổi số vào 3 lĩnh vực: nông nghiệp, giáo dục và y tế. Vậy các kết quả chuyển đổi số ở ba lĩnh vực này hiện nay ra sao, thưa ông?

– Ngành nông nghiệp đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng thử nghiệm Nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp – được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá rất cao, đang xem xét nhân rộng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Mô hình “Làng thông minh” tại xã Tân Thuận Tây (TP Cao Lãnh) đã hoàn thành và đang nhân rộng thêm cho các xã Mỹ Đông, Đốc Binh Kiều (huyện Tháp Mười), Định Yên (huyện Lấp Vò), Bình Thạnh, Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh), Tân Nhuận Đông (huyện Châu Thành)…

Ngành y tế đã hoàn thiện hệ thống thông tin và chẩn đoán bệnh từ xa cho 22 cơ sở, giúp Sở Y tế và các cơ sở y tế tuyến trên theo dõi, hỗ trợ khám chữa bệnh cho các cơ sở tuyến dưới. 

Hệ thống điều hành thông minh ngành y tế được kết nối với 100% cơ sở y tế công lập

Ngành giáo dục đã hoàn thiện mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 70% từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông.

* Là tỉnh tiên phong đề ra khẩu hiệu hành động qua các năm, gần đây nhất năm 2023 là “Kinh tế xanh, Sen hồng bứt phá. Chuyển đổi số, Đồng Tháp tiên phong”. Năm 2024 là “Chính quyền kiến tạo, công dân số. Kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh”. Vì sao các năm liền tỉnh Đồng Tháp đưa yếu tố chuyển đổi số vào khẩu hiệu hành động?

– Tỉnh Đồng Tháp liên tục đưa yếu tố chuyển đổi số vào khẩu hiệu hành động trong những năm gần đây nhằm thể hiện sự quyết tâm của địa phương nắm bắt cơ hội, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Đồng thời quyết tâm xây dựng chính quyền hiện đại, lấy người dân làm mục tiêu phục vụ, hướng đến sự phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Tỉnh đi tiên phong chuyển đổi số ở miền Tây - Ảnh 3.

Mô hình Làng thông minh đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp tại xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh – Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Làng thông minh, Xã thương mại điện tử

Làng thông minh (xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh) có hệ thống camera ứng dụng trí tuệ nhân tạo giám sát các tuyến đường; hệ thống quan trắc môi trường đo các chỉ số về đất, nước, không khí, giám sát độ pH, nhiệt độ, độ ẩm; hệ thống tưới tự động; hệ thống đèn chiếu sáng công cộng thông minh… đã đưa vào phục vụ người dân nhiều năm nay.

Ông Đặng Văn Những – chủ nhiệm Tâm Quê hội quán, xã Tân Thuận Tây – cho biết: “Trước đây nông dân trồng xoài gặp sâu rầy, dịch hại cứ ra cửa hàng mua thuốc về xịt nhưng bây giờ chúng tôi đã tự tay nghiên cứu ủ chế phẩm sinh học, trồng xoài theo quy trình hữu cơ, chuẩn VietGAP rồi ứng dụng sang rau màu, lúa và các loại cây trồng khác.

Tôi điều khiển hệ thống tưới thông minh trên điện thoại và qua đó theo dõi thời tiết, đoán trước nắng mưa nhằm phòng ngừa hạn chế hư bông, trái trên cây xoài”.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *