Thư gửi đi, số tiền đóng góp cho mùa tựu trường năm nay chưa tổng kết, nhưng khoản đóng góp 2,5 tỉ đồng tiếp sức cho 100 tân sinh viên khó khăn vẫn đã được Quỹ khuyến học Vinacam ấn định, nhờ năm nào cũng “năng nhặt chặt bị”.
Bước sang năm thứ 22 đồng hành cùng với chương trình, trò chuyện với chúng tôi ở văn phòng công ty, ông Vũ Duy Hải dường như vẫn y nguyên những tâm huyết của những ngày đầu khi ông quyết định góp một tay để tiếp sức tân sinh viên khó khăn.
Nuôi ước mơ cho tân sinh viên nghèo khó
* Năm nay ông đặt ra mục tiêu hay con số nào cho việc gây quỹ chương trình Tiếp sức đến trường, thưa ông?
– Chúng tôi không có mục tiêu nào cho quỹ, nhưng năm nào chúng tôi cũng kêu gọi đóng góp. Năm được nhiều, năm được ít. Số tiền nhiều hay ít còn do hoạt động kinh doanh của Vinacam cũng như các công ty trong ngành. Kinh tế kém thì kêu gọi cũng khó khăn hơn.
Tôi chỉ đặt ra một tiêu chí là năm nay mình cố gắng cùng với báo Tuổi Trẻ đưa ra một khoản tiền đóng góp 2,5 tỉ. Gọi được bao nhiêu thì góp cho chương trình bấy nhiêu, còn lại thì Vinacam sẽ gồng gánh từ Quỹ khuyến học Vinacam.
Năm nay có thể sẽ rất khó khăn, chúng tôi vẫn viết một lá thư kêu gọi các mạnh thường quân, cũng nói rõ ràng trong thư là dù khó đó nhưng mỗi người chung tay một chút thì thêm một học trò nghèo vượt khó được hỗ trợ, gia đình của các em sẽ bớt nghèo đi.
Bây giờ tôi viết thư ngỏ không có gì ngại ngùng cả, mà cứ trình bày rõ quan điểm. Đặc biệt là khi mà tiền các mạnh thường quân góp vào quỹ để làm việc này thì đảm bảo 100% tiền nhận được sẽ được chuyển hoàn toàn cho các cháu, chứ không thì chi tiêu vào. Khi đến tham dự các buổi trao học bổng cùng với báo thì đều chi tiêu từ chi phí của tập đoàn.
22 năm cùng Tiếp sức đến trường
Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình.
* Đây là năm thứ 22 Vinacam đồng hành cùng Tiếp sức đến trường. Đâu là điều giúp cho sự đồng hành này có thể lâu bền đến vậy?
– Tôi tham gia chương trình Tiếp sức đến trường từ những ngày đầu tiên của chương trình năm 2003, nhưng ban đầu chỉ là tư cách cá nhân. Sau đó năm 2013, Quỹ khuyến học Vinacam được thành lập.
Ban đầu quỹ này được lập ra để hỗ trợ các cháu là con em của hàng ngàn anh chị em công nhân trong Tập đoàn Vinacam, có thể thưởng khi các cháu đạt thành tích tốt hoặc gia đình nào khó khăn thì hỗ trợ.
Lúc đó chỉ suy nghĩ đến thế thôi, nhưng sau khi làm thì tôi lại thấy đây có thể là một kênh để có thể kêu gọi nhiều suất học bổng cho các em tân sinh viên của chương trình Tiếp sức đến trường, thay vì một mình lóp ngóp không biết đi được mấy năm. Từ năm 2013, Quỹ khuyến học Vinacam ký một cam kết cùng đồng hành với báo Tuổi Trẻ.
Khi ấy, tôi cũng chỉ nghĩ rằng cố gắng trong 5 năm đầu mỗi năm góp khoảng 500 triệu đồng cho chương trình Tiếp sức đến trường, phấn đấu trong vòng 10 năm thì quỹ có thể lên được khoản số dư 1 triệu USD.
* Đến bây giờ mục tiêu 1 triệu USD ấy đã được hoàn thành chưa, thưa ông?
– Điều đáng mừng là Quỹ khuyến học Vinacam đã nhận được sự ủng hộ không chỉ trong nước mà còn từ nhiều người đang sinh sống ở nước ngoài. Vì thế mà ước mơ 1 triệu đô tôi vốn nghĩ đạt được trong vòng 10 năm cũng rất nhanh. Đến bây giờ, quỹ cũng xấp xỉ 3 triệu USD.
Cũng phải nói rõ thêm rằng những năm làm ăn thuận lợi, Tập đoàn Vinacam chuyển qua cho quỹ khuyến học một khoản tương đối lớn để dự phòng, và mỗi năm cũng lại kêu gọi để bỏ thêm vào. Tập đoàn kinh doanh tốt thì lại cho thêm. Năm nào khó quá thì lại lấy từ phần dự trữ ra.
Nhưng nói chung chúng tôi cũng phải để dành, chứ không thể xin một lúc được. Có rất nhiều hoàn cảnh nhưng chúng ta chỉ lo được đến những hoàn cảnh mà chúng ta thấy khó khăn quá, khó khăn nhất.
* Còn với bản thân ông, với vai trò là chủ tịch hội đồng quản lý quỹ, hẳn ông có những suy tư nào khác để ông giữ được lửa đến ngày hôm nay?
– Tôi thường đến dự những buổi trao học bổng Tiếp sức đến trường cho học sinh vùng núi phía Bắc. Mỗi khi có dịp được chia sẻ với các bạn, tôi chỉ nói rất đơn giản là đầu tiên chúng ta phải biết chữ thì chúng ta sẽ không ở loanh quanh bản nữa. Chúng ta phải có trình độ thì mới áp dụng được khoa học kỹ thuật vào thực tế cuộc sống. Thực tế khi được tiếp sức đến trường để học hành, các bạn đã học được rất nhiều kiến thức, được thầy cô dìu dắt, được xã hội san sẻ.
Chẳng hạn trong ngành nông nghiệp, ngày nay có nhiều bác nông dân, nhiều gia đình nông dân đã giàu có hơn hẳn. Đâu đó có những bạn đã được tiếp sức đến trường, các bạn quay về với kiến thức thu nạp được, biết bón phân như thế nào cho nó phù hợp, biết đứng ra bán hàng trên mạng…
Rõ ràng hiệu quả mang lại là không những đổi đời cho gia đình các bạn, mà còn làm cho cả vùng tốt lên. Đó là niềm thôi thúc tôi làm. Tôi thấy tôi làm say mê vì thấy cái mình làm mang lại lợi ích rõ ràng cho xã hội, xã hội được hưởng, gia đình các em được hưởng. Tôi nói với báo Tuổi Trẻ rằng khi nào vẫn có tiền, có sức khỏe, tôi vẫn tiếp tục đồng hành cùng chương trình.
Vì thế tôi mong các bạn tân sinh viên khó cũng phải cố gắng học trước, rồi thứ đến mới là kiếm tiền phụ học, chứ đừng để kiếm tiền phụ học trở thành mục đích chính mà bỏ bê việc học.
Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms hoặc quét mã QR ở hình bên.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành hoặc tân sinh viên mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên, hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành, tên tân sinh viên mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.