Đó là nội dung nổi bật trong nghị quyết về tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong tình hình mới, vừa được Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang ký.
Nhiều đoàn viên mong ổn định việc làm, tiền lương
Theo nghị quyết, tổ chức công đoàn đánh giá các mô hình như Tết sum vầy, Tháng công nhân, Chợ Tết công đoàn, Chuyến xe công đoàn đã hỗ trợ, tặng quà công nhân khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khi doanh nghiệp bị cắt đơn hàng.
Song hoạt động của công đoàn còn hạn chế, tồn tại như số người lao động được chăm lo chưa đạt mong muốn, phúc lợi từ cơ sở vật chất của tổ chức công đoàn còn ít…
Nhiều đoàn viên lao động mong muốn ổn định việc làm, tiền lương, thu nhập, điều kiện làm việc, cải thiện đời sống cả về vật chất và tinh thần…
Thời gian tới, tổ chức này sẽ tập trung xây dựng chính sách, tập trung nguồn lực của tổ chức công đoàn, huy động nguồn lực xã hội hóa…
Đến năm 2030, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phấn đấu 100% đoàn viên được thăm, động viên, tặng quà khi gặp hoàn cảnh khó khăn, thụ hưởng chính sách, chương trình chăm lo, phúc lợi.
100% liên đoàn lao động, công đoàn ngành và trên 50% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức Tết sum vầy, Tháng công nhân, Chợ Tết công đoàn.
“Phấn đấu ít nhất 60% tổng chi từ nguồn tài chính công đoàn chi cho hoạt động chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động”, tổng liên đoàn đặt chỉ tiêu.
Sẽ có chính sách ưu tiên cho đoàn viên, người lao động và thân nhân
Về giải pháp, tổ chức công đoàn cho hay sẽ tham mưu, đề xuất Đảng, Nhà nước ban hành, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến người lao động như nhà ở, tiền lương, đào tạo, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Tổng liên đoàn tiếp tục đề xuất Đảng, Nhà nước có chính sách tiền lương, biên chế, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong tổ chức công đoàn.
Công đoàn tập trung nguồn lực tài chính, trong đó có tài chính công đoàn tích lũy để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê; đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhà khách, cơ sở giáo dục đào tạo, trung tâm tư vấn pháp luật…
Ban hành chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với đoàn viên người lao động và thân nhân khi sử dụng các khách sạn, nhà khách, cơ sở giáo dục, đào tạo, thiết chế nhà ở, văn hóa, thể thao… của tổ chức công đoàn.
Về lâu dài, công đoàn sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm giờ làm, mất việc khi khủng hoảng kinh tế, xã hội, thiên tai, dịch bệnh và các rủi ro khác.
Thí điểm, nhân rộng các mô hình như bữa cơm công đoàn, điểm bán hàng công đoàn, điểm khám bệnh công đoàn, tủ sách pháp luật khu nhà trọ, tặng thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân đoàn viên…
Hiện cả nước có khoảng 11 triệu đoàn viên lao động.