18 bị cáo bị viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM kháng nghị tăng nặng gồm: Huỳnh Thái Bảo, Trần Văn Cảnh, Sơn Minh Khương, Đặng Phong, Đặng Trần Khanh, Mai Đức Truyền, Trần Anh Tú, Nguyễn Đức Nam, Võ Tấn Đạt, Phạm Ngọc Hoan, Đậu Đức Vũ, Huỳnh Văn Thoa, Dương Nghĩa, Nguyễn Thái Hòa, Nguyễn Văn Thái, Trịnh Bình Dương, Vũ Hồng Quang, Nguyễn Minh Trị.
Sếp chỉ đạo giả chữ ký, án nhẹ hơn nhân viên
Bị cáo Trần Văn Cảnh (phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 83-02D) chỉ đạo nhân viên ký giả 159 chữ ký, viện kiểm sát đề nghị 9-10 năm, tòa tuyên 3 năm.
Mức án của bị cáo Cảnh thấp hơn so với các nhân viên cấp dưới bị chỉ đạo ký giả chữ ký như Nguyễn Thanh Đông (7 năm tù), Trần Minh Lý (7 năm), Lê Thị Diễm Mi (5 năm), Vũ Thanh Toàn (4 năm), Danh Rau (3 năm).
Bị cáo Sơn Minh Khương (Trung tâm 62-03D, ký giả 432 chữ ký, viện kiểm sát đề nghị 10-11 năm, tòa tuyên 5 năm tù), Đặng Phong Em (Trung tâm 71-02D, ký giả 293 chữ ký, viện kiểm sát đề nghị 7-8 năm, tòa tuyên 4 năm tù) nhẹ hơn các bị cáo ký giả ít hơn như Nguyễn Thanh Đông (202 chữ ký giả, 7 năm tù), Trần Minh Lý (93 chữ ký giả, 7 năm tù), Lê Thị Diễm Mi (46 chữ ký giả, 5 năm tù), Vũ Thanh Toàn (88 chữ ký giả, 4 năm tù).
Bị cáo Nguyễn Minh Trị (Trung tâm 50-14D) bị xử lý về tội nhận hối lộ, với tổng số tiền nhận hối lộ phải chịu trách nhiệm là 6,7 tỉ đồng.
Bị cáo Trị là người trực tiếp chỉ đạo việc bỏ qua lỗi khi kiểm định phương tiện, ký cấp giấy chứng nhận kiểm định đạt.
Viện kiểm sát đề nghị 14-15 năm, tòa xử 7 năm tù, nhẹ hơn so với các bị cáo khác như bị cáo Phạm Văn Nối (hưởng lợi 40 triệu, đã nộp lại toàn bộ, bị xử 7 năm tù), Trần Thế Hơn (hưởng lợi 99 triệu, đã nộp lại toàn bộ, bị xử 7 năm 6 tháng tù), Nguyễn Văn Cường (hưởng lợi 89 triệu, đã nộp lại toàn bộ, bị xử 8 năm tù)…
Các bị cáo Nguyễn Minh Trị, Trần Văn Cảnh và Huỳnh Thái Bảo, tòa án tuyên mức án thấp hơn 6 năm tù so với đề nghị của viện kiểm sát về tội giả mạo trong công tác là không phù hợp.
Bởi các bị cáo đã chỉ đạo những người không phải đăng kiểm viên đã ký giả, đóng giả đăng kiểm viên để thực hiện việc kiểm định phương tiện cơ giới, là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội.
Mức án không công bằng so với các bị cáo cùng hành vi
Bị cáo Đặng Trần Khanh là lãnh đạo phòng VAR, chịu trách nhiệm số tiền trên 60 tỉ, hưởng lợi lớn, viện kiểm sát đề nghị 14-15 năm tù, tòa xử 11 năm tù.
Bị cáo Mai Đức Truyền là đăng kiểm viên, chịu trách nhiệm hình sự với số tiền hơn 5 tỉ, hưởng lợi hơn 2,5 tỉ nhưng chỉ nộp lại 650 triệu, viện kiểm sát đề nghị 12-13 năm tù, tòa xử 9 năm tù.
Bị cáo Trần Anh Tú (phó giám đốc Trung tâm 50-05V) phải chịu trách nhiệm ở 2 trung tâm 05V và 06V (với tổng số tiền hơn 19 tỉ), viện kiểm sát đề nghị 12-13 năm, tòa xử 9 năm được đánh giá là không tương xứng với tính chất, mức độ hậu quả hành vi phạm tội, không công bằng so với các bị cáo khác.
Ví dụ, trưởng chuyền tại trung tâm này có tiền nhận hối lộ phải chịu trách nhiệm thấp hơn nhưng mức án cao hơn như Tô Anh Vũ (chịu trách nhiệm 7 tỉ đồng, hưởng lợi 668 triệu đồng, đã nộp lại 480 triệu đồng, mức án 10 năm tù), Nguyễn Thanh Toàn (chịu trách nhiệm hơn 8,7 tỉ đồng, hưởng lợi 850 triệu đồng, đã nộp lại 700 triệu đồng, mức án 10 năm tù)…
Theo kháng nghị, việc hội đồng xét xử tuyên xử mức án đối với các bị cáo quá nhẹ là không phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, tạo tiền lệ xấu trong việc áp dụng hình phạt khi xét xử và không công bằng đối với các bị cáo có hành vi tương tự.