Cứ vào đầu năm học, vấn đề hàng quán bủa vây trường học diễn ra khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn.
Mặc dù các chuyên gia, cơ quan chức năng đã cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ những xe hàng rong, nhưng việc xử lý vẫn không hiệu quả, tình trạng ấy vẫn tái diễn.
Nhằm góp thêm góc nhìn, dưới đây là ý kiến của bạn đọc Nguyễn Đức Huy xung quanh vấn đề này.
Vì sao trường công có, trường tư thì không?
Cứ vài tuần, báo chí lại đưa tin ngộ độc thực phẩm. Từ trẻ em tới người lớn, từ bếp ăn tập thể tới nhà hàng, từ du khách đến học sinh mẫu giáo. Ai cũng có thể là nạn nhân.
Ngộ độc thực phẩm ở trường học nhiều nhất là từ các công ty cung cấp suất ăn bán trú và hàng rong trôi nổi trước các cổng trường.
Thông tin các em học sinh ngộ độc vì ăn uống trước cổng trường xảy ra thường xuyên. Nhà trường nào cũng có căng tin, nhưng nhiều em vẫn thích mua ngoài hơn vì căng tin không có hoặc giá rẻ hơn.
Chỉ số ít trường đại học khuôn viên rộng, sinh viên đông, có khu vực buôn bán thực phẩm, hàng tiêu dùng như siêu thị nhỏ, thì hàng rong bên ngoài khó hoạt động.
Còn lại đa phần căng tin kiêm nhà ăn nhưng hàng rong vẫn nhộn nhịp. Hình như hàng rong là một phần của đời sống học sinh, sinh viên?
Các trường quốc tế ở Việt Nam, phục vụ ăn chính và ăn phụ (giữa bữa), khuyến cáo phụ huynh không để con em mang thức ăn vào trường. Không trường nào có cảnh hàng rong xô bồ trước cổng.
Trường công thì ngược lại, chỉ khác ở mức độ.
Liên quan đến hàng rong trước cổng trường, có người bảo “có cung có cầu, lại tạo thêm công ăn việc làm và người lao động có thêm thu nhập”.
Nghe cũng có lý. Nhưng lợi bất cập hại.
Căng tin nhà trường cũng khó đảm bảo vệ sinh thực phẩm, nói chi hàng rong trôi nổi.
Cổng trường luôn chen chúc phụ huynh đưa đón, phải gánh thêm hàng rong lại càng ngột ngạt, kẹt xe.
Ai cũng biết thực phẩm mất vệ sinh ảnh hưởng sức khỏe lâu dài, tốn chi phí điều trị khi học sinh bị ngộ độc. Chưa kể học sinh phải nghỉ học, phụ huynh cũng vạ lây.
Tạo thói quen tiêu xài, ăn vặt
Ngoài các tác hại kể trên, có một nguy cơ tiềm ẩn khác là hàng rong trước cổng trường, tạo thói quen ăn vặt, khuyến khích học sinh xài tiền từ mẫu giáo.
Điều này cũng thể hiện sự “phân hóa” qua việc xài tiền của từng học sinh.
Từ việc dạy, học đến ăn, ngủ, sinh hoạt trong trường đều “bình đẳng”. Giàu, nghèo là ở nhà và ngoài xã hội. Vào trường ăn uống, ngủ trưa (bán trú), nghỉ đêm (nội trú), đồng phục, ngoại khóa… đều như nhau.
Việc căng tin bán đủ thứ linh tinh và hàng rong trước cổng trường khuyến khích học sinh xài tiền.
Em nào cũng muốn chứng tỏ mình có tiền. Những em không có hoặc có ít thì tự ti, mặc cảm. Có em đã lấy cắp để có tiền, không bị xem thường hoặc đãi lại bạn bè.
Ở những nước phát triển, các trường học đều có căng tin phục vụ ăn uống tối thiểu các bữa ăn, đảm bảo an toàn thực phẩm, không bán hàng ăn vặt, không có hàng rong.
Cần nhất là dẹp sạch hàng rong trước cổng trường. Vừa tránh ngộ độc thực phẩm, không gian bớt xô bồ, vừa hạn chế học sinh ganh đua xài tiền, ăn vặt không cần thiết.
Việc này rất cần sự tiếp sức của phụ huynh và chính quyền địa phương.
Phu huynh không cho tiền hoặc nhắc con em không mua hàng rong. Chính quyền địa phương đảm bảo mỹ quan cổng trường và sắp xếp, tạo công ăn việc làm cho người bán hàng rong.
Song song, cần chuẩn hóa chất lượng và dịch vụ căng tin trong nhà trường, dù là hộ kinh doanh hay công ty phục vụ ăn uống cho thầy cô, học sinh, nhân viên.
Đừng tưởng đây là chuyện nhỏ, nhưng nếu không làm từ bây giờ sẽ gây tác hại lớn. Đây là việc liên quan tới sức khỏe giống nòi sau này.