Yên Bái rang cơm xuyên đêm
Khi thông tin về tình hình lũ lụt tại Yên Bái được lan truyền, chị Phạm Thu Hương (sinh năm 1973, đến từ phường Minh Tân, TP Yên Bái) đứng ngồi không yên. Nhóm hơn 25 thành viên gồm bạn bè, bà con, nhân viên nhà hàng… của chị thay phiên nhau rang cơm để gửi đến bà con ở các vùng cô lập.
Bữa trưa đầu tiên khi ngập lụt, nhóm đã kịp thời hỗ trợ 1.200 suất ăn. Tính đến thời điểm này, nhóm đã gửi đi hơn 5.200 hộp cơm yêu thương cho bà con khó khăn.
“Khổ nhất là thực phẩm, chợ không có… Ban đầu nhà tôi có gì bỏ ra nấu cái đó. Sau có 4 người bà con của tôi ở Văn Châu (Yên Bái) cách đó 70 – 80km. Họ liên tục chạy xuống để phụ, còn chở theo cả rau xanh, thịt…
Tối 10-9 nước ngập, Yên Bái mất điện, máy phát điện hết dầu, tôi loay hoay không biết làm thế nào vì nhà tối om, không nấu cơm được. Họ hàng vội chở dầu từ trên đó xuống để nhà chạy máy, sau đó xắn tay vào công việc nấu nướng ngay. Chúng tôi làm không nghỉ, lâu lâu lại phát sinh thêm đơn”, chị kể.
Công tác vận chuyển vô cùng vất vả. Họ cứ phải đi một đoạn qua đò, sau đó lên xe vận chuyển rồi mới tới được bến kia. Có nơi phải đi qua mấy chuyến đò. Chỗ nước xiết đường đi còn khó khăn hơn nữa. Hôm qua, nhóm chị còn 130 suất cơm đi xã Nam Cường nhưng không có đò đi qua. Họ tiếc ngẩn ngơ. Số cơm ấy được họ nhanh tay gửi tặng cho các lực lượng chức năng vì “các chú cũng đang đói bụng không kém”.
“Tôi mạnh dạn kêu gọi bà con xung quanh giúp sức, ai có gì góp nấy. Người cho ít rau, cá, ai ở xa hơn thì cho tiền. Các chị nữ doanh nhân còn hỗ trợ vận chuyển giúp. Chúng tôi làm không nghĩ gì, giúp được gì thì giúp. Nhà tôi sẽ nấu cho đến khi bà con Yên Bái tạm nấu ăn lại được mới thôi”, chị Hương kể.
Những gói xôi nghĩa tình từ bà con Phú Thọ, Lào Cai
Nhóm 12 thành viên đến từ Phú Thọ, Lào Cai… cùng nhau làm xôi giò, muối vừng để gửi tặng các vùng cô lập. Chị Ngô Hoàng Hải Vy (thành viên nhóm, sinh năm 1982, sống ở Việt Trì, Phú Thọ) cho biết họ đã làm được hơn 200 suất cho bà con khó khăn.
Chị Vy là người dân TP.HCM, lấy chồng ở Phú Thọ. Đây là lần đầu thấy bão lũ lớn như thế. Cả nhà không làm ăn gì được, cứ chút chút lại mở điện thoại xem nước lên tới đâu để kịp thời di dời đồ đạc. Tuy nhiên, chị gác lại âu lo, nhiệt tình chạy việc, chia xôi thành các phần nhỏ để công tác làm xôi giò nhanh chóng hoàn thành.
“Tôi cho rằng các vùng lụt, bà con thiếu nước sạch nghiêm trọng. Vì thế, mình tặng mì gói họ không ăn được nên nhóm mới nghĩ ra ý tưởng nấu xôi vắt thành gói này. Hy vọng những gói xôi sẽ giúp mọi người ấm bụng. Chúng tôi chỉ mong nước rút để bà con sớm ổn định cuộc sống”, chị nói.
Thái Nguyên làm bánh mì cả đêm để tặng cho bà con vùng lũ
Khi thấy Thái Nguyên nước dâng cao, anh Phạm Đức Long (sinh năm 1994, ở huyện Đại Từ) nháo nhào đi gom bánh mì gửi bà con vùng lũ. Anh đặt hai tiệm bánh mì tại địa phương làm gấp 3.000 ổ bánh mì trong đêm để kịp thời chuyển đến người dân khó khăn.
Đơn đặt hàng đặc biệt này khiến gia đình anh Lê Xuân Toản (sinh năm 1983) suốt cả đêm không ngủ. Hai vợ chồng anh cùng 3 đứa nhỏ làm không nghỉ tay từ 17h hôm trước đến 3h sáng hôm sau để kịp thời giao cho khách.
“Nhà tôi nhận làm cho Long 2.000 ổ bánh mì đi cứu trợ đồng bào. Lần đầu thấy đơn số lượng lớn mà gấp rút như vậy, tôi hơi choáng, nhưng vẫn bảo vợ con phụ một tay, vì bà con hiện nay đang đói lắm. Tuy vất vả, nhưng cả nhà rất vui vì giúp đỡ một phần nhỏ cho bà con vùng lũ”, anh nói.
Anh Toản cho rằng hoạt động này cũng gieo cho con anh tấm lòng nhân ái. Tuy không ngủ nhưng cháu có kỷ niệm vì đóng góp được nhỏ nhoi của mình đến mọi người.
Còn anh Long cho biết tiệm bánh mì còn lại cũng huy động các cháu nhỏ trong gia đình cùng làm vì sợ không kịp. Sau khi nhận được bánh mì nóng hổi, anh vội chạy đi phân phát cho bà con.
“Lúc bà con nhận được chắc chắn bánh mì sẽ không còn nóng nữa. Tôi chỉ mong đất nước mình mau hết lũ lụt vì người dân đã khổ quá rồi”, anh Long chia sẻ.
Dân Hà Nội trắng đêm luộc trứng
Chị Trần Phương Anh (sinh năm 1994, sống ở số 47 Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng cư dân chung cư luộc trứng cả đêm. Họ đóng gói sẵn 10 quả 1 bịch, cho thêm bột canh vào trong để người dân vùng lũ dễ ăn. Không chỉ vậy, họ còn gom thêm bỉm, băng vệ sinh, đèn pin, sạc dự phòng được sạc đầy sẵn… vì thấy bà con hết pin nhanh lắm mà địa phương vẫn chưa có điện sạc.
“Chúng tôi đã gom được hơn 10.000 quả trứng. Thật đáng khâm phục sức mạnh của cộng đồng. Từ trẻ nhỏ đến người lớn, ai cũng sẵn lòng góp sức. Các cụ ông, cụ bà trong khu chung cư cũng nhiệt tình tham gia, cùng luộc trứng để gửi đến bà con vùng lũ. Hoạt động này nhanh chóng được lan tỏa khắp nơi. Hiện chúng tôi đã có thêm các điểm tập kết hàng cứu trợ tại đường Đặng Văn Ngữ, Trần Thánh Tông…”, chị nói.
Quảng Trị: Người dân gói bánh, hàng quán tặng một ngày doanh thu ủng hộ đồng bào phía Bắc
Từ 7h sáng 11-9, quán chay của chị Phạm Hồng Quỳnh Ny (đường Tôn Thất Tùng, TP Đông Hà, Quảng Trị) tấp nập người ra vào, chung tay gói bánh chưng, bánh tét và làm ruốc sả.
Tầm hơn 30 người, có người lạ có người quen cùng chung tay, tình cảm và đồng lòng đến hỗ trợ.
Chị Ny mua nếp, đậu xanh, thịt heo, lá chuối và nhiều nguyên liệu khác về quán cơm chay, sau đó nhờ mọi người chung tay.
“Tôi có thể cho mọi người nhờ địa điểm để làm bánh, hoặc mua nguyên liệu đến tôi phụ giúp làm chứ không nhận tiền trực tiếp. Dự kiến số bánh làm trong hôm nay khoảng 400 – 500 cặp. Bánh làm đến đâu, luộc đến đó và gửi đi ngay khi bánh chín”, chị Ny nói.
Phía bên trong bếp, bà Hoàng Thị Bích Ngọc, chủ nhiệm Câu lạc bộ Yoga Sức sống mới Đông Hà cùng 10 chị em có mặt từ sớm để làm ruốc sả. Ruốc sả chế biến từ thịt heo, sả, ruốc, đậu lạc… được chiên khô, có thể để nhiều ngày và sử dụng ăn với cơm.
Chiều tối nay, bà Ngọc và nhóm sẽ làm xong 100 hộp ruốc sả và gửi xe từ thiện ra phía Bắc. “Việc điều tiết hàng sẽ do phía nhà xe đảm nhận, tôi hy vọng sẽ không chồng chéo, tặng cho bà con ở nơi cần thiết nhất”, bà Ngọc nói.
Ủng hộ một ngày doanh thu
Cùng tinh thần hỗ trợ đồng bào, quán cà phê Camon ở trung tâm TP Đông Hà đưa ra ý tưởng ủng hộ một ngày doanh thu tặng đồng bào các tỉnh phía Bắc.
Anh Lâm Phúc, chủ quán cho hay hàng năm, tỉnh nhà thường được các vùng miền ủng hộ trong bão lũ. “Xuất phát từ tình cảm đó, khi người dân các tỉnh phía Bắc gặp hoàn cảnh éo lé, thấ mọi người kêu cứu trên mạng xã hội nhiều nên từ những gì tôi có cùng với khách hàng thân thuộc để ủng hộ”, anh Phúc nói.
Ý tưởng này nhanh chóng được mọi người chia sẻ và đồng hành. Anh Phúc thống kê đến 10h có doanh thu bằng với một ngày bình thường.
Tương tự, một cửa hàng áo quần ở thị xã Quảng Trị vừa khai trương bán đồng giá 10k ủng hộ một ngày doanh thu. “Bà con thiệt hại nhiều quá nên mình chia sẻ với bà con một phần nhỏ trong khả năng, vì trước kia mình cũng từng chịu thiệt hại, bằng tình cảm ủng hộ lại”, chủ cửa hàng cho hay.
Nhiều quán ăn nhanh, cửa hàng khác ở Quảng Trị cũng nhanh chóng hưởng ứng, chung tay ủng hộ một ngày doanh thu gửi tới người dân các tỉnh phía Bắc.
Để sẻ chia cùng người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3, báo Tuổi Trẻ sẵn sàng làm cầu nối đóng góp của bạn đọc gần xa để chia sẻ với đồng bào đang gặp khó khăn.
– Bạn đọc có thể đến đóng góp tại trụ sở báo Tuổi Trẻ: 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM hoặc văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại các khu vực trên cả nước.
– Bạn đọc chuyển khoản, xin vui lòng gửi qua tài khoản báo Tuổi Trẻ tại: Báo Tuổi Trẻ, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3, TP.HCM. Số tài khoản: 113000006100 (Việt Nam đồng). Nội dung: Ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
– Bạn đọc ở nước ngoài xin chuyển khoản về tài khoản báo Tuổi Trẻ: tài khoản USD: 007.137.0195.845 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM hoặc tài khoản EUR: 007.114.0373.054 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM. * Swift code: BFTVVNVX007. Nội dung: Ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Báo Tuổi Trẻ sẽ phối hợp cùng một số ban ngành của các địa phương bị ảnh hưởng mưa bão để trao trực tiếp tận tay đến bà con bị thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra.