Ông Trịnh Duy Trọng – hiệu trưởng nhà trường – giải thích: “Chúng tôi không cấm học sinh mang điện thoại vào trường nhưng các em không được sử dụng trong khuôn viên giáo dục của trường, kể cả giờ ra chơi”.
Từ khi thực hiện quy định trên không còn cảnh tụm năm tụm ba, cắm cúi vào điện thoại trong giờ ra chơi nữa. Thay vào đó, sân trường đông học sinh hơn, các em chơi thể thao rất nhiều.
Sân trường không điện thoại
“Trường chúng tôi có hai sân, sân trong và sân trước. Học sinh được sử dụng điện thoại ở sân trước, là khu vực để xe trong lúc tan học. Còn khi đã bước vào sân bên trong là không được tùy tiện sử dụng điện thoại, chỉ trừ những tiết học giáo viên yêu cầu học sinh mới được sử dụng” – ông Trọng nói thêm.
Cũng theo ông Trọng, từ chủ trương trên Trường THPT Trường Chinh truyền thông đến học sinh giờ ra chơi các em cần vận động, trò chuyện, giao lưu, vui chơi với bạn bè để phát triển kỹ năng, tạo mối quan hệ…
“Từ khi thực hiện quy định trên, không còn cảnh tụm năm tụm ba, cắm cúi vào điện thoại trong giờ ra chơi nữa. Thay vào đó, sân trường đông học sinh hơn, các em chơi thể thao rất nhiều” – ông Trọng cho hay.
Trong khi đó, Trường tiểu học, THCS và THPT Ngô Thời Nhiệm (TP.HCM) cho học sinh sử dụng điện thoại có kiểm soát.
“Cấm tuyệt đối sẽ gây ức chế cho các em. Trong giai đoạn chuyển đổi số, nhiều tiết học yêu cầu học sinh phải sử dụng điện thoại để làm việc nhóm, ghi hình… Vì vậy trường chúng tôi cho phép học sinh mang điện thoại đi học nhưng khi vào trường phải nộp cho bảo vệ hoặc giáo viên chủ nhiệm” – ông Tưởng Nguyên Sự, hiệu trưởng nhà trường, cho hay.
Theo ông Sự, mỗi lớp ở trường này có một tủ để điện thoại của học sinh. Những tiết học có sử dụng điện thoại, giáo viên chủ nhiệm sẽ phát cho học sinh vào đầu tiết, hết tiết thu lại.
“Với học sinh bán trú, đầu mỗi buổi học sẽ nộp điện thoại cho giáo viên. Cuối buổi học các em sẽ nhận lại điện thoại để liên hệ với phụ huynh, đặt xe công nghệ để về nhà… Học sinh nội trú thì đầu tuần nộp điện thoại đến cuối tuần học sinh sẽ nhận lại trước khi về thăm nhà.
Trường chúng tôi có thuận lợi là giáo viên chủ nhiệm ở trường suốt cả ngày nên việc giữ điện thoại của học sinh không có gì khó khăn” – ông Sự thông tin thêm.
Theo ông Sự, mặc dù đã có quy định và khi thực hiện nhà trường cũng khá linh hoạt chứ không cứng nhắc. Ví dụ trong ngày có thể học sinh lấy điện thoại để gọi cho cha mẹ có việc cần thì giáo viên chủ nhiệm vẫn đáp ứng.
Sau khi học sinh gọi xong vẫn nộp lại điện thoại rồi cuối giờ mới nhận mang về. Quy định trên được đa số phụ huynh ủng hộ và đồng tình.
“Trường chúng tôi cũng đã thực hiện từ nhiều năm nay như thế. Tuy nhiên học sinh không phải em nào cũng làm theo. Có em mang theo hai cái điện thoại, một cái nộp cho giáo viên và giữ lại một cái để sử dụng. Do đó ngoài quy định thì các giáo viên vẫn phải để mắt, kiểm tra, nhắc nhở để các em tuân thủ” – ông Sự nói thêm.
Giấu điện thoại trong từ điển để chơi game
Theo cô T., việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong trường học là lợi bất cập hại. “Giáo viên phải thường xuyên kiểm tra, rất mất thời gian. Bữa thì bắt gặp học sinh hẹn với các bạn cùng lớp và khác lớp để chơi game; bữa thì lo chat, bữa lại lướt mạng xã hội… trong giờ học.
Mà các em có rất nhiều cách để qua mặt giáo viên. Có bữa tôi bắt gặp một học sinh để cuốn từ điển tiếng Anh ngay trước mặt. Tôi khó chịu vì mình đang dạy khoa học, sao em lại lấy tiếng Anh ra học?
Đi xuống tận nơi mới biết cuốn từ điển chỉ là cái vỏ. Em đã khoét cái ruột và để điện thoại bên trong để chơi game online”, cô T. dẫn chứng chuyện đã xảy ra.
Chuyện chiếc ba lô 28 triệu đồng
Về việc sử dụng điện thoại của học sinh, chị N.T. – một phụ huynh ở quận 7, TP.HCM – kể một buổi sáng chủ nhật chị nhận được điện thoại cho biết con trai đang học lớp 9 đặt mua một ba lô giá… 28 triệu đồng. 30 phút sau họ sẽ giao tới.
“Tôi tá hỏa hỏi lại thì con xác nhận đúng. Cháu kể giờ nghỉ trưa ở trường vào phòng bán trú nhưng không ngủ, cả nhóm lấy điện thoại lướt web. Rồi bốn học sinh cùng sa đà vào trang bán hàng online dành cho tuổi teen.
Cái mẫu ba lô này cháu và các bạn rất thích do nhà sản xuất chỉ làm đúng năm cái, không sợ bị đụng hàng. Được các bạn khuyến khích “thích là nhích”, con tôi đặt hàng luôn. Tôi nghe mà tá hỏa, 28 triệu bằng cả một tháng lương của hai vợ chồng tôi chứ ít đâu” – chị N.T. kể.
Chị T. kể nếu không mua họ sẽ bêu xấu con tôi trên mạng xã hội về tội “bom” hàng.
“Thằng con nước mắt ngắn dài, mặt đầy lo lắng bảo mẹ không mua con không sống nổi với những người bán hàng. Họ sẽ làm nhiều cách khiến mình không dám nhìn mặt bạn bè” – chị T. kể lại.
Sau lần đó, chị đề nghị trường cần cấm triệt để, không cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong trường học để học sinh được ngủ trưa.
Cô H.T.T. – giáo viên môn khoa học tự nhiên lớp 7 một trường THCS ở huyện ngoại thành TP.HCM – phát hiện học sinh lướt Facebook trong giờ học, bình luận theo kiểu khích tướng rồi thách thức nhau.
“Chỉ vì một lời bình luận trên mạng mà các em hẹn gặp nhau sau giờ học để giải quyết. Kinh nghiệm của tôi cho thấy cứ gặp nhau kiểu này là đánh nhau. Hôm đó thấy học sinh cứ cắm cúi xuống mặt bàn, em còn giả bộ lấy cuốn sách dựng lên để che mắt giáo viên nữa.
May là tôi phát hiện và ngăn chặn ngay” – cô T. kể.
Phụ huynh nói gì?
Nhiều phụ huynh khi được hỏi đều mong muốn nhà trường cấm học sinh sử dụng điện thoại.
“Thời nay cha mẹ không thể không mua điện thoại thông minh cho con. Ở nhà thì chúng tôi không thể kiểm soát con được rồi. Tôi mong khi đến trường học sinh phải chú tâm vào học hành chứ mang theo điện thoại không để làm gì” – chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, phụ huynh có con học lớp 8 ở quận 1, TP.HCM, nói.
Hàng loạt quốc gia cấm học sinh dùng điện thoại
Chưa năm học nào ghi nhận làn sóng cấm học sinh dùng điện thoại trong giờ học lại bùng nổ mạnh mẽ như năm học 2024-2025.
Tại Hà Lan, theo Gulf Today, nước này vừa áp dụng lệnh cấm điện thoại di động trên toàn quốc tại các trường học. Hồi đầu năm 2024, lệnh cấm chỉ áp dụng cho trường trung học nhưng đến nay đã mở rộng sang trường tiểu học từ tháng 9-2024.
Mục tiêu là giảm thiểu sự phân tâm và cải thiện khả năng tập trung của học sinh trong trường học. B
ộ Giáo dục Hà Lan cho rằng điện thoại di động khiến học sinh mất tập trung và giảm khả năng tập trung, điều này ảnh hưởng xấu đến việc học. Tuy nhiên, điện thoại vẫn có thể được sử dụng trong lớp nếu cần thiết cho nội dung bài học, chẳng hạn như khi học về kỹ năng truyền thông.
Tại Anh, theo trang thông tin Chính phủ Anh, nước này đã ban hành hướng dẫn mới vào tháng 2-2024, khuyến khích các trường học trên toàn quốc cấm sử dụng điện thoại di động suốt cả ngày học, bao gồm cả giờ giải lao.
Các trường học ở Anh nhận thấy việc sử dụng điện thoại di động có thể dẫn đến việc bắt nạt qua mạng và làm gián đoạn lớp học. Khi thực thi hướng dẫn mới, các trường có thể cấm điện thoại khỏi khuôn viên trường, yêu cầu học sinh nộp lại điện thoại khi đến trường hoặc có thể giữ hộ học sinh…
Tại Hy Lạp, theo Euro News, nước này đã ban hành các quy định mới về việc học sinh đem điện thoại đến trường từ tháng 9-2024. Theo đó, học sinh có thể đem điện thoại đến trường nhưng bắt buộc phải giữ điện thoại di động trong cặp suốt thời gian học.
Bộ trưởng Giáo dục Hy Lạp Kyriakos Pierrakakis cho rằng mục tiêu là tạo ra môi trường học tập an toàn hơn cho học sinh và giảm thiểu tình trạng bắt nạt qua mạng.
Tại Trung Quốc, theo China Daily, Bộ Giáo dục Trung Quốc cấm học sinh tiểu học và trung học mang điện thoại di động đến trường từ năm 2021. Biện pháp này nhằm bảo vệ thị lực của học sinh, đảm bảo các em tập trung vào học tập, ngăn trẻ em nghiện Internet và các trò chơi điện tử.
TRỌNG NHÂN tổng hợp