Xin đừng ‘thả rông’ trẻ cho thế giới ảo

Học sinh sử dụng điện thoại tại một trường học ở TPHCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Điện thoại thông minh hiện diện ngày càng nhiều trong đời sống con người, chen vào hầu hết các mối quan hệ gia đình, bạn bè, thầy trò. Tiện ích nhiều vô kể nhưng không thể phủ nhận mặt trái của nó đang tác động nhiều chiều đến người trẻ, nhất là học sinh.

Nhiều năm đi dạy, không ít lần tôi chứng kiến cảnh học sinh lén lút sử dụng điện thoại trong giờ học. Màn hình chợt sáng lên dưới hộc bàn hay mặt bàn rung bần bật có thể nào khiến bọn trẻ chuyên tâm vào bài học? Tin nhắn đến, cuộc gọi đang đổ chuông, lượt like và share, comment cứ thế hối thúc bọn trẻ phải giấu tay, lén mắt lướt, trượt, chạm, ấn…

Thách thức với giáo viên

Điện thoại hỗ trợ việc học, nhưng giáo viên quản thế nào được với những màn hình cứ sáng đèn nhấp nháy. Tịch thu tất cả điện thoại đặt lên bàn giáo viên ư? Điều đó không ổn! Nhắc nhở các em cất điện thoại vào cặp và hạn chế sử dụng khi giáo viên yêu cầu ư? Hoàn toàn không thể nào dùng lời nói để thuyết phục tất cả bọn trẻ.

Nhiều giáo viên mạnh dạn ý kiến rằng không khó để quản việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học. Điều này có lẽ đúng với những lớp học có đầu vào ổn định về sức học và ý thức tốt.

Còn chúng tôi, những giáo viên cấp hai “làm mẹ” của bọn trẻ tuổi “ẩm ương” đông nghìn nghịt thì thật khó nhằn để bảo các em cất điện thoại là cất gọn vào cặp, không dùng điện thoại trong khoảng thời gian này là ngoan ngoãn để mặc “dế cưng” nằm yên.

Bọn trẻ đang tuổi lớn, tò mò với mọi thứ, học đòi mọi điều hay điều dở. Mà thế giới mạng đằng sau màn hình lung linh kia lại là một thế giới đầy thú vị, lắm cám dỗ.

Hết game online lại đến mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok… rất dễ khiến trẻ sa ngã một khi thiếu hụt kỹ năng trở thành người sử dụng công nghệ thông minh và vắng bóng sự định hướng từ người lớn.

Nghiện game đã là nỗi ám ảnh của không ít phụ huynh khi trẻ trốn học cày quán game, lơ là việc học bởi mối bận tâm đặt trọn vào thế giới ảo trong game. Sống ảo là một nỗi lo mới khi nhiều đứa trẻ cứ mải mê ngắm, nhìn, ao ước cuộc sống sang chảnh lung linh trên mạng của một số người.

“Giang hồ mạng” đột nhiên trở thành thần tượng của không ít đứa trẻ; cách ăn nói bỗ bã, văng tục, chửi thề cùng lối hành xử chợ búa vô tình khiến trẻ lầm tưởng và cổ vũ.

Rồi bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua có không ít vụ việc xuất phát từ nguyên nhân mâu thuẫn trên mạng xã hội từ một lời bình luận, một câu chê bai, một cú “like đểu”.

Đó là điều nguy hại.

Liên minh ba bên

Kỹ năng cần thiết để sử dụng công nghệ một cách thông minh vẫn còn nhiều lỗ hổng. Người lớn chúng ta vẫn đang nghiện mạng xã hội, mê game online, thích sống ảo và sa bẫy tin giả vô số thì sao có thể tạo “tấm lưới an toàn” để bảo vệ trẻ một cách toàn diện và hiệu quả?!

Cạm bẫy và rủi ro bên trong màn hình di động nhiều vô kể, trong khi các phần mềm kiểm soát, lọc tin giả, chặn video phản cảm, bạo lực… vẫn chưa hoàn thiện và trở thành chiếc áo giáp bảo vệ trẻ vững chắc.

Chính vì vậy, để tránh những hệ lụy đau lòng xuất phát từ việc sử dụng mạng xã hội thiếu ý thức và yếu kỹ năng, gia đình – nhà trường – xã hội phải quyết liệt vào cuộc.

Liên minh ba bên sẽ giúp kiểm soát, ngăn chặn thông tin xấu độc, thanh lọc môi trường mạng trong sạch, lành mạnh; thường xuyên tổ chức các chuyên đề tập huấn kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả; quan tâm nhiều hơn đến “bước chân số” của trẻ trên mạng để kịp thời uốn nắn những lệch lạc, điều chỉnh những hành vi sai lệch và bảo vệ trẻ tránh xa “luồng khói độc” từ không gian ảo.

Xin đừng “thả rông” bọn trẻ cho điện thoại di động.

Cơ hội nhiều, nỗi lo lớn

Trước đây điện thoại thông minh muốn đến tay trẻ phải được sự cho phép của phụ huynh, trường học cấm điện thoại để trò chăm chú vào nhiệm vụ học tập.

Từ khi thông tư 32 cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học chính thức có hiệu lực thì cơ hội trẻ chạm điện thoại nhiều hơn, mối lo của phụ huynh và giáo viên cũng sẽ tăng theo cấp số nhân khi hoàn toàn không thể kiểm soát được trẻ sẽ truy cập gì trên mạng, trẻ đang sa đà thế nào vào thế giới ảo.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *