Tập trung dựng lại trường lớp

Một trường học ở huyện Bảo Yên (Lào Cai) ngập sâu trong nước – Ảnh: Giáo viên cung cấp

Tuy nhiên, hiện vẫn còn gần 100 trường và điểm trường chưa thể dạy học. Đây là số liệu do Bộ GD-ĐT cung cấp dựa trên báo cáo của 23/27 tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi bão lũ được cập nhật đến ngày 16-9.

Trường lớp, sách vở, đồ dùng hư hỏng

Trong số này, Lào Cai còn 83 trường và điểm trường chưa thể cho học sinh đi học. Theo Sở GD-ĐT Lào Cai, tính tới ngày 16-9 có 520 trường đã tổ chức cho học sinh trở lại trường học tập.

Trong số các trường còn phải đóng cửa, huyện Bảo Yên có tới 55 trường. Trong số trường đã dạy học trở lại, có những nơi còn thiếu nhiều học sinh do các em ở những xã còn đang bị chia cắt.

Các huyện Si Ma Cai, Bát Xát, Bắc Hà… cũng đang còn những trường chưa thể cho học sinh trở lại học. Có những trường mặc dù nước rút nhưng chưa thể khắc phục thiệt hại ngay để tổ chức dạy học như Trường THCS&THPT Bát Xát.

Trường này bị sạt lở taluy 80 mét làm sập toàn bộ 16 phòng ở bán trú của học sinh, đe dọa nhà đa năng. Các phòng học cũng đang phải đánh giá lại mức độ ảnh hưởng mới có thể cho học sinh học tập.

Trường THPT Bảo Yên bị ngập sâu trong bùn nước nên nhiều sách vở, đồ dùng học tập hư hỏng, không thể đảm bảo việc dạy học.

Hai trường này dự kiến sớm nhất 18-9 mới cho học sinh trở lại trường. Nhiều trường khác của huyện Bảo Yên phải tới 23-9 mới cho học sinh trở lại trường.

Tuyên Quang cũng là tỉnh chịu thiệt hại nặng do bão số 3 khi nhiều trường học bị ngập nước, sạt lở. Khoảng 2.000 học sinh có nhà bị ngập và sạt lở, đồ dùng học tập và sách vở bị cuốn trôi.

Đến ngày 13-9, có 292 trường trong tổng số 456 trường cho học sinh đi học trở lại. Đến ngày 16-9, có thêm 163 trường cho học sinh đi học, chỉ còn duy nhất một trường là Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT Chiêm Hóa chưa thể mở cửa trở lại.

Trường này bị sập hư hại toàn bộ khu ký túc xá và nhà ăn của học sinh, hệ thống điện nước và nhiều trang thiết bị hư hỏng. Dự kiến tới 23-9, trường cuối cùng của Tuyên Quang mới có thể dạy học được.

Tập trung dựng lại trường lớp - Ảnh 2.

Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học & THCS xã Quan Hồ Thẩn (Bảo Yên, Lào Cai ) bị sạt lở nghiêm trọng – Ảnh: Giáo viên cung cấp

Nhiều trường chưa thể dạy học

Bà Nguyễn Ngọc Thư, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cao Bằng, cho biết hiện vẫn còn nhiều học sinh chưa thể quay lại trường.

Nước ở các sông suối còn cao, đường sạt lở nhiều, có nơi bị chia cắt, các trường không đảm bảo an toàn cho học sinh nếu mở cửa trở lại. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Cao Bằng, đợt bão lũ vừa qua có trên 40 trường chịu ảnh hưởng.

Đến ngày 14-9, 10/519 cơ sở giáo dục vẫn chưa tổ chức học trở lại được do nước sông suối còn cao và đường bị sạt lở, chia cắt. Hiện nay chưa liên lạc được với gần 700 em học sinh do mất sóng điện thoại.

Nhiều em không thể đến trường do địa hình bị chia cắt. Bà Nguyễn Ngọc Thư cho biết đợt mưa lũ vừa qua có chín người thiệt mạng do mưa lũ, trong đó có hai giáo viên và bảy học sinh; một học sinh bị thương.

Tỉnh Yên Bái tính đến ngày 16-9 có 437/442 trường đã cho học sinh đi học lại. Hiện còn năm trường chưa thể cho học sinh quay lại vì còn ngập nước hoặc chưa khắc phục xong thiệt hại.

Riêng trong ngày 16-9, nhiều trường ở Yên Bái đã cho học sinh trở lại trường ngày đầu tiên sau đợt nghỉ dài. Nhiều trường đã dành thời gian của buổi chào cờ đầu tuần để động viên học sinh.

Có trường không tập trung học sinh trên sân trường mà dành tiết chào cờ để học sinh ngồi tại lớp trò chuyện với cô giáo chủ nhiệm. Đây cũng là dịp để cô giáo và nhà trường nắm thêm tình hình của học sinh chịu thiệt hại do bão lũ và động viên học sinh ổn định tinh thần để học tập.

Theo một số hiệu trưởng các trường ở ngay thành phố Yên Bái, các trường cũng chịu hậu quả nặng như ngập nước; thiết bị, đồ dùng học tập, bàn ghế bị hỏng.

Hầu hết các trường phải huy động toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên và một số phụ huynh vét bùn đất, sửa chữa đồ dùng, bàn ghế, vệ sinh khử khuẩn trong 3 – 4 ngày qua mới kịp đón học sinh.

Nhưng trong các ngày đầu trường mở lại vẫn có nhiều học sinh vắng mặt vì gia đình chưa ổn định sau bão lũ. Có những học sinh đến lớp không có sách, vở, bút viết vì bị lũ cuốn trôi.

Tiếp tục rà soát, đánh giá thiệt hại

Theo Bộ GD-ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tiếp nhận 8 tỉ đồng tiền mặt và 3,5 tỉ đồng bằng hiện vật (dụng cụ học tập, vở viết).

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế đã họp với Bộ GD-ĐT, cam kết hỗ trợ ngành giáo dục tối thiểu 4,05 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ thực phẩm, đồ uống, sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh ở vùng bị thiệt hại do bão lũ.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các nhà xuất bản đã tặng 2.000 bộ sách, huy động 12,5 triệu bản sách và đề xuất in bổ sung 10 triệu bản sách để cấp lại cho học sinh bị cuốn trôi sách vở.

Hiện các nhà xuất bản đã sẵn sàng nguồn cung ứng sách giáo khoa đến các địa phương bị ảnh hưởng, đảm bảo để học sinh có sách để học khi trở lại trường.

Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương tiếp tục khẩn trương rà soát đánh giá thiệt hại, tổng hợp báo cáo đề xuất các cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả.

Bộ GD-ĐT đề nghị chủ tịch UBND tỉnh thành trực thuộc trung ương thực hiện điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non và phổ thông, giáo dục thường xuyên phù hợp với thực tiễn địa phương nhằm đảm bảo thực hiện và hoàn thành chương trình giáo dục trong trường hợp ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.

Các tỉnh quyết định việc cho học sinh nghỉ học và trở lại trường học đảm bảo an toàn cho học sinh.

Thiệt hại rất nặng nề

Tập trung dựng lại trường lớp - Ảnh 3.

Máy tính của Trường THCS thị trấn số 2 Phố Ràng (Bảo Yên, Lào Cai) hư hỏng sau mưa lũ – Ảnh: Giáo viên cung cấp

Theo số liệu tổng hợp đến ngày 16-9 của Bộ GD-ĐT, có 52 học sinh và trẻ em bị tử vong do đợt bão lũ vừa qua. Ngoài ra còn 3 học sinh đang mất tích, 8 học sinh bị thương. Có 3 giáo viên tử vong, 1 giáo viên mất tích.

Do mưa to và gió lớn nên nhiều cơ sở giáo dục ở các tỉnh thành khu vực miền núi phía Bắc và Đông Bắc Bộ bị ngập nước sâu, phòng học bị tốc mái, nhiều công trình bị sập đổ, vỡ kính. Nhiều thiết bị dạy học, đồ dùng học tập của học sinh bị nước cuốn trôi, ướt hỏng.

Hiện các địa phương vẫn đang trong quá trình thống kê chi tiết thiệt hại về phòng học và trang thiết bị dạy học.

Nhưng theo số liệu ban đầu, Hà Nội có gần 3.600m tường rào bị đổ, 457 phòng học tốc mái, 719 nhà xe hư hỏng, nhiều trường học bị ngập nước. Bắc Giang có hơn 3.200m2 mái tôn hư hỏng, trên 330m tường rào đổ, 8 cổng trường bị sập.

Cao Bằng có nhiều trường mầm non phổ thông có nguy cơ sạt lở cao. Tuyên Quang có 33 trường học bị ngập nước, sạt lở đất. Bắc Kạn có 39 trường học bị ảnh hưởng nặng ngập úng, sạt lở, hỏng đồ dùng và thiết bị, đổ tường rào.

Lạng Sơn có hơn 7.600m2 mái nhà trong trường học tốc mái, 110 phòng học sập trần, 375m tường rào bị đổ, sập 6.480m2 nhà để xe. Lào Cai có 10 trường THPT trực thuộc Sở GD-ĐT và gần 60 trường/điểm trường ở các huyện bị sạt lở, ngập lụt. Yên Bái có 27 trường bị ngập lụt, 59 trường bị sạt lở và hư hỏng công trình.

Hải Dương có 90% số trường học có phòng học bị tốc mái tôn, tường bao sụp đổ. Hải Phòng có 1.670 phòng học bị hư hại có thể khắc phục ngay, 1.017 phòng học phải tiến hành sửa chữa lớn.

Có 428 phòng học bộ môn bị hư hỏng. Có 732 nhà xe, phòng y tế, khu vệ sinh bị hư hỏng hoặc đổ sập. Nhiều phòng chức năng, nhà ăn, bếp ăn bị hư hỏng…

Yên Bái có gần 20.000 học sinh bị mất hoặc hư hỏng sách giáo khoa, kinh phí dự kiến mua lại khoảng trên 9 tỉ đồng.

Hà Nội còn 61 trường chưa dạy học trực tiếp

Tính đến ngày 16-9, Hà Nội còn 61 trường chưa thể cho học sinh trở lại để dạy học trực tiếp. Trong số này có 21 trường mầm non, 23 trường tiểu học, 16 trường THCS và 1 trường THPT.

Ngoài các trường còn bị ngập nước, một số trường khác nước rút nhưng đồ dùng và thiết bị hỏng hóc, phải cần thời gian để dọn vệ sinh, khử khuẩn và kiểm tra đường điện, phòng học đảm bảo an toàn cho học sinh.

Trước đó, ngày 15-9 những trường chưa thể cho học sinh đi học trở lại là 27. Nhưng trận mưa lớn đêm 15-9 khiến cho nhiều tuyến phố, một số khu vực bị ngập nước trở lại nên nhiều trường học lại phải tạm dừng dạy học trực tiếp.

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, do diễn biến thời tiết phức tạp nên con số trường học phải tạm dừng đón học sinh có thể còn thay đổi trong các ngày tới.

Với các trường chưa thể cho học sinh trở lại trường, Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ đạo chuyển sang dạy học trực tuyến hoặc giáo viên giao bài tập và hướng dẫn học sinh tự học, ôn luyện trên các nền tảng trực tuyến. Riêng các trường mầm non chưa thể đón trẻ, phụ huynh phải khắc phục.

Cùng với việc tiếp tục khắc phục thiệt hại do mưa bão, Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ đạo các trường phải theo dõi sát sao thời tiết để linh hoạt điều chỉnh kế hoạch dạy học, thực hiện xen kẽ trực tiếp và trực tuyến nhằm đảm bảo việc dạy học không bị đứt quãng quá lâu.

Ưu tiên kinh phí cho ngành giáo dục khắc phục thiệt hại

Bộ GD-ĐT đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi phân bổ quyên góp ủng hộ, ưu tiên kinh phí cho ngành giáo dục để kịp thời sửa chữa, khắc phục các công trình bị hư hại và mua sắm thiết bị đồ dùng cho học sinh, sinh viên. Bộ GD-ĐT cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai mức hỗ trợ tài chính, tùy theo mức độ thiệt hại.

Theo đó, mỗi gia đình có giáo viên tử vong do bão lũ được nhận hỗ trợ 30 triệu đồng. Mỗi gia đình có học sinh, trẻ mầm non tử vong do bão lũ nhận hỗ trợ 10 triệu đồng. Nguồn hỗ trợ do Bộ GD-ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam vận động và tổ chức quyên góp.

Từ các địa phương chia sẻ, hiện đã có một số nhà trường được các tổ chức, cá nhân trực tiếp liên hệ để hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, quần áo, chăn ấm, trang thiết bị phục vụ bán trú; cam kết hỗ trợ xây lại phòng học, nhà ở bán trú…

Bạn đọc Tuổi Trẻ cùng “Tiếp sức thầy trò, tái thiết trường lớp vùng bão lũ”

Tất cả đóng góp của bạn đọc đều được báo Tuổi Trẻ công khai danh sách trên Tuổi Trẻ nhật báo và trên tuoitre.vn. Báo Tuổi Trẻ sẽ phối hợp cùng các tỉnh, thành đoàn và ban ngành để khảo sát, xét chọn và trực tiếp trao tận tay các ủng hộ đến người dân.

Tùy vào đóng góp của bạn đọc mà báo Tuổi Trẻ sẽ triển khai một số hoạt động như sau:

1. Hỗ trợ ngay dụng cụ học tập cho học sinh (dự kiến 1 triệu đồng: 500.000 đồng tiền mặt và dụng cụ học tập trị giá 500.000 đồng) và trang thiết bị cho nhà trường (tùy vào thiệt hại và quy mô của trường) để thầy trò sớm trở lại trường.

2. Tổ chức học bổng “Ngăn dòng bỏ học cho học sinh bão số 3” trị giá từ 3 triệu đến 5 triệu đồng và giáo viên đặc biệt khó khăn từ 5 triệu đến 10 triệu đồng tùy trường hợp cụ thể.

3. Hỗ trợ sinh kế giúp người dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3 bằng cây giống, con giống và trang thiết bị để mưu sinh trị giá từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể.

4. Hỗ trợ sửa chữa và xây dựng mới một số điểm trường bị thiệt hại nặng nề, thiếu phòng lớp học.

5. Tùy tình hình thực tế sẽ có những hỗ trợ mang tính bền vững, căn cơ, thiết thực hiệu quả lâu dài.

Báo Tuổi Trẻ sẽ sớm triển khai sử dụng hiệu quả số tiền mà bạn đọc ủng hộ và mời một số đơn vị cùng đến tận nơi để sẻ chia cùng bà con vùng bão lũ.

Ban biên tập báo Tuổi Trẻ

5.500 lượt bạn đọc đóng góp thông qua báo Tuổi Trẻ

Tính tới ngày 16-9, thông qua báo Tuổi Trẻ, đã có hơn 5.500 lượt bạn đọc tổ chức và cá nhân ủng hộ gần 14 tỉ đồng cho đồng bào vùng bão lũ. Trong đó có nhiều bạn đọc từng đến đóng góp mấy ngày trước, nay quay lại góp thêm chút lòng thành.

Trong ngày 16-9, Tuổi Trẻ gặp lại đại diện Công ty dịch vụ bảo vệ Thanh Bình – Phú Mỹ. Anh Lâm Hải Quang, đại diện công ty, cho biết đây là số tiền tập thể cán bộ nhân viên công ty đóng góp trong những ngày qua, tổng cộng được 30,25 triệu đồng. Trước đó mấy ngày, công ty đã trích 10 triệu đồng từ quỹ công ty để ủng hộ.

Tương tự, Công ty Tech Data Advanced Solution trở lại góp cho bà con thêm 17 triệu đồng. Ban đầu công ty dự định kêu gọi từ ngày 10 đến ngày 15-9 nhưng do thấy thiệt hại ngoài miền Bắc quá lớn nên đã đem số tiền vận động trong hai ngày đầu đến trước (50.407.000 đồng). Còn 17 triệu đồng còn lại là số tiền vận động trong ba ngày cuối tuần.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *