Báo Tuổi Trẻ ngày 14-9 đăng bài “Quá nhiều thông tin tư vấn tuyển sinh, học sinh chẳng biết tin ai” phản ánh việc tư vấn tuyển sinh tại các trường đại học và các cơ sở giáo dục đang ngày càng phức tạp với sự xuất hiện tràn lan của các thông tin quảng bá cho chính mình.
Điều này khiến học sinh và phụ huynh rơi vào tình trạng “ngợp” thông tin, khó đưa ra quyết định đúng đắn về chọn ngành học và trường đại học.
Có người cho rằng tình trạng này nếu không được kiểm soát có thể khiến hoạt động tư vấn tuyển sinh trở nên giống như một hoạt động “mãi võ” kèm bán thuốc dạo khi thông tin được thổi phồng và thiếu thực chất.
Chính vì vậy, việc chỉnh đốn hoạt động tư vấn tuyển sinh tràn lan như vậy cần làm ngay trước những kỳ tuyển sinh sắp tới.
Nguyên nhân của hiện tượng trên có thể thấy là trong bối cảnh cạnh tranh nguồn tuyển vì đảm bảo nguồn tài chính thu được từ học phí, việc tư vấn tuyển sinh ở một số trường đại học ra sức đánh bóng “thương hiệu” của trường mà ít để ý đến học sinh và phụ huynh là ai.
Đôi khi họ cũng chẳng rành về các ngành học trong trường trên phương diện chuẩn đầu ra, quá trình đào tạo, xu hướng ngành và xu hướng thị trường lao động. Năng lực của một số chuyên gia tư vấn còn hạn chế.
Bên cạnh đó, Nhà nước chưa kịp ra tay điều chỉnh những hoạt động này mặc dù yêu cầu các trường phải thực hiện “3 công khai”.
Công tác tư vấn tuyển sinh không thể chỉ dừng lại ở việc quảng bá ngành học hay trường đại học (kể cả giáo dục nghề nghiệp) một cách phóng đại, mà cần phải là một quá trình trung thực, minh bạch và có giá trị thực sự cho học sinh.
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin tuyển sinh như hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo có vai trò giám sát và định hướng là điều cần thiết để đảm bảo công tác tư vấn không trở nên bát nháo và không biến thành sân chơi cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các trường đại học.
Trước hết, trong quy chế tuyển sinh, bộ cần thiết lập một khung chính sách và quy định rõ ràng về công tác tư vấn tuyển sinh.
Khung này có thể bao gồm các yêu cầu về việc cung cấp thông tin chính xác, trung thực từ phía các trường đại học qua báo chí, website của trường và qua hoạt động tư vấn. Như vậy, cuốn Những điều cần biết trong tuyển sinh cần được hoàn thiện tốt hơn.
Với vai trò quản lý nhà nước, bộ giám sát nhằm kiểm tra và đánh giá các thông tin tuyển sinh được cung cấp bởi các trường và cả các tổ chức tư vấn tư nhân nhằm hạn chế việc thổi phồng quá mức về chất lượng đào tạo hoặc cơ hội nghề nghiệp.
Việc cung cấp thông tin sai lệch cần được xử lý nghiêm túc để bảo vệ quyền lợi của học sinh và phụ huynh. Khi có quy chế rồi mới có cơ sở pháp lý để xử lý những thông tin không đúng về chất lượng.
Bộ cũng phát huy các chương trình hợp tác với một số cơ quan báo chí tổ chức những chương trình tư vấn tuyển sinh quốc gia có thể đảm bảo rằng thông tin được cung cấp là khách quan, toàn diện và đáng tin cậy, giúp học sinh có cái nhìn đúng đắn và đầy đủ về lựa chọn của mình.
Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng cần tăng cường kiểm soát thông tin “3 công khai” về tỉ lệ việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, mức lương trung bình và kết quả học tập để học sinh có cái nhìn thực tế về các ngành học và trường đại học.
Điều này giúp đảm bảo rằng thông tin được cung cấp không chỉ là những lời quảng bá mà dựa trên dữ liệu thực tế. Xử lý kịp thời cơ sở giáo dục đại học không công khai theo quy định của bộ.
Vai trò quản lý nhà nước của bộ trong việc giám sát, chuẩn hóa và đảm bảo chất lượng thông tin tuyển sinh là vô cùng quan trọng để bảo vệ quyền lợi của người học và phụ huynh.
Từ đó, công tác tư vấn tuyển sinh mới thực sự giúp ích cho học sinh, tránh tình trạng “mãi võ” như hiện tại.