Nghiên cứu, do Đại học Queen’s Belfast (Vương quốc Anh) dẫn đầu, đã phân tích dữ liệu về chế độ ăn uống của hơn 120.000 người trong độ tuổi 40-70 trong UK Biobank, cơ sở dữ liệu lưu giữ hồ sơ y tế và lối sống của 500.000 người ở Vương quốc Anh.
Nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ thêm 6 khẩu phần ăn các thực phẩm và đồ uống giàu flavonoid mỗi ngày, đặc biệt là quả mọng, trà và rượu vang đỏ, có thể giúp giảm 28% nguy cơ mắc chứng suy giảm trí nhớ (sa sút trí tuệ). Phát hiện này đặc biệt có ích với những người có nguy cơ di truyền cao và người bị trầm cảm.
Nhóm nghiên cứu cho biết flavonoid, chủ yếu có trong thực phẩm nguồn gốc thực vật, có nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm các đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và chống ung thư. Chúng cũng liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, cũng như cải thiện chức năng nhận thức.
Các loại quả mọng thường thấy là dâu tây, dâu tằm, mâm xôi, việt quất, lý chua, nho, dưa hấu, chuối, ớt, cà chua, dưa tím, dưa chuột, bí ngô…
Theo báo Guardian ngày 18-9, dự báo đến năm 2050, số người mắc chứng suy giảm trí nhớ trên toàn cầu sẽ tăng gần gấp 3, lên mức 153 triệu người, tạo gánh nặng lớn cho hệ thống chăm sóc y tế và xã hội toàn cầu.
Tuổi tác và di truyền vẫn là những yếu tố rủi ro lớn nhất, song các chuyên gia cho rằng gần nửa số ca bệnh có thể được ngăn ngừa hoặc trì hoãn, và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chế độ ăn có thể đóng vai trò trong nguy cơ mắc bệnh.
“Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị hiệu quả căn bệnh này, do đó các biện pháp can thiệp phòng ngừa để cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, cũng như giảm chi phí kinh tế và xã hội nên tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của ngành y tế công cộng”, bà Amy Jennings, một tác giả của nghiên cứu, nhận định.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Network Open.