Đến chiều 19-9, đại diện viện kiểm sát công bố xong bản cáo trạng hơn 60 trang của Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố bà Trương Mỹ Lan cùng 33 đồng phạm trong trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “rửa tiền” và “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan (giai đoạn 2).
Chồng bà Trương Mỹ Lan bị bệnh tim?
Cuối phiên xử, ông Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan) trình bày sức khỏe hiện không tốt do bệnh tim nhưng chưa tái khám.
Về việc này, hội đồng xét xử đề nghị cung cấp giấy hẹn tái khám, hồ sơ bệnh án để hội đồng xét xử xem xét tạo điều kiện thăm khám cho bị cáo và sắp xếp kế hoạch xét xử phù hợp.
Vào phiên xử buổi sáng, hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt đối với 35.824 bị hại theo thông báo trước đó.
Về phía người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có 18/629 cá nhân, tổ chức có mặt tại phiên tòa.
Đối với sự vắng mặt của bị hại và những người liên quan, đại diện viện kiểm sát ý kiến cho rằng Tòa án nhân dân TP.HCM đã thông báo xét xử vắng mặt và đảm bảo quyền lợi theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, những tài liệu hồ sơ cũng thu thập đủ nên các bị hại có thể theo dõi diễn biến công khai của phiên tòa.
Do đó, việc xét xử vắng mặt không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bị hại. Trong trường hợp cần thiết HĐXX có thể triệu tập bổ sung.
Luật sư đề nghị triệu tập 3 cơ quan nhà nước
Tham gia phiên tòa, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan) cho rằng cáo trạng có nêu nguyên nhân, bối cảnh phạm tội của các bị cáo có liên quan một số cơ quan nhà nước nên luật sư đề nghị HĐXX triệu tập Ủy ban chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính), Cục phòng chống rửa tiền và Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước).
Về đề nghị trên, hội đồng xét xử cho biết đã xác định các cơ quan trên là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án nên đã triệu tập nhưng những tổ chức này vắng mặt. Trong trường hợp cần thiết, hội đồng xét xử sẽ tiếp tục triệu tập 3 cơ quan này đến toà.
Theo hồ sơ, quá trình điều tra, cơ quan điều tra cũng đã xác minh, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến các giao dịch chuyển tiền quốc tế.
Cụ thể, từ ngày 1-1-2012 đến ngày 31-10-2022, Ngân hàng SCB đã thực hiện báo cáo Cục Phòng chống rửa tiền 3.160 file báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử, giao dịch từ 1.000 USD (hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương) bằng hình thức điện tử.
Trong đó, có 313.705 báo cáo giao dịch chuyển đi, nhận về với tổng số tiền hơn 22,2 tỉ USD và 151 báo cáo giao dịch đáng ngờ.
Đối với 313.705 giao dịch: Trước thời điểm khởi tố vụ án (ngày 7-10-2022), 148 công ty thuộc Vạn Thịnh Phát chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam đều không thuộc diện liên quan đến hoạt động rửa tiền, như quy định tại nghị định 116/2013/NĐ-CP ngày 4-10-2013 “cơ sở xác định giao dịch chuyển tiền điện tử liên quan đến hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố”.
Do đó, Cục Phòng chống rửa tiền không có cơ sở để xác định trong 313.705 giao dịch chuyển tiền trên có liên quan đến hoạt động rửa tiền, vận chuyển tiền trái phép.
Đối với 151 báo cáo giao dịch đáng ngờ thì không có danh sách 148 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuyển và nhận tiền nên Cục Phòng chống rửa tiền không có cơ sở để phân tích, nghi ngờ đối với việc chuyển tiền của nhóm các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát.
Còn Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) chỉ có nhiệm vụ thống kê, theo dõi số liệu trên cơ sở số liệu báo cáo tổng hợp của từng ngân hàng, mà không có số liệu giao dịch của từng tổ chức hay cá nhân cụ thể.
Quá trình theo dõi số liệu tổng hợp của Ngân hàng SCB cung cấp, Vụ Quản lý ngoại hối không có cơ sở để phát hiện sự bất thường đối với số liệu tổng hợp về tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam.
Như vậy, cơ quan điều tra không có căn cứ xem xét trách nhiệm của Cục Phòng chống rửa tiền và Vụ Quản lý ngoại hối trong việc các đối tượng tại các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB làm trái quy định về việc chuyển tiền quốc tế.