Trong khi đó nhiều trường đã có nhiều cách khác nhau để dạy học trong tình huống tạm thời để chờ tái thiết trường lớp.
Học nhờ, dồn lớp
Nếu ở Mường La, Sơn La, học sinh ở điểm trường phải học trong lán lớp tạm thì tại nhiều địa phương thuộc miền núi phía Bắc, hiện có những lớp học phải mượn nhờ nhà văn hóa, nhà dân, các cơ quan.
Không thể để học sinh nghỉ học quá lâu nhưng nhiều phòng học, nhà bán trú, nhà ăn, bếp ăn trường học phải chờ xây lại. Cũng có những trường còn có nguy cơ phải di dời địa điểm vì nguy cơ tiếp tục sạt lở núi xảy ra bất cứ lúc nào.
Tính tới ngày 19-9, Lào Cai còn 44 trường và 6 điểm trường chưa thể tổ chức dạy học trực tiếp. Trong đó Bát Xát có 1 trường và 5 điểm trường, Bắc Hà có 8 trường, Bảo Yên có 33 trường và Si Ma Cai có 1 trường và 1 điểm trường.
Theo Sở GD-ĐT Lào Cai, những trường và điểm trường chưa thể cho học sinh trở lại học được đều trong tình trạng nứt tường, nguy cơ núi tiếp tục sạt lở đổ xuống rất cao. Một số điểm trường học sinh ở các thôn còn bị chia cắt, đường bị sạt lở chưa được giải phóng. Trong số 44 trường, điểm trường kể trên, 1 trường mầm non ở Bảo Yên đã cho học sinh đi học nhưng lại phải tạm ngừng vì nguy cơ sạt lở.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, thầy Đỗ Hữu Mạnh, phó hiệu trưởng Trường phổ thông bán trú xã Nậm Lúc (Bắc Hà, Lào Cai), cho biết tới ngày 19-9 học sinh vẫn chưa thể đi học vì nguy cơ núi sạt xuống trường. Phương án đang được đề xuất là chuyển học sinh cấp THCS của trường đến học nhờ Trường THCS Bảo Nhai. Học sinh tiểu học sẽ đưa về các điểm trường ở các thôn hoặc trường chính ở xã khác học nhờ.
Trường Nậm Lúc sẽ phải di dời đến địa điểm khác và xây mới hoàn toàn. Nậm Lúc là địa bàn gánh chịu thiệt hại rất nặng trong trận bão lũ vừa qua với 8 ngôi nhà dân bị vùi lấp. Trường có 3 học sinh thiệt mạng, 1 học sinh mất tất cả bố, mẹ và người thân trong gia đình, 5 học sinh mồ côi cha hoặc mẹ. Còn 2 học sinh vẫn đang mất tích, có ít nhất 20 học sinh bị mất nhà cửa, hoặc nhà bị sạt, sập không ở được.
Tại Bát Xát, lãnh đạo Phòng GD-ĐT cho biết có một số điểm lẻ có các lớp mầm non, lớp ghép 1, 2 nhà bị sập, nứt và nguy cơ tiếp tục có núi sạt lở nên hiện các lớp tại những điểm trường này được di chuyển sang học nhờ ở các nhà văn hóa thôn.
“Nhưng lớp học nhờ cũng tạm bợ. Trẻ mầm non không có chỗ hoạt động, sân chơi. Nhưng lúc này, tìm được chỗ cho lớp mở lại là tốt rồi. Vì việc xây lại điểm trường sẽ không thể làm ngay được”, cô Dương Thị Hoan, chuyên viên Phòng GD-ĐT Bát Xát, chia sẻ.
Đưa học sinh điểm lẻ về trường chính
Ngoài phương án “học nhờ”, huyện Bảo Yên, Bát Xát có phương án đưa học sinh lớp 1, 2 ở điểm lẻ về trường chính và sắp xếp, dồn lớp mầm non ở những điểm lân cận để giải quyết việc thiếu chỗ học do lớp học, điểm trường bị sạt, nứt.
Ngày 19-9, những trẻ mầm non và học sinh ở A Lù (Bát Xát) – xã bị thiệt hại nặng, bị cô lập nhiều ngày do lũ – cũng được đưa về trường chính để các bé sớm trở lại học tập. Trường phổ thông bán trú THCS Phìn Ngan (Bát Xát) phải đưa học sinh lớp 9 về Trung tâm Giáo dục thường xuyên – giáo dục nghề nghiệp của huyện để học nhờ trong lúc trường chưa thể cho học sinh quay lại học.
Ở Yên Bái tới ngày 19-9 vẫn còn một số trường chưa thể cho học sinh trở lại học như Trường tiểu học Yên Ninh, Trường THPT Lý Thường Kiệt (TP Yên Bái). Hai ngôi trường này đều bị ngập trong bùn đất quá dày chưa thể vét bùn, dọn dẹp để đón học sinh.
Không thể để học sinh cuối cấp nghỉ học quá lâu nên từ ngày 18-9, hơn 300 học sinh khối 12 của Trường THPT Lý Thường Kiệt được bố trí học nhờ tại Trường THPT Nguyễn Huệ. Trong khi đó học sinh các khối 10, khối 11 phải cùng các thầy cô giáo và phụ huynh tiếp tục dọn vệ sinh trường lớp.
Theo thầy Lương Quang Dũng – phó hiệu trưởng nhà trường, hiện nguồn nước để vệ sinh trường rất hiếm nên việc khắc phục bị chậm hơn dự kiến.
Tại huyện Trấn Yên (Yên Bái), thầy Vũ Quang Long – trưởng Phòng GD-ĐT – cho biết hiện còn một số trường mầm non chưa thể khắc phục để mở lại.
Trường tiểu học và THCS Tân Đồng (Trấn Yên) có 8 phòng học bị hư hỏng do sạt ta luy nên khoảng 300/700 học sinh THCS thiếu chỗ học. Trường phải thu xếp chuyển gần 300 học sinh sang điểm trường tiểu học học nhờ để đảm bảo an toàn.
Theo thầy Long, đã có kế hoạch xây dựng lại 8 phòng học bằng ngân sách hoặc tiền hỗ trợ, nhưng để hoàn thành sẽ phải mất vài tháng nên những học sinh trên vẫn phải học nhờ trong học kỳ 1. Học sinh Trường mầm non An Lạc (Văn Yên, Yên Bái) cũng đang phải đi học nhờ vì trường và bếp bán trú bị sạt.
Bắc Kạn cũng có một số trường, điểm trường đang trong tình trạng nguy hiểm, để học sinh sớm được học tập trở lại, giải pháp trước mắt là di dời học sinh đến điểm học tạm. Trường mầm non Quảng Bạch (huyện Chợ Đồn) bị lượng đất lớn sạt xuống, nhiều vết nứt tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Theo cô Hoàng Thị Mến – hiệu trưởng nhà trường, trường phải tham mưu cho UBND xã để mượn nhà văn hóa làm chỗ học tạm đón học sinh. Hiện 84 trẻ phải học tập, sinh hoạt, ăn bán trú tại nhà văn hóa thôn.
Phương án phù hợp với điều kiện thực tế
Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT rà soát để có phương án phù hợp đưa học sinh ở các trường, điểm trường chưa thể hoạt động về trường chính hoặc trường khác trong khu vực để học tập.
Đối với học sinh phải di chuyển quá xa nhà thì có phương án phù hợp với điều kiện thực tế để hỗ trợ học sinh được học bán trú, nội trú trong thời gian khắc phục ảnh hưởng của mưa lũ.
Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các sở GD-ĐT chỉ đạo để huy động giáo viên ở các trường trên địa bàn hỗ trợ giáo viên, học sinh, các trường bị thiệt hại do bão lũ để có thể tổ chức dạy học, dạy bù cho học sinh phải nghỉ học do mưa lũ.
Trường hợp những học sinh quá khó khăn không thể đến được trường thì nhà trường có phương án để duy trì sự học cho học sinh như giao bài tập, hướng dẫn học sinh tự học, cử giáo viên trực tiếp hỗ trợ cho học sinh, nhóm học sinh…
Mua nợ tủ cơm, bàn ghế
Tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Vũ Chấn (Võ Nhai, Thái Nguyên) gần 200 học sinh đã quay lại trường nhưng thiếu thốn nhiều thứ. Trường vẫn mất điện, nguồn nước sạch sinh hoạt chưa có. Thầy hiệu trưởng chia sẻ để phục vụ sinh hoạt cho học sinh, trường phải dẫn nguồn nước trực tiếp từ các khe suối về khu nội trú.
Trường tiểu học & THCS Minh Chuẩn (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) hiện học sinh cũng trở lại trường nhưng nhiều trang thiết bị phục vụ học tập bị hư hỏng. Cô Vũ Thu Hương, hiệu trưởng nhà trường, cho biết các thầy cô giáo phải tự khắc phục việc thiếu trang thiết bị. “Chúng tôi đã mượn cả tivi của nhà dân để sử dụng cho việc kết nối với Internet phục vụ dạy học trong những ngày này”, cô Hương chia sẻ.
Cô Bùi Thị Phương Nga, hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Lan (TP Yên Bái), chia sẻ dù đã đảm bảo an toàn để đón trẻ trở lại nhưng khó khăn còn ngổn ngang. Trường bị trôi hết đồ dùng dạy học, đồ dùng của bếp ăn bán trú. “Tôi phải mua nợ tủ cơm, tủ lạnh và bàn ghế thay thế, mua toàn bộ bát đĩa, thìa mới cho trẻ”, cô Nga cho biết.