Trường EHL Hospitality Business School, gọi tắt EHL (Thụy Sĩ) nhiều năm qua luôn dẫn đầu các bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới về đào tạo nhà hàng, khách sạn.
Trong bảng xếp hạng QS 2025 vừa mới công bố, EHL tiếp tục giữ vị trí số 1 trong số các trường đại học đào tạo ngành nhà hàng, khách sạn tốt nhất toàn cầu.
Bên lề buổi gặp gỡ với phụ huynh, học sinh tại TP.HCM do Tổ chức giáo dục EduWHY và dự án Swiss Edu Hub tổ chức ngày 5-7, tiến sĩ Luciano Lopez – hiện là giám đốc điều hành EHL cơ sở Singapore – đã có buổi trao đổi riêng với Tuổi Trẻ Online.
* Cán cân cung – cầu giữa đào tạo và tuyển dụng trong ngành nhà hàng, khách sạn dường như đang chứng kiến những biến động lớn sau COVID-19, thưa ông?
– Phải nói rằng COVID-19 là cột mốc vô cùng đặc biệt. Sau COVID-19, người ta muốn nối lại những tiếp xúc đã đứt gãy vì đại dịch và bắt đầu khởi động lại những chuyến du lịch, nghỉ dưỡng.
Nhưng COVID-19 đã khiến hàng triệu lao động trong ngành nhà hàng, khách sạn bỏ việc. Tuy nhiên, một số dự báo tích cực trong những năm gần đây chỉ ra trong khoảng 2-3 năm nữa, nguồn cung sẽ dần có thể đáp ứng được với nguồn cầu.
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tôi đặt chân đến ở châu Á. Cá nhân tôi nhận thấy Việt Nam có tiềm năng rất lớn về du lịch. Các lao động trong ngành nhà hàng, khách sạn ở Việt Nam luôn chăm chút cho du khách, mong muốn những điều tốt nhất cho khách.
Tuy nhiên ở một số vùng miền, tiếng Anh là một trở ngại. Tôi tin rằng với những lợi thế sẵn có, cộng với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến thúc đẩy cho du lịch tại khu vực châu Á.
* Trước những xu hướng mới, các trường đại học dạy về du lịch, ngành nhà hàng, khách sạn đang buộc phải có những thay đổi ra sao về chương trình và giảng dạy?
– Đúng vậy, các trường đại học đào tạo về nhà hàng, khách sạn ở nhiều nơi trên thế giới đang ghi nhận nhiều sự thay đổi đáng kể.
Thứ nhất là sự linh hoạt hơn trong chương trình, đưa vào những nội dung để sinh viên có thể có những kiến thức và kỹ năng thích nghi với những sự thay đổi, rủi ro tiềm ẩn trong tương lai.
Thứ hai là về công nghệ. Các trường đại học top đầu về nhà hàng, khách sạn đang dạy cho sinh viên thêm về những phần mềm, công cụ mới. Nhiều chương trình cho sinh viên học thêm về cả các ứng dụng của AI, có thể áp dụng vào phân tích thị trường, xu hướng khách hàng, quản trị nhà hàng, khách sạn…
* Ông có lời khuyên nào cho các sinh viên đang theo học về du lịch, nhà hàng, khách sạn để có thể tận dụng tối đa thời gian học đại học?
– Trong ngành nhà hàng, khách sạn, bạn sẽ có công việc tốt, sẽ đi xa nếu bạn có những mối quan hệ tốt. Vì vậy ngay trong thời gian học đại học, bên cạnh trau dồi kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, các bạn nên cố gắng gia tăng các kết nối của mình càng nhiều càng tốt.
Những mối quan hệ này đôi khi ở cạnh bên bạn: Hãy làm quen thật nhiều bạn bè, thầy cô…
Trong một lớp học, một sinh viên siêng năng, hay đặt câu hỏi, hay chia sẻ trước lớp sẽ để lại ấn tượng với các thầy cô. Từ đó, sinh viên có thể giữ kết nối với thầy cô này mà mình đã tạo dựng được.
Đến khi ra trường tìm việc, các thầy cô sẽ rất sẵn lòng viết thư giới thiệu cho sinh viên. Những lá thư giới thiệu này chắc chắn sẽ giúp bạn có vị trí công việc tốt hơn.
Điểm đến du học nhà hàng, khách sạn đắt đỏ
Thụy Sĩ được xem là quốc gia nổi tiếng bậc nhất về đào tạo ngành nhà hàng, khách sạn, tuy nhiên học phí ở mức siêu đắt đỏ.
Theo thống kê, tại các trường đại học giảng dạy bằng tiếng Anh, sinh viên quốc tế thường sẽ phải trả khoản tiền học phí quy đổi hằng năm 15.000 – 40.000 CHF (425 – 990 triệu đồng) cho các chương trình cử nhân hoặc sau đại học.
Chi phí sinh hoạt ở Thụy Sĩ cũng rất cao, trung bình 1.500 – 2.500 CHF/tháng (42 – 70 triệu đồng). Trong đó, tiền thuê nhà là khoản chi phí lớn nhất, với mức thuê 700 – 1.500 CHF/tháng (19 – 42 triệu đồng), tùy thuộc vào vị trí và loại hình nhà ở.