Qualcomm muốn mua Intel, ngành bán dẫn liệu có chao đảo?

Chủ tịch Qualcomm Cristiano Amon phát biểu tại Triển lãm Di động thế giới (MWC) hồi tháng 2-2024 – Ảnh: AFP

Theo báo Wall Street Journal ngày 20-7 (giờ địa phương), Hãng chip Qualcomm vừa có động thái hỏi mua đối thủ cạnh tranh Intel trong vài ngày qua.

Thương vụ ảnh hưởng nhất lịch sử công nghệ

Giá trị hỏi mua phía Qualcomm đưa ra chưa được công bố. Tuy nhiên, xét theo vị thế của hai công ty trên thị trường chip, đây có thể là thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn nhất trong nhiều năm qua và có ảnh hưởng nhất lịch sử ngành công nghệ thế giới.

Qualcomm hiện là bên cung cấp chip hàng đầu cho điện thoại thông minh, với giá trị vốn hóa thị trường dao động quanh mức 188 tỉ USD.

Các sản phẩm nổi tiếng nhất của Qualcomm bao gồm hệ thống vi xử lý điện thoại thông minh Snapdragon trứ danh và những dòng modem viễn thông 4G/5G.

Các dòng modem viễn thông của Qualcomm tiên tiến đến mức chúng không chỉ xuất hiện trên các dòng điện thoại Android mà còn được sử dụng cho iPhone.

Dù sở hữu năng lực thiết kế chip hàng đầu thế giới, đến nay Apple vẫn chưa thể tự phát triển sản phẩm modem viễn thông có thể cạnh tranh với Qualcomm và phải phụ thuộc vào đối tác này.

Trong khi đó, Intel vẫn đang là nhà cung cấp hàng đầu vi xử lý (CPU) máy tính cá nhân và máy chủ (server). Tên tuổi Intel lẫy lừng qua các đời CPU Pentium, Core i và đến nay là Core Ultra.

Ở thời hoàng kim, Intel là công ty chip có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới trong nhiều năm liền. Hồi năm 2020, tập đoàn này được định giá trên 290 tỉ USD.

Về mặt kinh doanh, việc sáp nhập Intel vào Qualcomm sẽ đưa hai nhà sản xuất chip hàng đầu cho thiết bị di động và máy tính cá nhân về chung một nhà, cung cấp thêm nguồn lực cho cả hai bên.

Tuy nhiên, tác động của thương vụ tiềm năng này không chỉ dừng ở mặt kinh tế. Trong bối cảnh ngành công nghiệp chip ngày càng có xu hướng bị chính trị hóa, Intel và Qualcomm đều được xem là “quân tiên phong” của Mỹ trong cuộc đua ngành bán dẫn.

Intel hiện chưa phản hồi đề nghị hỏi mua của Qualcomm, nên cũng chưa thể khẳng định rõ mức độ khả thi của thương vụ trên.

Cho dù hai bên có đạt thỏa thuận sáp nhập thì thương vụ cũng chắc chắn sẽ bị cơ quan chống độc quyền “tuýt còi”. Quy mô và sức ảnh hưởng của Intel và Qualcomm đều quá lớn và việc hai “ông lớn” trên về chung một nhà hoàn toàn có thể làm chao đảo thị trường thế giới.

Khủng hoảng trầm trọng tại Intel

Qualcomm muốn mua Intel, ngành bán dẫn liệu có chao đảo? - Ảnh 2.

Hãng chip Intel đang trong giai đoạn khủng hoảng trầm trọng bậc nhất lịch sử – Ảnh: AFP

Intel đang trải qua những tháng năm khủng hoảng bậc nhất lịch sử công ty. Những khó khăn trong việc kinh doanh đã khiến giá trị Intel lao dốc, hiện chỉ còn xấp xỉ 90 tỉ USD. Chỉ riêng năm 2024, giá trị cổ phần công ty đã giảm đến 60%.

Quý 2-2024, Intel báo lỗ 1,6 tỉ USD. Kết quả kinh doanh này kém xa cùng kỳ năm 2023. Khi đó công ty này lãi 1,5 tỉ USD.

Hồi tháng 8, Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn này Patrick Gelsinger đã phải đề ra lộ trình cắt giảm chi phí lên đến trên 10 tỉ USD vào năm 2025. Một số giải pháp bao gồm sa thải hàng ngàn nhân viên và ngừng chi trả một phần cổ tức.

Intel hiện theo đuổi định hướng tách riêng hai mảng thiết kế chip và gia công chip của mình. Trong đó, mảng gia công chip cho các đối tác đang là tham vọng lớn của ông Gelsinger, khi Intel lên kế hoạch chi hàng trăm tỉ USD xây thêm nhà máy ở Mỹ, châu Âu và Israel trong vài năm qua.

Tuy nhiên, công việc gia công chip chưa thật sự thuận lợi khi các đối tác không mấy mặn mà.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *