Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM (Ban DDCN) mới đây đã báo cáo UBND TP.HCM tình hình cải tạo, nâng cấp sân Thống Nhất (quận 10).
Chậm trễ đến bao giờ
Theo kế hoạch, sân Thống Nhất sẽ được sửa chữa các hạng mục tại khán đài A, C, D, sân cỏ, đường chạy… Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng mới khu khán đài B, C1, D1 với quy mô ba tầng khi khán đài cũ đã dần xuống cấp, khó đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, sân cũng sẽ xây mới nhà điều hành hệ thống xử lý nước thải, nhà tập kết rác, bể nước ngầm sinh hoạt và một số hạ tầng kỹ thuật khác. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 149 tỉ đồng, hoàn thành vào tháng 12-2025.
Việc cải tạo sân Thống Nhất nhằm phát triển một cơ sở thể thao đúng tầm tại TP.HCM. Từ đó, tạo cơ sở để TP.HCM huấn luyện VĐV chất lượng cao, đầu tư cho một số môn trọng điểm, tiến đến thể thao chuyên nghiệp và mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế trong thể thao.
Tuy nhiên, Ban DDCN cho biết dự án hiện đang gặp một số khó khăn khi chưa được hoàn tất thủ tục thẩm định, phê duyệt để triển khai các công đoạn tiếp theo. Do đó, ban kiến nghị Sở Xây dựng sớm thẩm định, phê duyệt dự án để kịp thời hoàn thành đưa vào phục vụ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 10-2026.
Sự chậm trễ của việc triển khai dự án khiến hình ảnh sân Thống Nhất vốn đã ít khán giả lại càng “ảm đạm” trong các trận đấu ở mùa giải mới. Bởi khán đài B trống vắng không có một khán giả nào (không cho phép ngồi do xuống cấp) khi ống kính truyền hình trực tiếp thường xuyên hướng về. Ngay cả những ai có mặt ở sân, có cái nhìn toàn cảnh hơn các khán đài, cũng cảm thấy nao lòng.
Theo tìm hiểu, dự án sẽ khởi công vào ngày 30-4-2025 và hoàn thành sau khoảng 1 năm.
Cần lắm một sân vận động mới
Bao năm qua, sân Thống Nhất xuống cấp và sức chứa quá nhỏ (gần 14.400 chỗ sau khi lắp ghế ngồi). Vì vậy, các trận đấu chính thức của đội tuyển Việt Nam hiếm khi được đưa về TP.HCM để phục vụ người hâm mộ thành phố.
Mới nhất, kế hoạch tổ chức hai giải tam hùng quốc tế nhân dịp FIFA Days tháng 9 và 10 cho đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho ASEAN Cup 2024, LĐBĐ Việt Nam (VFF) chỉ chọn sân Mỹ Đình (Hà Nội) và sân Thiên Trường (Nam Định) thay vì sân Thống Nhất.
Từ đây, việc TP.HCM cần một sân vận động mới là mong mỏi của đông đảo người dân thành phố. Kỳ vọng càng lớn khi ở kỳ họp thứ 13 HĐND TP.HCM khóa X hồi tháng 12-2023, UBND TP.HCM đã có tờ trình ban hành danh mục dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục – đào tạo, thể thao và văn hóa.
Trong số 41 dự án được UBND TP.HCM lựa chọn, lĩnh vực thể thao chiếm đến 18 dự án. Đáng chú ý, có nhiều dự án đầu tư đúng vào những cơ sở vật chất thể thao mà TP.HCM đang yếu và thiếu hàng chục năm qua.
Nổi bật là dự án xây dựng mới sân vận động chính có mái che (sức chứa 50.000 chỗ), có bố trí đường chạy điền kinh ở TP Thủ Đức với mức đầu tư lên đến 7.000 tỉ đồng, nằm trong khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc. Dù vậy, đây lại là điều không hề đơn giản khi kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng quá lớn.
Xây sân mới ở đâu?
Ngay cả phương án xây dựng sân vận động mới 60.000 chỗ tại khu đất 5ha trong khu công viên Thạnh Mỹ Lợi (13ha) ở TP Thủ Đức mà CLB TP.HCM đề xuất trong cuộc gặp với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên hồi tháng 8-2022 cũng chưa thấy lối ra. Do đây là đất dành cho công viên, có quy hoạch dành một phần cho thể thao nên muốn xây sân vận động tại đây phải điều chỉnh lại quy hoạch.
Vì thế, để giải quyết vấn đề trước mắt, cải tạo và nâng cấp sân Thống Nhất là điều phải làm đầu tiên. Ngoài việc xây mới khán đài B, làm mới đường chạy điền kinh, sân Thống Nhất cũng điều chỉnh lại diện tích mặt sân để có thể tổ chức các trận đấu quốc tế chính thức.
Cụ thể, sân cỏ nới ra mỗi bên 2,5m để diện tích sân đạt 68mx105m theo quy chuẩn của FIFA. “Giờ chúng ta muốn đăng cai một trận đấu của vòng loại World Cup hoặc lứa U của FIFA thì không được vì sân Thống Nhất không đủ chuẩn”, ông Trần Đình Huấn – giám đốc Trung tâm TDTT Thống Nhất – chia sẻ.
Nhưng về lâu dài, xây một sân vận động mới cho TP.HCM là điều cần phải được ưu tiên. Một cựu lãnh đạo ngành thể thao TP.HCM chia sẻ: “Cơ sở vật chất của TP.HCM ít và đã quá lạc hậu. Do đó, chúng ta phải làm sao xây cho được một sân vận động mới để thúc đẩy phát triển thể thao thành phố. Nếu gặp khó ở khu Rạch Chiếc, có thể tính toán với những quỹ đất sạch khác để xây sân.
Trước đây, chúng tôi khi nói chuyện nội bộ với nhau có nhắc đến quỹ đất dành cho xây Thảo cầm viên Safari ở Củ Chi bị dừng lại. Nơi này nếu có thể xây sân vận động mới cho TP.HCM là rất lý tưởng vì quỹ đất có sẵn. Ngoài ra, Củ Chi chưa có công trình thể thao lớn nào, việc di chuyển cũng thuận lợi”.