Vòi bạch tuộc ‘địa chỉ tác giả’: Đạo đức khoa học ở đâu?

Đại học Bách khoa Hà Nội là cơ sở đào tạo, nghiên cứu đầu tiên của cả nước ban hành quyết định về liêm chính học thuật, nghiêm cấm việc mua bán kết quả nghiên cứu khoa học dưới mọi hình thức. Trong ảnh: hội thảo khoa học về liêm chính trong nghiên cứu diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 19-12-2023 – Ảnh: PHẠM NGỌC KIÊN

“Việc một số nhà khoa học ghi địa chỉ liên lạc một trường, viện khác nơi mình là cán bộ cơ hữu, thường vì lý do liên quan đến thu nhập, là một việc không hay nhưng không phải vấn đề đạo đức” – ông viết trên trang Facebook có gần 360.000 người theo dõi.

Theo ông, nó chỉ vi phạm đạo đức khoa học khi đương sự làm “lén lút”, không có sự cho phép từ cơ quan chủ quản: “Nếu trường chủ quản không cấm, cơ quan chủ quản là pháp nhân duy nhất bị hại nếu có, thì nhà khoa học kể trên không vi phạm”.

Đúng luật chưa chắc đã phải đạo

Là một người từng vài lần từ chối những lời mời “hợp tác” kiểu này, tôi hơi choáng khi đọc những dòng trên, nhất là khi nó đến từ một nhà khoa học có tầm ảnh hưởng lớn trong và ngoài nước. Cho nên, tôi thấy cần phải đáp từ.

Trước hết, theo vị giáo sư, cái gì hợp pháp (không sai luật) thì dĩ nhiên hợp đạo. Tôi e rằng đây là một lỗi ngụy biện ngây thơ. Đạo đức và luật pháp là hai phạm trù có nhiều trùng lắp nhưng rất khác về bản chất.

Luật thiên về ngăn cấm những cái xấu hơn là khuyến khích chúng ta sống và làm theo cái hay, cái đẹp như đạo. Luật pháp, dù có cụ thể đến mức nào, cũng không thể bao quát hết mọi ngõ ngách đạo đức.

Cho nên, có những cái vô pháp nhưng có thể hợp đạo trong những tình huống cụ thể (ví dụ, chạy xe quá tốc độ để đưa người nhà đến bệnh viện cấp cứu). Và có những cái hợp pháp nhưng có thể bị xem vô đạo (hiếm luật nào bắt con cái chịu trách nhiệm với cha mẹ già nhưng rũ bỏ trách nhiệm đó thì dễ trở thành nghịch tử trong mắt người đời).

Việc đứng tên một công trình khoa học dưới tên hai ba trường, dù đã được chủ quản cho phép, có thể liệt vào tình trạng “hợp pháp nhưng không hợp đạo” như trên. Đạo ở đây là đạo nghề, tức những chuẩn mực đạo đức chuyên nghiệp để nhà khoa học giữ sự liêm chính trong công việc.

Vòi bạch tuộc 'địa chỉ tác giả': Đạo đức khoa học ở đâu? - Ảnh 2.

Một trong những chiêu trò của một số trường đại học để tăng thứ hạng trong các bảng xếp hạng là mua các bài báo khoa học. Trong khi đó, nhiều chuyên gia khẳng định chất lượng đào tạo quan trọng hơn thứ hạng (ảnh chụp bài báo Tuổi Trẻ ngày 14-6-2024)

Hệ lụy đáng sợ

Nhà khoa học làm nghiên cứu ở trường A, rồi đăng bài dưới tên hai trường A và B dù trường B chẳng phải là nơi nghiên cứu đó được thực hiện. Một bên nhận tiền (thường không nhỏ); một bên không cần làm gì vẫn có bài để đạt tiêu chí về hiệu suất nghiên cứu, để đáp ứng các yêu cầu kiểm định, để tăng hạng đại học, tăng uy tín, tăng tầm ảnh hưởng…

Kiếm tiền bằng cách tiếp tay cho các trường bơm thổi mình thành những quả bong bóng hoành tráng nhưng rỗng tuếch thì làm sao có thể nói “không phải vấn đề đạo đức”?

Trong bài viết ở Facebook như đã nêu, vị giáo sư cho rằng địa chỉ linh hoạt có thể sẽ làm tăng ảo thứ hạng một số trường đại học nhưng “nó chỉ giải quyết được khâu oai” chứ “không ảnh hưởng đến kinh phí dành cho các trường này”.

Ông dịch chuyển đối tượng cần bị phê phán từ các đối tượng mua bán tên tuổi sang hệ thống xếp hạng đại học: “Việc ranking (xếp hạng) có thể bị ảnh hưởng bởi chuyện địa chỉ linh hoạt chỉ chứng tỏ rằng phương pháp ranking rất vớ vẩn”.

Tôi hoàn toàn đồng ý với giáo sư rằng các hệ thống đo lường và xếp hạng đại học đều vớ vẩn (một chủ đề mà khi nào có dịp tôi sẽ quay lại). Nhưng khi cả hệ thống đại học đang bị những hệ thống ranking này chi phối, “ghi tên linh hoạt” cũng chẳng khác gì những trò bẩn khác để “lừa hệ thống” và trục lợi, như mua bán trích dẫn, đăng bài trên tạp chí săn mồi…

Chúng không đơn giản là “giải quyết khâu oai” cho các trường, và không chỉ có các trường chủ quản là pháp nhân bị hại như giáo sư nói. Chúng đem lại rất nhiều hệ lụy lâu dài và rộng khắp cho xã hội.

Thứ nhất, dùng những cái hư ảo, không có để đạt thứ hạng cao, kiểm định tốt, ảnh hưởng rộng… thì có khác gì lừa dối phụ huynh, sinh viên để tuyển sinh và kiếm tiền? Cái bánh vẽ liệu có còn ngọt lịm khi mộng vỡ tan trong họ?

Thứ hai, khi mà mọi thứ dễ dàng như thế thì các trường đi mua danh nhanh, gọn, lẹ hơn là đầu tư căn cơ và thực chất để phát triển môi trường, văn hóa và chất lượng nghiên cứu. Oái ăm thay, những trường làm chuyện này thường lại là những trường có dòng tiền (cash flow) mạnh, có khả năng đầu tư vào hạ tầng nghiên cứu nhất. Đất nước cũng vì thế mà nghèo bớt về tri thức và yếu đi về phát triển.

Thứ ba, nếu không bị chỉ mặt đặt tên rõ ràng là “mua danh bán tiếng” (thay vì dùng uyển ngữ “địa chỉ linh hoạt”), nó sẽ trở thành lực cản cho những hợp tác liên trường, liên viện lành mạnh, đàng hoàng. Trong một nền đại học mà hợp tác nghiên cứu giữa các trường còn quá nhợt nhạt, lực cản đó dễ khiến tài sản tri thức tập thể của quốc gia bị bỏ rơi, lãng phí và có thể lụi dần.

Cuối cùng là lòng tin vào khoa học. Công chúng chỉ cần nghe vài chuyện không hay là đã đặt vấn đề. Tin xấu lan nhanh, tin tốt đi lâu. Khi nhà khoa học không giữ nổi sự trung thực trong cái cơ bản, tưởng như rõ như ban ngày nhất – ghi tên địa chỉ trường – thì ai biết điều gì xảy ra ở hậu trường các nghiên cứu đó? Lòng tin chưa kịp xây vững chắc mà đã dễ đổ vỡ vì những cái mà giáo sư gọi là “không liên quan đến đạo đức” này.

Rất may, những trải nghiệm của tôi với một số trường Việt Nam cho thấy đang bắt đầu có những chuyển biến tích cực, dù còn chậm, theo hướng đầu tư phát triển thực chất và nâng cao tính liêm chính. Chính vì vậy, tôi thấy cần viết bài này với hy vọng để có thể góp thêm tiếng nói trong hành trình gầy dựng liêm chính khoa học, vốn đang là đề tài nóng trong giới khoa học nước nhà.

Vòi bạch tuộc

Trên thực tế, hiện tượng “ký tên linh hoạt” đã được Khaled Moustafa, chủ biên kho lưu trữ khoa học Arab, gọi là “bạch tuộc hóa địa chỉ tác giả” – đang trở thành cơn đại dịch gây rất nhiều quan ngại ở nhiều nước đang phát triển.

Năm 2019, một nghiên cứu cho thấy gần 40% số tác giả bài báo trên cơ sở dữ liệu Scopus của Chile không có hồ sơ công khai nào để có thể xác minh là gắn với đơn vị mà họ ghi trong bài. Điều này diễn ra chủ yếu trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học sức khỏe, hiếm thấy ở các ngành xã hội – nhân văn.

Ở Việt Nam, cơn đại dịch cũng tràn lan với sự “dẫn dắt” rất hiệu quả bởi vài trường đại học chạy đuổi để lọt vào top 500 thế giới mà báo chí đã phanh phui những năm gần đây. Cá nhân tôi từng vài lần được mời tham gia “linh hoạt” kiểu này, không phải chỉ từ Việt Nam mà cả vài quốc gia khác.

Quy định ghi địa chỉ trong các bài báo khoa học

Việc lạm dụng địa chỉ trường vẫn còn là hiện tượng mới với giới xuất bản học thuật thế giới. Các định nghĩa vẫn còn hiếm và chưa cụ thể. Các nhà xuất bản và chủ biên tập san khoa học vẫn đang tìm cách ứng xử tốt nhất. Hiện phần lớn đều đứng trung gian và tôn trọng cách tác giả gắn kết tên mình với ai. Tuy nhiên, những định nghĩa chung chung sau đây có thể cho vài ý niệm:

– Cẩm nang xuất bản của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ: Chỉ những tổ chức nào đã đóng góp một phần việc đáng kể vào công trình thì mới được liệt kê.

– Elvesier: Địa chỉ cơ quan là “nơi công trình nghiên cứu được thực hiện”.

– Springer Nature: “Cơ quan chính của mỗi tác giả phải là trường, viện nơi phần lớn công việc nghiên cứu trong bài được thực hiện”.

* GS.TS NGUYỄN ĐỨC AN là giám đốc Trung tâm nghiên cứu truyền thông về khoa học,
sức khỏe và dữ liệu tại Đại học Bournemouth, Anh, chủ tịch hội đồng
Viện nghiên cứu truyền thông, văn hóa và xã hội tại Trường đại học Văn Lang.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *