Bà Trương Mỹ Lan chấp nhận ‘bán rẻ’ tòa nhà 29 Liễu Giai, siêu dự án Amigo để khắc phục thiệt hại

Bà Trương Mỹ Lan tại tòa – Ảnh: HỮU HẠNH

Bà Trương Mỹ Lan đề nghị thu hồi tiền để trả cho các trái chủ

Bà Trương Mỹ Lan cho biết không tham gia bất cứ hoạt động nào của SCB, năm 2012 Ngân hàng Nhà nước mời bị cáo tham gia giúp SCB tái cơ cấu vì bị cáo có tài sản, có mối quan hệ, kêu gọi nhà đầu tư trong nước, ngoài nước.

Bà Trương Mỹ Lan cho biết thời gian đó, chi phí để SCB tồn tại là 61.000 tỉ, trong khi nguồn thu vào từ việc phát hành trái phiếu chỉ 11.000 tỉ, còn 50.000 tỉ vay từ bị cáo và nguồn khác là bạn bè của bị cáo.

“Khi các em mượn công ty phát hành trái phiếu thì Nguyễn Tiến Thành (chủ tịch chứng khoán Tân Việt) nói “mọi thông tin tụi em đã công bố, nghiệp vụ của tụi em, chị không phải lo”, tôi thắc mắc là có cần tài sản không thì Thành nói đã công bố thông tin rộng rãi rằng gói trái phiếu không có tài sản đảm bảo, người dân tin tưởng thì mua” – bà Lan nói.

Bà Lan cho rằng bà không che giấu thông tin nên không thể nói là lừa đảo.

Đối với số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu (hơn 30.000 tỉ) thì 11.000 tỉ sử dụng cho SCB, còn hơn 17.000 tỉ sử dụng cho các đơn vị liên quan.

Bà Lan đề nghị HĐXX thu hồi tiền cho các trái chủ. Nếu có tranh chấp dân sự giữa các đơn vị liên quan với các trái chủ thì bị cáo sẽ đứng ra nhận trách nhiệm về phần này.

Đồng ý bán rẻ nhiều khu ‘đất vàng’

Đối với các tài sản như tòa nhà 29 Liễu Giai, bà Lan cho biết đây là tòa nhà đẹp nhất Hà Nội, có giá trị hơn 600 triệu USD. Hiện đang nợ ngân hàng nước ngoài 250 triệu USD. Bà Lan cho rằng trước đây có người trả giá tòa nhà này tỉ USD nhưng bà không bán.

Bây giờ, với giá 350 – 400 triệu USD thì bà cũng chịu bán, nhưng cũng đang tìm chỗ bán tòa nhà này cao hơn 1 chút vì “tòa nhà này là tâm huyết của bị cáo”.

Đối với dự án 6A (khu Trung Sơn, Bình Chánh) có diện tích 26ha, bà Lan đánh giá đây là dự án rất có giá trị, khu Trung Sơn chỉ còn khu đất này. Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã đền bù gần 20 năm nay, chỉ còn lại một ít chưa đền bù.

“Nếu công ty khác phát triển bất động sản thì đã cắt lời từ lâu rồi, còn Vạn Thịnh Phát thì bị cáo không bao giờ suy nghĩ bán để người dân khiếu nại vì không có sổ. Trước khi bị cáo bị bắt, có rất nhiều người trả giá 50.000 – 60.000 tỉ nhưng bị cáo không bán vì chưa hoàn tất thủ tục pháp lý.

Dù đã đền bù 40.000 tỉ nhưng bây giờ 20.000 tỉ cũng được, bán rẻ để đền bù cho các trái chủ, những năm qua đã thiệt thòi” – bà Lan nói.

Đối với siêu dự án Amigo tọa lạc tại vị trí đường Nguyễn Huệ – Hồ Tùng Mậu – Huỳnh Thúc Kháng – Ngô Đức Kế (quận 1, đối diện tòa nhà Saigon Timesquare) có giá trị hơn 100.000 tỉ, đã được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đầu tư suốt 30 năm qua.

“Trước khi bị cáo bị bắt, Chính phủ đã đồng ý khởi động lại dự án. Bị cáo đồng ý mang Amigo ra để giải quyết” – bà Lan nói.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *