Như Tuổi Trẻ Online đã phản ánh, chiều 24-9 anh Phan Minh Thắng (20 tuổi, trú huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã được cứu sống sau 9 ngày bị kẹt lũ giữa sông Ayun. Sự việc gây nghi ngờ về khả năng chịu đựng của con người khi không có thức ăn, sống giữa thời tiết khắc nghiệt suốt thời gian dài.
Thanh niên mắc kẹt trên cây giữa dòng lũ 9 ngày, đã sống sót ra sao?
Chịu đói tốt hơn chịu khát
Vậy trong điều kiện bị cắt nguồn thức ăn, con người có thể tồn tại được trong bao lâu? Phóng viên Tuổi Trẻ Online đã đặt câu hỏi trên với bác sĩ Bùi Trường Giang – phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai.
Theo bác sĩ Giang, trong trường hợp không được cung cấp thức ăn, cơ thể người sẽ sử dụng các nguồn năng lượng dự trữ để duy trì sự sống. Đó là các yếu tố đạm, đường, mỡ dự trữ…
Lúc này gan sẽ sử dụng mỡ dự trữ và glycogen để tạo ra năng lượng và đường, protein giúp duy trì sự sống, nuôi dưỡng tế bào não.
Người nhiều mỡ, có nhiều năng lượng dự trữ sẽ có thời gian chống chịu tốt hơn.
Ngoài ra khi bị mắc kẹt, nạn nhân giảm vận động dẫn tới giảm nhu cầu sử dụng năng lượng. Cùng với nhiệt độ môi trường hạ thấp dẫn tới hạ thân nhiệt, giảm tốc độ chuyển hóa.
Trong trường hợp của anh Phan Minh Thắng, dù bị đói nhưng nạn nhân không bị khát nhờ uống nước sông. Đây là điều rất quan trọng giúp nạn nhân cầm cự được dài ngày. Theo bác sĩ Giang, con người chịu đói tốt hơn chịu khát.
Khi có đủ nước, cơ thể duy trì được các chức năng sống như huyết áp, thải độc, nuôi dưỡng mô, thẩm thấu. Do đó trong trường hợp không có bệnh tật nghiêm trọng, con người có khả năng tồn tại lâu ngày khi có đủ nước.
Về chăm sóc, điều trị người bị bỏ đói lâu ngày, bác sĩ Giang lưu ý nạn nhân sẽ bị suy kiệt, mất các chất đạm, đường, mỡ. Do đó cần đánh giá thể trạng bệnh nhân và có chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Bên cạnh đó cần thực hiện các xét nghiệm chức năng gan, thận và các rối loạn kiềm toan, điện giải trong cơ thể để bù đắp thích hợp. Nếu chức năng gan, thận tốt, chỉ số nhiễm trùng thấp, nạn nhân có thể phục hồi rất nhanh.
Sức khỏe nạn nhân đã khá hơn buổi sáng
Chiều 25-9, bà Nguyễn Thị Nguyệt, dì ruột của Thắng, cho hay sức khỏe anh đã khá hơn so với sáng nay, đã ăn nhẹ được ít cháo dinh dưỡng.
Khi gặp lại cháu, bà có hỏi làm sao cầm cự được suốt nhiều ngày, Thắng kể chỉ ngồi một chỗ, đói thì uống nước, còn không có gì để ăn. Khi công an phát hiện cứu được vào bờ, Thắng ngất xỉu, không biết gì nữa.
Bà Nguyệt cho hay trước khi gặp nạn, Thắng sống với vợ chồng chị họ và rất hòa thuận, không có mâu thuẫn gì. Theo người dì, cháu mình hơi chậm chạp, không được lanh lẹ như người khác.
Bà Nguyệt cho biết trong chiều cùng ngày, một số cán bộ công an đã tới bệnh viện gặp Thắng để tìm hiểu thêm thông tin liên quan vụ việc.
Nạn nhân kẹt lũ 6 ngày, 8 ngày hay 9 ngày?
Có khá nhiều thông tin khác nhau về thời gian kẹt lũ của anh Thắng trên các báo. Có báo ban đầu ghi thời gian kẹt lũ trong vài giờ, có báo viết 6 ngày, có báo 8 ngày.
Riêng phóng viên Tuổi Trẻ Onlnine tiếp cận thông tin thời điểm gặp nạn của anh Thắng là theo báo cáo ban đầu của Công an xã Đak Djrăng, chiều 24-9 sau khi cứu được nạn nhân lên bờ, công an xã đã khai thác sơ bộ thông tin. Lúc này, nạn nhân cho biết bị mắc kẹt từ ngày 16-9.
Sáng 25-9, khi điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Mang Yang, Tuổi Trẻ Online có hỏi thời điểm gặp nạn có phải ngày 16-9 và nạn nhân xác nhận là bị mắc kẹt tại khu vực trên từ ngày đó, tức là tính đến khi được giải cứu là bị kẹt lũ 9 ngày.
Trao đổi với bà Nguyễn Thị Nguyệt, dì ruột của Thắng, bà cho hay đêm 24-9 bà hỏi thì cháu nói hôm đó theo người ta đi câu. Những người đi cùng về nhưng Thắng ngủ quên nên bị nước cuốn đi, phải bám vào bụi cây trèo lên.
Sau nhiều ngày đói khát, suy kiệt, hiện Thắng cũng không nhớ chính xác bị trôi từ lúc nào.
Chiều 25-9, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Điệp – chủ tịch UBND xã Đak Djrăng – cho biết khoảng 2 tuần nay khu vực này ít mưa nhưng nước sông Ayun vẫn dâng cao. Theo video, lúc lực lượng giải cứu quay lại có thế thấy rõ nước chảy rất xiết.