Theo báo Bangkok Post, dự luật hôn nhân đồng giới được Nhà vua Thái Lan chính thức phê chuẩn và đăng tải trên Công báo Hoàng gia ngày 24-9.
Luật sẽ có hiệu lực sau 120 ngày kể từ khi được công bố trên Công báo Hoàng gia, đồng nghĩa với việc các cặp đôi đồng giới có thể bắt đầu đăng ký kết hôn hợp pháp từ ngày 22-1-2025.
Luật mới thay thế các thuật ngữ truyền thống như “nam”, “nữ”, “vợ” và “chồng” bằng các từ ngữ trung tính về giới, đồng thời trao quyền nhận con nuôi và quyền thừa kế cho các cặp đôi đồng giới.
“Đây là một bước tiến lịch sử hướng tới quyền bình đẳng ở Thái Lan”, bà Waaddao Anne Chumaporn, người sáng lập Bangkok Pride, chia sẻ. Bà cũng tiết lộ kế hoạch tổ chức một lễ cưới tập thể cho hơn 1.000 cặp đôi LGBTQ+ tại Bangkok vào ngày 22-1 năm sau.
Trước đó, Thượng viện Thái Lan đã thông qua dự luật hôn nhân đồng giới ngày 18-6, sau hơn hai thập kỷ đấu tranh của các nhà hoạt động vì quyền LGBTQ+. Dự luật nhận được sự ủng hộ áp đảo từ các nhà lập pháp trong Thượng viện.
Động thái này mở đường cho Thái Lan trở thành nơi thứ 3 ở châu Á công nhận hôn nhân đồng giới, sau Nepal và Đài Loan.
Cũng trong tháng 6, hàng nghìn người tham gia lễ hội và các nhà hoạt động LGBTQ+ đã tổ chức một cuộc diễu hành trên các đường phố ở Bangkok, cùng với cựu thủ tướng Srettha Thavisin, người đã mặc áo cầu vồng để kỷ niệm Tháng Tự hào (Pride Month).
LGBT+ hoặc LGBTQ+ là các chữ cái viết tắt của Lesbian (đồng tính luyến ái nữ), Gay (đồng tính luyến ái nam), Bisexual (song tính luyến ái), Transgender (chuyển giới) và Queer (có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác biệt, hoặc không nhận định mình theo bất kỳ nhãn nào) hoặc Questioning (đang trong giai đoạn tìm hiểu bản thân).
Dấu cộng thể hiện sự tồn tại đa dạng của các nhóm khác trong cộng đồng như: N là Non-binary (phi nhị nguyên giới), I là Intersex (liên giới tính), A là Asexual (vô tính luyến ái)…