STEAM for girls: Cuộc thi của những cô gái đam mê và sáng tạo

Cuộc thi “STEAM for girls – STEAM xanh cho nữ sinh 2024” thu hút gần 200 thí sinh tham gia – Ảnh: BTC

Sự kiện do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Hệ thống Giáo dục Victoria School tổ chức.

Giáo dục STEAM là phương pháp giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học nhằm phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề. Phương pháp này giúp học sinh áp dụng kiến thức đa lĩnh vực vào thực tiễn, chuẩn bị kỹ năng cần thiết cho thế kỷ 21. 

Giáo dục STEAM giúp nữ sinh phát triển kiến thức và kỹ năng đa dạng trong các lĩnh vực như khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học… từ đó xây dựng sự tự tin, bản lĩnh để đạt được thành công trong học tập và nghề nghiệp, đặc biệt ở những ngành nghề mà nam giới chiếm ưu thế.

Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua giáo dục STEAM

Cuộc thi “STEAM for girls – STEAM xanh cho nữ sinh 2024” thu hút gần 200 thí sinh tham gia vòng sơ khảo, với 66 em được chọn vào chung khảo. Các thí sinh từ 13 – 15 tuổi đến từ 18 tỉnh, thành trên cả nước cùng đại diện từ các quốc gia như Lào, Thái Lan, Malaysia cùng nhau giao lưu, học hỏi trong một sân chơi STEAM sáng tạo và thú vị.

Một trong những thông điệp quan trọng của cuộc thi là thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục, chung tay cùng Unicef hướng tới mục tiêu “không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”. 

Dù đã có những tiến bộ trong việc tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em gái tham gia vào các lĩnh vực khoa học và công nghệ, nhưng vẫn còn nhiều rào cản khiến các trẻ em gái ít có cơ hội theo đuổi đam mê của mình.

Cuộc thi “STEAM for girls” được tổ chức với mong muốn truyền cảm hứng cho học sinh nữ, khuyến khích các em tự tin theo đuổi ước mơ, mở ra cánh cửa tiếp cận những lĩnh vực mới.

GS. Lê Anh Vinh – viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi – cho biết: “Chúng tôi luôn mong muốn tạo những hoạt động, diễn đàn, cuộc thi về nghiên cứu khoa học, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, trang bị các kiến thức và kỹ năng dành cho các em học sinh nữ, STEAM for girls là một trong số đó. 

Các em học sinh sẽ có cơ hội phát huy tối đa khả năng của mình mà không bị giới hạn bởi những định kiến về giới, trong lĩnh vực STEAM, lĩnh vực mà có thể trước đây phần lớn chỉ có học sinh nam theo đuổi”.

Sau những trải nghiệm của cuộc thi, ban tổ chức mong muốn các em học sinh nữ sẽ tự tin mình hoàn toàn có thể trở thành những nhà khoa học, kỹ sư, nhà nghiên cứu hàng đầu trong tương lai để đóng góp vào sự phát triển của xã hội.

STEAM for girls: Cuộc thi của những cô gái đam mê và sáng tạo - Ảnh 2.

STEAM for girls 2024 sẽ được tổ chức tại Victoria School – Nam Sài Gòn – Ảnh: BTC

Sân chơi sáng tạo, giàu trải nghiệm

Tại vòng chung khảo, các em học sinh sẽ làm việc theo nhóm để nghiên cứu, tìm hiểu, thực hiện các dự án liên quan đến các chủ đề về kỹ năng STEAM, kỹ năng xanh, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu, năng lượng sạch và kỹ năng xanh…

Thông qua làm việc nhóm, theo dự án các em cần vận dụng tổng hợp kiến thức, kĩ năng cùng với phát huy khả năng tư duy sáng tạo. giải quyết những vấn đề thực tiễn một cách hệ thống. Cuộc thi cũng góp phần giúp các em học sinh nữ có những khát khao trở thành những người lãnh đạo tương lai trong xây dựng đất nước phát triển bền vững.

Cuộc thi sẽ diễn ra với nhiều hoạt động học tập và trải nghiệm thực tế hấp dẫn như: Tham quan Học viện Hàng không Vietjet, tòa nhà Đổi mới sáng tạo Galaxy Innovation Hub để tìm hiểu về ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong ngành hàng không và các hoạt động nghiên cứu sáng tạo; Tham quan cơ sở vật chất, không gian xanh của Victoria School, trải nghiệm học tập thực tế. Thí sinh cũng sẽ được khám phá “city tour” để hiểu thêm về sự năng động, sáng tạo của TP.HCM.

Sau cuộc thi, Diễn đàn giáo dục về Năng lượng tái tạo và Biến đổi khí hậu cũng sẽ được tổ chức vào ngày 4-10, với sự tham gia của các Bộ, ban ngành và nhiều chuyên gia để giúp học sinh, giáo viên hiểu sâu hơn về những vấn đề biến đổi khí hậu và vai trò của năng lượng tái tạo trong tương lai.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *