Những người xin đi… nhặt rác

Dọn rác ven đường

KVC, tức Keep VietNam Clean – giữ cho Việt Nam sạch, có tên gọi ban đầu là Keep HaNoi Clean. Đây là tổ chức phi chính phủ được thành lập từ năm 2016 do James Joseph Kendall – một giáo viên tiếng Anh – và những người bạn khởi xướng.

Chúng tôi thường phải làm việc trước với chính quyền về buổi thu gom rác, điều này họ rất ủng hộ. Họ cũng giúp chúng tôi xử lý lượng rác vì thuộc thẩm quyền của họ.

Douglas Snyder

Thủ tục “nhập cuộc” nhặt rác

Để làm tình nguyện viên (TNV) của KVC, chỉ cần vào trang fanpage của tổ chức này để theo dõi lịch thông báo buổi nhặt rác sắp tới. Nhắn tin đăng ký tham gia vào Messeger, ngay lập tức sẽ nhận được phản hồi.

TNV mới cần ghi rõ họ tên, số điện thoại. Trưởng nhóm của KVC sẽ lập một nhóm Zalo cho các TNV để phổ biến kiến thức và thông tin cụ thể về thời gian, địa điểm thu gom rác. Hướng dẫn cách thu gom hiệu quả và an toàn…

Điểm nhặt rác lần này là dọn dẹp bảo vệ 40m đường Khai Sơn, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội. KVC phối hợp với trung tâm quỹ đất của quận và UBND phường Thượng Thanh thực hiện. Sự kiện tiếp tục chiến dịch “Xanh” và “Hành động vì môi trường cảnh quan đô thị” của KVC.

Địa điểm lần này hơi xa trung tâm Hà Nội, các TNV phải đi sớm để có mặt lúc 7h sáng. Nhân viên KVC đã dựng biển hiệu, xếp bàn dụng cụ chờ các bạn TNV tới.

Hai bạn sinh viên Trường đại học Tài chính – Ngân hàng chạy xe máy tới sớm. Tiếp theo là bốn sinh viên nữ Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng chở nhau bằng xe máy và thêm các bạn sinh viên từ các trường khác. Có bạn lần đầu tham gia, cũng có bạn lần hai, lần ba…

Một cô bé nhỏ nhắn đi bộ tới, làm chúng tôi chú ý. Em tên Đỗ Minh Ngọc, đang là học sinh cấp III ở quận Long Biên. Ngọc đi xe buýt từ rất sớm và đi bộ vào địa điểm dọn rác.

Càng về sau càng nhiều các bạn trẻ vào bàn đăng ký, cất hành lý, nhận trang phục. Số lượng đông, áo phản quang không đủ nhưng găng tay có dư. Găng tay cũng hai lớp, lớp nhựa bên trong để bảo vệ kim tiêm và hóa chất độc hại. Găng tay bảo vệ tay khỏi vật sắc nhọn.

KVC còn chu đáo chuẩn bị những lọ tinh dầu đuổi muỗi, vì bãi rác là nơi sản sinh nhiều muỗi. Các đội phụ nữ, Đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, người cao tuổi cũng tham gia hoạt động. Lần này, KVC không đơn độc.

Thu gom rác vào bao để đem đi xử lý

Thu gom rác vào bao để đem đi xử lý

Con đường đẹp và bãi rác xấu xí

Ánh nắng chiếu trên con đường đôi rộng, bê tông phẳng lì, cây xanh đang nhú cành non. Vậy nhưng bên vệ đường, những bãi tập kết rác lom nhom trông rất khó coi và bốc mùi khủng khiếp.

Đường còn mới, ít người qua vì là con đường cụt, do nằm trong khu quy hoạch nên tương lai có thể được mở dài hơn. Hai bên chưa có nhà dân ở nhưng có một ngôi chợ dân sinh khá lớn đang hoạt động, có thể nguồn rác từ đây mà ra.

Ngay dưới tấm biển đề không được xả rác màu đỏ lại có cả một đống rác to chất từ bao giờ. Rất may, Phó chủ tịch phường Bùi Quang Cự đã cho xe cẩu chuyên dụng xúc lên xe tải. “Đống rác này các em xử lý bằng tay làm sao được” – ông lắc đầu buồn bã, nói khu này chính quyền đã xử lý rác nhiều lần nhưng tình trạng đổ trộm rác vẫn tái diễn.

Cỏ mọc cao bằng đầu gối, phải bới cỏ mới tìm được những bọc túi ni lông chứa rác.

“Nhìn bên trên không thấy nhiều, nhưng càng nhặt thì rác càng lòi ra. Xương gà, xương bò vẫn còn này. Lại cốc trà sữa vùi trong đất cát thế này bao giờ mới tiêu…” – bạn nữ đang xử lý túi rác sinh hoạt to có vẻ hơi sốc.

Tình nguyện viên vạch cỏ, gom rác ven đường - Ảnh: TÂM LÊ

Tình nguyện viên vạch cỏ, gom rác ven đường – Ảnh: TÂM LÊ

Những tình nguyện viên đặc biệt

Tôi cùng bạn nhỏ lớp 10 cũng hợp thành một đội, cùng bới tìm những gì có hại cho môi trường thì nhặt nhạnh bằng hết. Chỉ một góc tấm nhựa nhô lên, càng bới càng lên rác. Một bọc to lại có thêm nhiều bọc nhỏ ni lông bên trong, bao thuốc lá, vỏ bánh kẹo bung xõa ra ngoài.

Minh Ngọc bé nhưng tỏ ra rất biết cách thu gom rác. Đôi tay bé nắm chiếc kẹp sắt chắc chắn, lật lên lật xuống đống rác thải để chọn ra loại rác khó phân hủy như mảnh kim loại, nắp chai, bao tải…

“Em lần đầu tham gia ở tổ chức này, hôm nay bố mẹ đi vắng nên em đăng ký đi cho biết. Em thích công việc này vì nó có ý nghĩa cho môi trường sống. Em có một nhóm riêng cũng về thu gom rác thải trong nội thành, có dịp mời chị ghé qua”, Minh Ngọc chia sẻ.

Có TNV báo tin phát hiện một bọc rác thủy tinh nguy hiểm. Một lát sau, hai bạn nhân viên của KVC chở nhau bằng xe máy, bạn ngồi sau ôm chiếc vỏ bình nước 60 lít đã cắt đầu để đựng loại rác nguy hại kia. Chỗ tập kết rác còn có một vỏ bình nước tương tự, bên trong đựng bao nhiêu kim tiêm.

Những bao rác đầy lập tức có xe đẩy rác của nhân viên môi trường đến phía sau để thu gom. Các bạn nam đẩy theo xe rùa, xúc đất cát vương vãi, trả lại vẻ đẹp vốn có cho con đường và không gian xanh trong lành.

“Lần này làm đỡ mệt hơn những lần trước vì có nhiều bên tham gia, địa hình cũng không gồ ghề, nguy hiểm như ở sông hồ, nhất là bãi sông Hồng” – Tuệ Minh, nhân viên truyền thông của KVC, bày tỏ. Nắng đổ xuống đường, không khí bắt đầu oi bức làm lưng áo các TNV đẫm mồ hôi.

Trong các TNV hôm nay, ngoài số lượng sinh viên các trường ĐH còn có nhiều người làm ở các ngành nghề khác nhau như ngân hàng, giáo viên, kế toán… Khánh Hà, nhân viên của KVC, là người nắm danh sách, cho biết hôm nay có 60 TNV của KVC và khoảng 60 TNV phía chính quyền địa phương tham gia.

Vì một môi trường sống sạch

“Keep VietNam Clean – Giữ cho Việt Nam sạch” là một cái tên ngắn gọn, dễ hiểu và nhiều ý nghĩa. Gần 10 năm thành lập, tổ chức phi lợi nhuận KVC đã lớn mạnh và chuyên nghiệp.

Từ buổi đầu anh Tây và những người bạn nhặt rác ở các con kênh của Hà Nội, tới chuỗi sự kiện ngăn ngừa túi ni lông “Ngày ông Công ông Táo” ở sông Hồng, chiến dịch làm sạch sông Hồng thu hút hàng trăm TNV trong nước và nước ngoài tham gia.

Để gây quỹ, KVC xây dựng một cửa hàng bán đồ cũ và đồ tái chế, tất cả vì môi trường. Người sáng lập KVC mới đây còn thông báo trên Facebook cá nhân đã chuyển tiền học phí từ lớp tiếng Anh cho quỹ KVC. Hành động này được nhiều người thả tim vì xúc động.

KVC còn mới tổ chức chuỗi sự kiện, công chiếu hơn 10 bộ phim tài liệu về môi trường tại các rạp trên cả nước. Sự kiện có tính lan tỏa việc bảo vệ môi trường rộng rãi, nhất là đối với các bạn trẻ.

Trong buổi gom rác ở Long Biên hôm nay, một hình ảnh làm tôi ấn tượng. Anh Douglas Snyder, một trong hai giám đốc của KVC, ăn mặc giản dị chạy xe máy đến để động viên các TNV. Nhân viên của KVC phần lớn cũng đều là TNV.

Douglas còn làm đại diện cho một công ty về môi trường toàn cầu ở Việt Nam, một người đam mê và có kiến thức chuyên môn về môi trường. Anh vừa có ý tưởng gom hạt vải để gieo trồng ở nơi đất trống của Hà Nội, loại cây phù hợp với khí hậu miền Bắc…

Thầy giáo Tùng Linh và người bạn vẫn mải mê bới tìm dưới đám cây dại bên lề đường. Để tham gia được buổi dọn rác hôm nay, thầy Linh đã phải xếp buổi dạy thêm sang ngày khác. “Tôi luôn nghĩ môi trường sạch là phép lịch sự của con người, công việc dọn rác sẽ nhắc nhở chúng ta chú ý đến môi trường hơn”, thầy Linh cho biết học sinh bây giờ có khi lại nhắc người lớn không xả rác bừa bãi.

Ông già nhặt rác trên bãi biểnÔng già nhặt rác trên bãi biển

Có một ông cụ 82 tuổi cứ tờ mờ sáng là đạp xe hơn 5 cây số từ nhà xuống biển Phú Đông (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) nhặt rác dù mưa hay nắng.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *