Tiếp sức đến trường cho sinh viên Quảng Trị – Thực hiện: NHÃ CHÂN – MAI HUYỀN – TRINH TRÀ
101 sinh viên nghèo Quảng Trị đã được nhận học bổng Tiếp sức đến trường sáng 28-9 tại TP Đông Hà. Buổi lễ được báo Tuổi Trẻ và Tỉnh Đoàn Quảng Trị tổ chức. Tổng kinh phí gần 2 tỉ đồng do Câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị” và Công ty cổ phần Bình Điền – Quảng Trị tài trợ.
Mỗi suất học bổng không chỉ là khoản hỗ trợ ban đầu mà chính là niềm tin mà bao tấm lòng nhân ái trao gửi đến các tân sinh viên.
Học bổng nghĩa tình
Bà Trần Thị Phượng (49 tuổi, ngụ huyện Cam Lộ) không giấu được niềm vui khi cùng con gái Nguyễn Thị Cẩm Tú đến nhận học bổng. Ba Tú từng là thợ xây song đã mất chín năm trước trong một tai nạn lao động. Nay con gái vào Trường ĐH Phú Xuân (Thừa Thiên Huế), được học bổng tiếp sức mà “tui thấy vui như chính mình được tiếp sức”.
Một mình mẹ lo cho ba đứa con ăn học, ai thuê gì làm nấy. Hôm nhận giấy báo nhập học của con, nhìn số tiền cần đóng 15 triệu đồng, bà chỉ biết khóc. Chạy vạy khắp xóm, bà Phượng vay tạm đủ cho con kịp nhập học chứ cũng chưa biết sẽ làm gì để trả.
“Không ruột thịt bà con nhưng những người ở báo Tuổi Trẻ và Câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị” cho con tui học bổng 15 triệu đồng, khác chi thay tui lo cho con. Ân tình ni tui biết nói chi hơn lời cảm ơn” – bà Phượng bày tỏ.
Lễ trao như buổi tiếp sức tinh thần cho tân sinh viên. Những câu chuyện của tân sinh viên đặc biệt khó khăn được kể mà nhiều người có mặt lại như thấy chính mình trong đó. Mỗi câu chuyện như tiếp thêm động lực cho bạn bè mình với cam kết cùng nhau vượt khó.
“Tới đây mới biết nhiều người còn khổ hơn mình và ai cũng tự tìm cách vươn lên vượt qua số phận. Với mình, điều này còn ý nghĩa lớn hơn suất học bổng đã nhận”, Hạ Vi – tân sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế) – thổ lộ.
Niềm tin được trao đi
Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ nói khởi đầu với 33 tân sinh viên khó khăn của Quảng Trị được tiếp sức, đến nay Câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị” đã hỗ trợ cho 2.787 bạn với số tiền trên 27 tỉ đồng. Không dừng ở hỗ trợ vật chất, câu lạc bộ đã trao gửi ân tình, sự động viên vô giá giúp các bạn thêm tự tin bước vào đại học.
“Với chúng tôi, món quà đó to lớn hơn mọi vật chất, biến cái cho đi nghĩa tình thành những điều tốt đẹp trong cuộc đời. Đây cũng là dịp để chúng tôi trao đến các bạn niềm tin rằng xã hội vẫn luôn có những vòng tay nhân ái nâng đỡ và luôn kỳ vọng vào các bạn. Trao học bổng hôm nay, hẹn gặp các tân sinh viên trong tương lai với nụ cười tự tin, tươi sáng” – ông Chữ nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam nói sự hiện diện của báo Tuổi Trẻ, Câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị” cùng các nhà tài trợ những năm qua đã thắp lên tia sáng hy vọng cho nhiều gia đình cùng tân sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi. “Tiếp sức cũng là trao thêm cơ hội, gửi ước mong các bạn vượt khó để một ngày thật gần sẽ trở thành những người có ích cho xã hội” – ông Nam phát biểu.
Ông Đồng Hoàng Hiển – giám đốc Công ty cổ phần Bình Điền – Quảng Trị, chủ nhiệm Câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị” – nói mỗi suất học bổng chính là nghĩa tình, niềm tin, hy vọng mà các thành viên câu lạc bộ gửi đến tân sinh viên. Và học bổng chỉ là phần hỗ trợ nhỏ ban đầu, phía trước sẽ còn nhiều khó khăn mà mỗi khó khăn đều là bài học quý giá.
“Mong các bạn luôn biết nuôi dưỡng ước mơ, kiên trì theo đuổi và thực hiện hoài bão cao đẹp. Chúng tôi tin các bạn sẽ làm nên những điều tuyệt vời trong tương lai” – ông Hiển nhắn nhủ.
Tình Thương đã có tình thương
Khoảnh khắc xúc động tại buổi lễ khi tân sinh viên Nguyễn Thị Tình Thương (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế) tự hào nói về người mẹ tật nguyền tảo tần nuôi mình khôn lớn. Bạn là
kết quả của chuyện tình không đầu không cuối mà mẹ đã chọn vì mong có đứa con bầu bạn lúc về già.
Thương đi phụ quán cà phê khi học phổ thông để không phải bỏ học. Vào Huế nhập học xong, ngay ngày thứ ba đã đi làm thêm để có tiền tự lo cho mình. “Mẹ đã nuôi mình bằng đôi tay và đôi chân tật nguyền nên mình càng cố gắng học để trả ơn mẹ” – Thương khóc.
Câu chuyện ấy khiến ông Đồng Hoàng Hiển xúc động và quyết định công ty sẽ đỡ đầu để Thương học đến khi ra trường. “Chúng tôi muốn bù đắp một chút yêu thương cho Tình Thương trên hành trình đại học” – ông Hiển nói.