Sự kiện được tổ chức bởi Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (cơ quan trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo), phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Hệ thống giáo dục Victoria School, nhằm khuyến khích các em nữ sinh từ 13 đến 15 tuổi tham gia vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học (STEAM).
Cuộc thi đã thu hút gần 200 học sinh nữ từ 18 tỉnh thành trên cả nước tham gia vòng sơ khảo, trong đó 69 em được lựa chọn vào vòng chung khảo có cả học sinh đến từ các nước Lào, Thái Lan, Malaysia…
STEAM Xanh là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu
Bà Lê Anh Lan – phụ trách chương trình giáo dục UNICEF Việt Nam – nhấn mạnh giáo dục STEAM, đặc biệt là STEAM Xanh là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu của UNICEF, nhằm đảm bảo cho mọi trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam được tiếp cận việc học tập và phát triển các kỹ năng chuẩn bị cho tương lai.
“Trong những năm qua, Việt Nam đã có những kết quả tốt trong việc đầu tư hỗ trợ trẻ em thanh thiếu niên nam và nữ. Việc chuẩn bị cho cuộc cách mạng 4.0, nâng cao nhận thức về tác động của chuyển đổi số, đô thị hóa và biến đổi khí hậu đến nền kinh tế xã hội đã được quan tâm ngay từ bậc mẫu giáo.
Tất cả chúng ta đều cần có các kỹ năng xanh để quá trình chuyển đổi xanh diễn ra thành công, điều này rất quan trọng trong việc ứng phó với khủng hoảng khí hậu toàn cầu và còn để đạt được các mục tiêu phát triển nền vững. Các kỹ năng xanh được trang bị tốt sẽ cho phép những người trẻ tuổi điều hướng thành công trong thế giới đang thay đổi hàng ngày và nắm bắt các cơ hội” – bà Lan nói.
Bà Lan cho rằng mỗi thanh thiếu niên đều có cơ hội như nhau được tiếp cận giáo dục STEAM một cách an toàn, có trách nhiệm, giúp các em học tập những kiến thức kỹ năng liên quan thực tế, kỹ năng khởi nghiệp là những yếu tố đảm bảo công bằng trong việc phát triển nhân lực xã hội.
Gỡ bỏ rào cản để chinh phục đam mê
GS.TS Lê Anh Vinh – viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, trưởng ban tổ chức cuộc thi – cho hay: “Trên thế giới có rất nhiều nhà khoa học nữ nổi tiếng như nhà khoa học Marie Curie, lập trình viên Ada Lovelace, nhà di truyền học Barbara McClintock, nhà toán học Katherine Johnson…
Đó là minh chứng cho sức mạnh của ý chí, niềm đam mê, truyền cảm hứng, năng lực, sự bền bỉ của nữ giới. Không có lĩnh vực nào nằm ngoài tầm với của phụ nữ, không có giới hạn nào cho những gì phụ nữ có thể đạt được. Sự tham gia của nữ giới góp phần vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung của xã hội, hướng đến một tương lai tươi sáng”.
ThS Chirstopher Bradley – tổng hiệu trưởng Trường Victoria Shool – Nam Sài Gòn – chia sẻ: “Tầm quan trọng của công nghệ trong giáo dục đang từng bước phát triển và STEAM là cách kết hợp công nghệ với các môn học truyền thống. Chúng tôi hy vọng các em học sinh sẽ học được những ứng dụng có giá trị truyền cảm hứng cho việc học tập và phát triển bản thân”.
Bạn Trần Thị Ly Na (học sinh Trường tiểu học – THCS Trần Hưng Đạo, tỉnh Kon Tum) chia sẻ: “Thông qua nhà trường em biết đến và đăng ký tham gia cuộc thi STEAM Xanh dành cho nữ sinh. Em cảm thấy rất háo hức khi được trải nghiệm và học hỏi nhiều điều mới. Dự kiến em sẽ chọn chủ đề về biến đổi khí hậu, sau cuộc thi chắc chắn em sẽ tự tin hơn”.
69 thí sinh sẽ được chia thành 23 đội thi, mỗi đội được lựa chọn từ ba thành viên đến từ những địa phương khác nhau. Các đội thi sẽ được chuyên gia thuộc Viện Khoa học giáo dục Việt Nam hướng dẫn, mỗi đội được chọn một chủ đề như: Kỹ năng STEAM và kỹ năng xanh cho trẻ em gái; Năng lượng tái tạo; Thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, các em còn được trải nghiệm học tập thực tế, khám phá “city tour” để hiểu thêm về sự năng động, sáng tạo của TP.HCM. Đặc biệt, các em sẽ được tham dự diễn đàn giáo dục về năng lượng tái tạo và biến đổi khí hậu. Đây là bước khởi đầu quan trọng trong việc khuyến khích các em nữ sinh theo đuổi STEAM, đồng thời góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục và phát triển bền vững.