Dù bạn trẻ này lập tức nhận ra sức nóng của điều mình vừa nói, đã lên tiếng xin lỗi vì dùng câu chữ gây hiểu lầm chứ không có ý cổ xúy cho việc bỏ học, song dư luận vẫn chia phe khá rõ.
Tỉ phú Bill Gates bỏ ngang đại học nhưng đã cho thấy rõ khả năng thiên phú của ông. Dường như chưa lần nào nghe ông tự hào về việc rẽ hướng ấy. Thế giới liệu có được mấy Bill Gates và đâu phải ai cũng có khả năng như ông ấy để viện dẫn!
“Phe” nào cũng đủ lý lẽ
Bên ủng hộ cho rằng phát ngôn vậy là bình thường, không có gì sai, thậm chí còn đáng khen vì đã nói thật. Tuy nhiên, cũng chính những ý kiến ủng hộ cho rằng bối cảnh nói điều này trước cả vạn người với phần lớn người trẻ còn đang đi học thì không khéo vì không phù hợp không gian.
Trong khi bên phản đối đưa ra lập luận nói như thế chẳng khác nào cổ xúy rằng cứ thoải mái và mặc nhiên sống với đam mê, chả tội nợ gì phải học cho mệt! Cực đoan hơn, có ý kiến phản đối còn “kết tội” anh bạn trẻ này có lượng người trẻ hâm mộ lớn thì có khác gì khuyến khích fan “thôi bỏ đi chứ cắm mặt vào học chắc gì sau này sẽ thành công”.
Và có vẻ như bất phân thắng bại với đủ kiểu tranh luận. Gay gắt hơn còn có câu hỏi “Bộ không học đại học thì là vô học hay gì?”, hay “Trình độ văn hóa 12/12 không được tính là có học hay sao?”. Bên nào cũng có lý lẽ của mình.
Người ủng hộ nói người phản đối nâng quan điểm và hơi thái quá. Dẫu gì cũng chỉ là câu nói bộc phát giữa một không gian hoành tráng và tràn ngập niềm vui nên có phần cảm xúc. Còn bên ngược lại thì cho rằng đã làm idol, có chút ảnh hưởng mà chủ yếu là giới trẻ thì càng phải cẩn trọng lời ăn tiếng nói chứ không thể thích gì nói nấy, bạ đâu nói đó được. Bởi lời nói vô tình nhưng sức ảnh hưởng lại không vô ý.
Đam mê là đủ, cần gì tri thức?
Thông tin từ các trang mạng xã hội là anh bạn ấy không phải không đi học. Chỉ là mới học đại học thời gian ngắn, bạn ấy nhận ra niềm đam mê âm nhạc của mình nên đã xin bỏ ngang để theo đuổi đam mê ấy và được gia đình đồng ý.
Tức là bạn này nhận ra đam mê (chứ chưa hẳn là thế mạnh) của bản thân, đã bảo vệ và muốn được sống với đam mê đời mình. Đây là điều phải thẳng thắn nói rằng không hẳn bạn trẻ nào cũng có thể xác định rõ cho mình. Có bạn thậm chí học đến năm cuối đại học vẫn mông lung không biết ra trường sẽ làm gì, cũng không biết bản thân có đam mê gì!
Trở lại với câu hỏi “Có nên bỏ học theo đuổi đam mê?” bởi ngay lúc ấy chợt nhận ra mình muốn làm một điều khác với lựa chọn và con đường đang đi, thì sao? Thực tế có những ngôi sao nổi tiếng của Hàn Quốc đều sở hữu kết quả học tập tại nhiều ngôi trường danh tiếng ở xứ sở kim chi. Và không ít nghệ sĩ tên tuổi ở Việt Nam cũng thế.
Ai cũng biết học là cả quá trình. Trong thế giới phẳng hiện nay lại càng có nhiều cách để học, tiếp thu kiến thức với nhiều nguồn khác nhau. Việc học chắc chắn vẫn phải có những giá trị riêng mà chí ít một người có điều kiện học hành nghiêm túc sẽ thu nhận kết quả và trải nghiệm mà người chưa học khó lòng có được. Nên theo đuổi đam mê hay bỏ học là quyền của mỗi người. Song chớ vội tự hào rằng “tôi không cần học hay đã bỏ học mà vẫn thành công”.
Có nên bỏ học theo đuổi đam mê? Câu hỏi sẽ không là vô cớ với nhiều người trong chúng ta. Xin mời cùng chia sẻ suy nghĩ với chúng tôi và vui lòng gửi về địa chỉ email: [email protected].