Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố 17 bị can trong vụ án nhận hối lộ; đưa hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, che giấu tội phạm xảy ra tại Thái Nguyên cùng một số tỉnh thành.
Đây là giai đoạn hai của vụ án “chuyến bay giải cứu”.
Trong số các bị can, ông Nguyễn Văn Văn, cựu phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam; ông Lê Ngọc Tường, cựu phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam; bà Lê Thị Phượng, cựu chuyên viên phòng khoa giáo văn xã, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương cùng bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ.
Nhận tiền hối lộ tại phòng làm việc, nhà riêng, quán ăn
Kết luận điều tra thể hiện thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc tiếp nhận công dân Việt Nam từ nước ngoài hồi hương bằng hình thức tự trả phí cách ly y tế tại khách sạn, tháng 4-2021, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành công văn tiếp đón công dân về nước cách ly y tế tại khách sạn.
Giữa tháng 5-2021, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định về quy chế tổ chức đón tiếp, bàn giao, quản lý, điều hành và bảo vệ khu cách ly tập trung phòng, chống dịch bệnh COVID-19 có thu phí cách ly.
Theo đó, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam có nhiệm vụ xem xét phương án nhập cảnh từng chuyến bay.
Trong khi đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam có nhiệm vụ đánh giá năng lực tổ chức đón đoàn.
Trên cơ sở này, hai Sở tham mưu cho UBND tỉnh thống nhất về mặt nguyên tắc cho phép công ty lữ hành đón người nhập cảnh trên các chuyến bay theo phương án của doanh nghiệp.
Kết luận điều tra nêu ông Nguyễn Văn Văn, Lê Ngọc Tường được cơ quan giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động đón công dân Việt Nam từ nước ngoài hồi hương cách ly y tế tại tỉnh Quảng Nam.
Cuối tháng 5-2021, Nguyễn Thị Thanh Hằng (phó giám đốc Công ty Bluesky, bị can giai đoạn 1 vụ án) đã liên hệ, đến phòng làm việc của ông Văn, Tường để trao đổi về các công ty của bà đã được Văn phòng Chính phủ cấp phép thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài hồi hương cách ly y tế tại Quảng Nam.
Đồng thời, bà Hằng nhờ hai ông này hỗ trợ, tham mưu UBND tỉnh tiếp nhận công dân về cách ly y tế tập trung tự trả phí và được đồng ý.
Từ tháng 5-2021 đến tháng 1-2022, ông Văn, Tường đã phối hợp đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận, tiếp nhận công dân Việt Nam về trên 56 chuyến bay do Nguyễn Thị Thanh Hằng thực hiện đến cách ly y tế tại Quảng Nam.
Bà Hằng sau đó đã 5 lần đến phòng làm việc, nhà riêng, quán ăn gặp, đưa tổng cộng 450 triệu đồng cho ông Nguyễn Văn Văn.
Bà Hằng cũng 4 lần đến phòng làm việc gặp, đưa tổng cộng 400 triệu đồng cho ông Lê Ngọc Tường.
Theo Cơ quan An ninh điều tra, quá trình điều tra, bị can Văn thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có nhiều thành tích xuất sắc trong lao động, được Chủ tịch nước phong tặng thầy thuốc ưu tú… Bị can đã tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền 450 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
Tương tự, bị can Tường cũng đã nộp lại toàn bộ số tiền 400 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
Chuyên viên phòng khoa giáo văn xã Hải Dương nhận hối lộ 650 triệu đồng
Ngoài các bị can ở tỉnh Quảng Nam, Cơ quan An ninh điều tra cũng làm rõ hành vi nhận hối lộ của một số cán bộ tại tỉnh Hải Dương.
Kết luận điều tra xác định, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương được giao thực hiện nhiệm vụ thực hiện chủ trương đưa công dân Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước cách ly tại địa phương.
Thời điểm đó, bà Lê Thị Phượng, cựu Chuyên viên Phòng khoa giáo Văn xã, thuộc Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương được phân công tiếp nhận hồ sơ, tham mưu, đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh chấp thuận chủ trương để công ty, doanh nghiệp tổ chức đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về cách ly trên địa bàn.
Khoảng đầu tháng 6-2021, bà Phượng được Võ Thị Hồng (bị can giai đoạn 1 vụ án) nhờ xin cấp phép tổ chức chuyến bay cho Công ty Cổ phần dịch vụ và Thương mại du lịch Sora, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Quốc tế Biển Bạc.
Từ đây, ông Bùi Huy Hoàng (cựu chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh tật truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bị can giai đoạn 1) đã liên hệ với bà Phượng để nhờ xin công văn chấp thuận cho công dân về nước trên các chuyến bay của Công ty Sora, Công ty Biển Bạc cách ly y tế của UBND tỉnh Hải Dương. Bà Phượng sau đó đồng ý giúp Hoàng.
Tháng 6-2021 đến cuối tháng 11-2021, Bùi Huy Hoàng đã 2 lần đến nhà riêng, phòng làm việc đưa tiền cho Lê Thị Phượng, tổng cộng 650 triệu đồng để giúp công ty của bà Hồng có văn bản chấp thuận của UBND tỉnh Hải Dương.
Theo Cơ quan An ninh điều tra, giai đoạn 1 vụ án, bà Lê Thị Phượng không thừa nhận sai phạm.
Song đến nay, bị can đã thừa nhận hành vi phạm tội, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã tự nguyện nộp số tiền 600 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
Cũng tại Giai đoạn 1 vụ án, Tòa án nhân dân Hà Nội đã xét xử, tuyên phạt Võ Thị Hồng mức án 3 năm tù giam về tội đưa hối lộ. Ông Bùi Huy Hoàng lãnh 30 tháng tù về tội môi giới hối lộ.