Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường: Cần gắn với chính sách ngôn ngữ quốc gia

Nhà báo Trần Xuân Toàn – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ (bìa phải) – tặng hoa cho các khách mời tham gia tọa đàm – Ảnh: DUYÊN PHAN

Ngày 2-10, báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm “Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học: Làm gì để vượt thách thức?” với sự góp mặt của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, phụ huynh.

Có lộ trình, không nóng vội

Buổi tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp hữu ích cho việc thí điểm thực hiện chủ trương đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Tất cả các chuyên gia, nhà giáo dục, nhà quản lý, phụ huynh học sinh tham gia buổi tọa đàm đều cho rằng đây là chủ trương đúng đắn và sẽ thực hiện được nếu có lộ trình triển khai cụ thể, phù hợp và nhận được sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống.

Nhìn nhận chủ trương này lớn, táo bạo, có tính chiến lược và đặc biệt phù hợp trong bối cảnh hiện nay, TS Nguyễn Thanh Bình, trưởng khoa tiếng Anh Trường đại học Sư phạm TP.HCM, phân tích bối cảnh kinh tế – xã hội phát triển, mang tới nhiều điểm thuận lợi, phù hợp để chuyển từ dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ sang sử dụng tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.

Tương tự, TS Đàm Quang Minh, phó tổng giám đốc Tập đoàn Equest – đơn vị đang triển khai chương trình dạy toán, khoa học bằng tiếng Anh trong các trường phổ thông, cũng cho rằng đây là một quyết định mang tính chiến lược và làm thay đổi sâu sắc cách tiếp cận ngoại ngữ của Việt Nam.

“Việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường rất được ủng hộ. Chúng ta thấy rằng một lao động nếu có tiếng Anh tốt thì bao giờ lương cũng cao hơn 20-50%, thậm chí nhiều hơn so với một ứng viên không biết tiếng Anh. Vì thế, phụ huynh ủng hộ rất rõ ràng với môn tiếng Anh và sẽ ủng hộ lớn cho chủ trương này” – ông Minh nói.

Tuy vậy, theo ông, việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường cũng cần đến tính pháp lý để việc triển khai ngày càng thuận lợi hơn và phải từng bước xây dựng theo lộ trình.

“Đề nghị TP.HCM thí điểm xây dựng mô hình trường học mà tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai theo các bậc. Ví dụ, trường học bậc 1 về ngôn ngữ thứ hai sẽ có những tiêu chí gì; trường học bậc 2 sẽ gồm những tiêu chí gì; trường học bậc 3 sẽ gồm những tiêu chí gì… Điều này sẽ giúp các trường dễ nhận diện mô hình và có lộ trình để phấn đấu thực hiện” – ông Minh nói.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Bảo Quốc, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho biết TP.HCM không nóng vội trong việc thực hiện thí điểm chủ trương đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường. Việc thực hiện sẽ từ từ từng bước, có lộ trình với địa bàn, nhà trường phù hợp.

“Việc triển khai sẽ không nóng vội, không đại trà mà sẽ là từng bước. Chúng tôi có thể bắt đầu từ các trường đang thực hiện chương trình tích hợp, chương trình tiếng Anh tăng cường, trường tiên tiến hội nhập, các đơn vị tư thục… sau đó sẽ mở rộng ra” – ông Quốc thông tin.

Ngoài TP.HCM thì các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển như Hà Nội hoặc có những địa phương có những chuyển biến rất nổi bật trong việc học tiếng Anh như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… có nhiều tiềm năng có thể thí điểm triển khai chủ trương này.

TS NGUYỄN THANH BÌNH

Cần “đầu ra”

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà giáo dục đến từ Trường đại học Sư phạm TP.HCM, Trường đại học RMIT, Trường THCS Nguyễn Văn Tố, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) đều cho rằng hiện đã có hành lang pháp lý để thực hiện chủ trương đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.

Theo cô Bùi Thị Thanh Châu, tổ phó tổ ngoại ngữ Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, với Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thì việc triển khai chủ trương này có nhiều thuận lợi.

“Thuận lợi của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa là may mắn đầu vào trình độ tiếng Anh của học sinh cao. Trình độ tiếng Anh cao đáp ứng được nhiều chương trình: chương trình tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh tích hợp. Riêng đối với chương trình tiếng Anh tăng cường, nhà trường còn đẩy mạnh theo hướng luyện chứng chỉ IELTS, các học sinh lớp 8 trở lên đã đi theo con đường này rồi.

Trường cũng thực hiện mời giảng viên các trường đại học về dạy bằng tiếng Anh các môn học cho học sinh. Ngoài ra, các tổ bộ môn thực hiện liên môn khoa học với tiếng Anh. Gần đây, học sinh của trường còn kể chuyện về Bác Hồ bằng tiếng Anh, giao lưu với các đoàn nước ngoài, quay clip bằng tiếng Anh…” – cô Châu nói.

Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường: Cần gắn với chính sách ngôn ngữ quốc gia - Ảnh 2.

Các em học sinh phấn khích khi được trải nghiệm ứng dụng “vừa chơi vừa học” tiếng Anh của thầy Phan Khắc Đáp, giáo viên môn tiếng Anh ở Trường tiểu học Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) – Ảnh: LÂM THIÊN

Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng nhấn mạnh cần phải có “đầu ra” cho người học. “Học sinh học tiếng Anh tốt trong nhà trường phổ thông nhưng lên đại học thì lại không tương thích. Vì thế, chủ trương này cần tính liên thông trong đào tạo ở những bậc cao hơn” – TS Lê Xuân Quỳnh, chủ nhiệm chương trình ngôn ngữ Trường đại học RMIT Việt Nam, nêu ý kiến.

Còn TS Nguyễn Thanh Bình thì đề xuất cần gắn chủ trương đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường với chính sách ngôn ngữ quốc gia.

“Nếu chỉ phát triển tiếng Anh trong nhà trường nhưng không có chủ trương chung về tiếng Anh trong đời sống, công việc…, người học sẽ không thấy được tính thực tiễn, hiệu quả của việc học ngôn ngữ này trong nhà trường. Nhà nước cần phải có chủ trương về ngoại ngữ gắn với chủ trương đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường” – ông Bình nói.

* TS ĐÀM QUANG MINH:

Phụ huynh ủng hộ dạy học bằng tiếng Anh

Equest chủ động đóng góp những giá trị trong giáo dục, bao gồm giáo dục phổ thông, đại học, giáo dục thường xuyên. Và chúng tôi cũng may mắn là được phụ huynh rất ủng hộ nên số lượng trường, số lượng học sinh theo học các trường trong hệ thống cũng như chương trình tiếng Anh đang tăng lên.

Cộng với chính sách xã hội hóa có sự cởi mở nhất định nên chúng tôi cũng triển khai tốt chương trình công nghệ giáo dục, trên toàn quốc có khoảng 146.000 học sinh đang học chương trình toán, khoa học bằng tiếng Anh. Chúng tôi đang thực hiện sử dụng tiếng Anh như một công cụ để dạy các môn học, để học sinh có thêm các kỹ năng mới.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *