Ba mẹ mất cùng ngày vì tai nạn giao thông, ba chị em bơ vơ không nơi bấu víu. Bà ngoại kiên quyết không cho cháu vào trại trẻ mồ côi vì thương, nhưng không biết làm cách gì nuôi cháu ăn học.
Đã có lúc, mấy bà cháu tính đến chuyện dắt nhau đi ăn xin.
Bà tưởng phải dắt cháu đi ăn xin
Nguyễn Thị Ngọc Hà (thôn Đằng Lộc 1, xã Cam Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, tân sinh viên ngành ngôn ngữ Hàn Quốc, Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế) là chị cả của ba chị em. Thời điểm ba mẹ cùng qua đời, Hà mới chỉ là cô bé học lớp 4.
“Hôm đó, ba mới nhờ người sửa xong nhà vệ sinh cho ngôi nhà đã quá cũ của bà ngoại. Đó cũng là nơi cả nhà đang ở ké nhiều năm qua. Đến chiều, khi xong việc, ba chở mẹ ra thị trấn cách nhà mấy cây số thì bị một xe tải đụng phải. Cả hai người cùng mất”, Hà kể trong nước mắt với chương trình Tiếp sức đến trường.
Hai đứa em Hà khi đó mới lớp 2 và mẫu giáo, chưa cảm nhận được nỗi đau mất ba mẹ. Nhưng Hà thì biết ba mẹ sẽ không bao giờ chở mình đi học hay đón mình về nữa.
Trước khi mất, ba mẹ Hà cũng chỉ làm ruộng. Ở vùng quê nghèo Lệ Thủy, nuôi ba đứa con mà chỉ có ruộng vườn thì đủ ăn đã là may mắn. Khi hai người mất, bà ngoại cùng mấy dì phải đi mượn tiền lo đám tang.
Trong ngôi nhà này thời điểm đó, mỗi chiều người ta thấy bốn bà cháu ôm nhau khóc. Đám trẻ khóc vì nhớ ba mẹ. Bà ngoại 70 tuổi khóc vì thương cháu không nơi bấu víu.
Nhiều người thân thời điểm đó đề xuất phương án gửi bớt Hà và đứa em kế vào trại trẻ mồ côi để bà đỡ trĩu vai. Nhưng bà kiên quyết gạt đi vì đám trẻ mới phải trải qua cảnh chia ly với ba mẹ. Giờ bà không muốn thấy thêm cảnh chị em chia lìa.
Sau đó là những ngày chăm bón để vườn rau xanh tốt. Mỗi bó rau bán ra được vài ngàn đồng, mấy bà cháu rau cháo qua ngày.
Nhưng ở miền nắng gió, rau chỉ trồng được vài tháng là bị gió lào nắng cháy bẻ gãy, thiêu rụi. Mùa đông giá rét rau càng không lớn nổi. Cùng quẫn, bà Hằng phải nghĩ đến chuyện dắt cháu đi ăn xin. Bà kể về dự định này với những người hàng xóm, với ý định gửi gắm nhà cửa khi đi vắng.
May mắn, chính quyền địa phương đến kịp thời. Một cuộc vận động hỗ trợ mấy bà cháu được chính quyền thực hiện. Một số nhà hảo tâm thương cảnh côi cút của mấy chị em Hà nên đã dang tay ra tương trợ. Chính quyền cũng đi làm chế độ hỗ trợ trẻ mồ côi cho ba chị em. Nhờ vậy mấy chị em có thể sống qua ngày.
Nhắc lại những ngày tháng này, bà Hằng vẫn thấy xót xa. “May rằng có tấm lòng của cộng đồng. Nếu không mấy bà cháu đã phải đi ăn xin”, bà Hằng kể.
Như cây xanh không khuất phục ở vùng nắng gió
Lên cấp hai, Hà đã phải giúp bà chăm sóc hai đứa em. Ngày nghỉ, Hà dẫn mấy đứa em ra ruộng bắt ốc. Số tiền bán được từ ốc dù chỉ vài ba chục ngàn nhưng cũng đủ giúp mấy bà cháu có thêm con cá, miếng thịt trong bữa cơm.
Dù khổ cực, nghèo khó nhưng Hà lại học rất giỏi.
Những năm THCS, Hà liên tục đạt học sinh giỏi. Lên THPT, Hà còn vào lớp chọn của trường và nằm trong top những người học giỏi nhất lớp. Hà cũng được trường chọn vào đội thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Điểm rất cao, nhưng Hà chọn học tại Đại học Ngoại ngữ Huế. Phần vì đây là nơi chi phí học cũng như chi phí sinh hoạt thấp nhất, phù hợp với hoàn cảnh của Hà hiện tại. Phần vì Hà muốn học ở gần bà ngoại, chỗ nương tựa duy nhất của Hà gần mười năm qua nay đã gần 80 tuổi. Hà muốn có thể đi về để có thể gần gũi chăm sóc bà những năm tháng xế chiều của cuộc đời.
Cũng đã có lúc Hà nghĩ rằng mình sẽ không thể đi học đại học. Khoản tiền ngoại trồng rau và khoản hỗ trợ trẻ mồ côi mỗi tháng của mấy chị em không đủ cho hai đứa em ăn học, chưa nói đến việc đi học đại học xa nhà, vô cùng tốn kém. Càng băn khoăn hơn khi tờ giấy thông báo nhập học ghi kèm số tiền học phí mỗi kỳ hơn 8 triệu đồng.
Đến cuối cùng, khi nghĩ đến tương lai, Hà quyết định nhập học. Một người dì mượn cho Hà mười triệu lận lưng nhập trường. Vừa vào nhập học được hơn tuần, Hà đã chạy quanh tìm việc làm thêm.
“May mắn vì mình mồ côi, trường có chính sách miễn giảm học phí. Tuy nhiên, đi học xa nhà sẽ phải tốn kém rất nhiều thứ khác, nên nhất định mình sẽ phải đi làm thêm để kiếm tiền tự lo cho việc học của mình. Nhất định mình sẽ làm được”, Hà quyết tâm.
Cô Dương Thị Phương, giáo viên chủ nhiệm của Hà những năm THPT, là người kề cận và hiểu rõ hoàn cảnh của cô học trò mồ côi này nhất. Cô nói lớp và trường cũng hết sức hỗ trợ Hà để bù đắp phần nào thiệt thòi. Những phần học bổng ở trường, Hà luôn được ưu tiên. “Hà thiệt thòi nhưng là bí thư của lớp và đã được chọn học cảm tình Đảng. Đó là cô gái bản lĩnh. Tôi tin Hà sẽ thành công”, cô Phương nói.
Tiếp sức đến trường 2024: Hơn 20 tỉ đồng giúp tân sinh viên vượt khó
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang – Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức – Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.