Ngày 4-10, Trường ĐH Tài chính – Marketing phối hợp với một số đơn vị tổ chức hội thảo để giúp cho sinh viên hiểu thêm về chứng khoán, đặc biệt cho tân sinh viên.
Bà Hứa Như Ý – trưởng phòng kinh doanh Công ty Yuanta Việt Nam – nhìn nhận trong những năm gần đây, số lượng sinh viên tham gia vào thị trường chứng khoán ở Việt Nam gia tăng đáng kể. Trước đây, chứng khoán được phần lớn sinh viên xem như một hàng “xa xỉ”, nhưng hiện nhiều bạn đã có tài khoản chứng khoán hơn.
Theo bà, việc sinh viên tiếp cận với chứng khoán từ sớm tương đối bình thường, nhất là với những sinh viên ngành tài chính muốn áp dụng những kiến thức học được vào thực tế.
Các bạn có thể hiểu rõ hơn về cách các thị trường vận hành, học cách phân tích tài chính, đánh giá cổ phiếu và quản lý rủi ro…
Ngoài ra, sinh viên nói chung cũng học thêm được cách quản lý tiền bạc và tài sản cá nhân, biết lập kế hoạch tài chính, tiết kiệm…
Tuy nhiên, bà Ý lưu ý một nguyên tắc hàng đầu cho sinh viên trước khi đầu tư là cần nắm vững các kiến thức cơ bản về cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư, lợi nhuận và rủi ro, cũng như hiểu cách hoạt động của thị trường chứng khoán, các yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và các chỉ số quan trọng.
“Sinh viên cần giữ tâm thế “đầu tư” chứng khoán chứ không phải “chơi” chứng khoán. Nghĩa là sinh viên cần có sự nghiêm túc nếu muốn bắt đầu. Không bắt đầu khi chưa tìm hiểu kỹ”, bà Ý nói.
Bà khuyên sinh viên nên tìm hiểu ngay từ chính các môn học liên quan đến thị trường, đầu tư, chứng khoán trong trường đại học. Kế đó, các công ty chứng khoán đều có các nền tảng mở trên mạng để các bạn tìm hiểu và học hỏi miễn phí.
Ngoài ra, nhiều trường đại học thường tổ chức những cuộc thi trải nghiệm đầu tư chứng khoán, cũng là kênh các bạn có thể thử trước khi bước vào đầu tư thật.
“Đặc biệt thị trường chứng khoán có nhiều rủi ro, vì vậy sinh viên không nên đầu tư quá nhiều tiền, vay mượn hoặc nhịn ăn để đầu tư. Chỉ nên sử dụng số tiền nhàn rỗi sau khi đã đảm bảo các chi phí học tập và sinh hoạt nếu muốn bắt đầu đầu tư”, bà Ý nói.
Rèn luyện kỹ năng mềm từ năm nhất
Cũng tại sự kiện, bà Bùi Đặng Duyên Mai – giám đốc đối ngoại, truyền thông và phát triển bền vững của Coca‐Cola Việt Nam và Campuchia – cho rằng các sinh viên gen Z có lợi thế tiếp xúc với công nghệ từ khi còn rất nhỏ. Nhờ vậy, các bạn có điều kiện tự học tốt và nhanh hơn.
Tuy nhiên bà lưu ý sinh viên cần sử dụng công nghệ một cách thông minh, không để bị phân tâm bởi mạng xã hội hay những thông tin không cần thiết.
Ngoài ra theo bà Mai, việc sở hữu nhiều kỹ năng mềm trong đời thực thay vì chỉ trong không gian số sẽ giúp các bạn trẻ có thêm lợi thế. Vì vậy, sinh viên nên chú trọng rèn luyện các kỹ năng này ngay từ năm nhất, ví dụ kỹ năng giao tiếp, thuyết trình và làm việc nhóm.
“Sinh viên có thể rèn luyện ngay trong các tiết học trên lớp, các hoạt động sinh viên và trong các chương trình được giao lưu học hỏi với đại diện các doanh nghiệp”, bà Mai nói.