Trang bị kiến thức cho học sinh
Theo đó, các em học sinh Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10, TP.HCM) được nghe diễn kịch, nghe chuyên gia chia sẻ những cách phòng chống và bảo vệ an toàn bản thân trước những tình huống xấu.
Câu chuyện “Món quà đắt giá” do học sinh của trường biểu diễn cho thấy lứa tuổi học sinh, đặc biệt là học sinh khiếm thị rất dễ bị rơi vào tình huống xâm hại nhưng các em không hay biết.
ThS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – chuyên viên âm ngữ trị liệu – đã chỉ ra những bộ phận riêng tư trên cơ thể của trẻ mà người lạ có thể đụng chạm, những tình huống để học sinh nhận biết người lạ đang có ý đồ lợi dụng.
“Khi các em khiếm thị đi ngoài đường, đột nhiên có người đến ngỏ ý dẫn các em qua đường hoặc cho tiền, nếu họ có hành động quá đà, các em phải kêu cứu để người khác giúp đỡ.
Phải giữ khoảng cách an toàn cho chính mình, không nhận quà và đồ của người lạ, không đi một mình ở nơi tối, không gặp những người xa lạ mà mình quen qua mạng.
Các em có quyền nói ‘không’ với những hành động không đúng. Khi có người lợi dụng, có cử chỉ và hành động không tốt, phải lên tiếng cho người nhà hoặc những ai mà các em tin tưởng để tìm kiếm sự giúp đỡ” – cô Hạnh chia sẻ.
Chuyên đề bổ ích cho trẻ
Cô Nguyễn Thị Thanh Huệ – hiệu trưởng Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10, TP.HCM) – nhận xét đây là chuyên đề bổ ích và có ý nghĩa với trẻ khiếm thị.
“Do các em hạn chế trong việc tiếp cận với phương tiện truyền thông, ở trường giáo viên cũng không truyền tải hết nên chúng tôi xây dựng thêm những buổi chia sẻ như thế này.
Thông qua chuyên đề, các bạn nhận diện được xâm hại về bạo lực và tình dục là vấn đề không phải riêng ở nhà trường mà còn của toàn xã hội. Chuyên đề để các bạn biết và có biện pháp thoát khỏi bạo lực khi rơi vào tình huống không mong muốn.
Dự kiến năm học này, nhà trường sẽ xây dựng 3 chuyên đề chia sẻ cho cả phụ huynh và học sinh liên quan đến vấn đề an toàn và giới tính” – cô Huệ nói.
Em Lâm Quốc Thái (học sinh lớp 7) chia sẻ: “Những người như tụi em rất dễ bị xâm hại và bị lợi dụng, có khi họ chỉ nói là vô tình nhưng sự ẩn ý của họ sâu hơn. Sau khi nghe chuyên đề, em rút ra được các kỹ năng không được cho người lạ đụng vào những vùng ngạy cảm, không đi nơi hoang vắng khi chỉ đi một mình, tránh tiếp xúc với người mới gặp”.
Em Đặng Hải My (học sinh lớp 4) bộc bạch: “Chuyên đề này rất bổ ích, giúp em biết được rằng những nguy cơ có thể bị xâm hại. Em thích tham gia những buổi chia sẻ như thế này, giúp em có thêm nhiều kiến thức bảo vệ bản thân”.