Tại buổi họp phụ huynh đầu năm học 2024 – 2025 của một trường ở TP.HCM, cha mẹ học sinh vào lớp để họp với giáo viên chủ nhiệm. Sau khi giáo viên thông báo các hoạt động của trường trong năm là đến phần bầu ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp.
Từ “quỹ lớp” đến “tài trợ cho giáo dục”
Dưới sự giới thiệu của giáo viên chủ nhiệm, ba vị đại diện cha mẹ học sinh của lớp được phụ huynh thông qua nhanh chóng.
“Tôi từng làm ban đại diện của lớp con khi bé học mầm non. Nhưng lên lớp 1 tôi cũng là phụ huynh mới, chưa hiểu nhu cầu các con là gì. Được sự tín nhiệm của cô giáo chủ nhiệm, sự đồng ý của các phụ huynh ở đây, tôi xin nhận nhiệm vụ” – vị trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp nói.
Sau đó, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp “xin ý kiến” phụ huynh về “quỹ lớp”. Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh đưa ra mức thu để phụ huynh giơ tay biểu quyết. Sau quỹ lớp, ban đại diện tiếp tục đề cập đến tài trợ giáo dục cho nhà trường…
Tại một cuộc họp phụ huynh đầu năm học 2024 – 2025 ở một trường phổ thông, phụ huynh các khối lớp được mời đến họp theo thư mời của giáo viên chủ nhiệm. Cuộc họp này cũng như cuộc họp nói trên, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp được “giơ tay biểu quyết” hầu như chỉ nói về các khoản thu cho quỹ lớp, quỹ trường.
Nhiều ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, của trường đề cập nhiều thứ khiến phụ huynh “bấm bụng” theo như: “Lớp này cần thay máy chiếu, máy chiếu như thế này nhìn không rõ nữa…”; “Rèm cửa này cũ rồi, nhìn nhếch nhác”, “Tường này bẩn quá, sơn lại tường mới cho các con học; lát lại gạch nền khác”…
“Nói họp phụ huynh đầu năm nhưng phụ huynh ứng cử tham gia ban đại diện cha mẹ học sinh thì giáo viên cũng không đồng ý. Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp có rồi thì cũng chỉ thu tiền là chủ yếu, chẳng nhóm họp để cùng trao đổi với cô, với trường về học hành hay nâng cao chất lượng giáo dục gì” – chị Tâm, phụ huynh học sinh một trường phổ thông tại TP.HCM, bức xúc.
Ban đại diện lớp như tôi làm theo thói quen, theo suy nghĩ, cái nào vướng thì hỏi cô giáo, hỏi mấy anh chị làm trước. Nói thật là thấy cần thì làm cho lớp chứ cũng không biết thế nào là đúng, thế nào là sai. Vì chúng tôi cũng chẳng được ai hướng dẫn làm thế nào cho đúng.
Chị PHƯƠNG (trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh một lớp học ở TP.HCM)
Quy định ra sao?
Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT đã nói rõ về điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh. Theo đó, ban đại diện cha mẹ học sinh được tổ chức trong mỗi năm học, do cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh đang theo học ở từng lớp, từng trường cử ra để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục.
Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có các nhiệm vụ: phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp cha mẹ học sinh trong năm học; tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập, giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác.
Về kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, nguồn kinh phí này có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác.
Việc quản lý và sử dụng kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh do trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất ý kiến.
Việc thu chi này phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh…
Không thu quỹ lớp, quỹ trường
Tại Trường tiểu học Võ Trường Toản (quận 10, TP.HCM) năm học 2024 – 2025, trường không thu quỹ lớp, quỹ trường. Nhà trường giao trách nhiệm cho từng giáo viên chủ nhiệm quán triệt với ban đại diện cha mẹ học sinh lớp không thực hiện thu quỹ lớp, quỹ trường. Nếu xảy ra việc thu này, giáo viên chủ nhiệm phụ trách lớp phải chịu trách nhiệm.
“Chúng tôi thực hiện theo thông tư 55 và thông tư 16 về thu chi. Các khoản xã hội hóa giáo dục phải thực hiện theo công trình và đúng hướng dẫn của thông tư 16 về vận động tài trợ trong giáo dục” – cô Đỗ Thị Mỹ Hòa, hiệu trưởng nhà trường, thông tin.
Cần hướng dẫn để thực hiện đúng
Ông Cao Thanh Bình, trưởng Ban văn hóa xã hội Hội đồng nhân dân TP.HCM, cho biết những năm qua ban này đã thực hiện nhiều đợt khảo sát về các khoản thu chi ở trường học, hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh trường, lớp.
Hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường được quy định cụ thể trong thông tư 55 của Bộ GD-ĐT; hoạt động tài trợ cho giáo dục thực hiện theo thông tư 16/2018/TT-BGDĐT. Tuy nhiên vẫn có không ít trường và nhiều ban đại diện trường, lớp thường nhầm lẫn giữa hai thông tư này, dẫn đến ban đại diện cũng thực hiện không đúng chức trách nhiệm vụ.
Theo ông Bình, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng như các trường cần có hướng dẫn để ban đại diện trường, lớp thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ và đúng theo quy định.