Nỗi niềm ban đại diện cha mẹ học sinh biến thành ‘ban thu tiền’

Phụ huynh tham quan giờ ăn bán trú của học sinh Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Sự nhập nhằng trong việc vận động và sử dụng kinh phí của nhiều ban đại diện cha mẹ học sinh khiến các phụ huynh bức xúc.

Lạm quyền

Anh N.H.Th., trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh một lớp ở trường trung học thuộc quận 7, TP.HCM, cho biết điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh của Bộ GD-ĐT cho phép vận động kinh phí “từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác” để hoạt động. Đáng lẽ ra, ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu quỹ mà khi nào có hoạt động gì mới kêu gọi phụ huynh đóng góp. Nhưng như thế thì rất mất công.

“Đầu năm học, chúng tôi sẽ dự toán các khoản chi đồng thời chia đều cho sĩ số học sinh trong lớp để có con số bình quân mỗi phụ huynh cần đóng bao nhiêu tiền. Khi mang ra cuộc họp, tôi nói rất rõ từng khoản một, nhưng tôi luôn luôn nhấn mạnh rằng con số bình quân là như thế, các anh chị có điều kiện thì đóng đúng như vậy hoặc đóng nhiều hơn, hoặc không đóng. Đây là tự nguyện. 

Mà thực tế có phụ huynh không đóng, chúng tôi cũng không nhắc, huy động được bao nhiêu sử dụng bấy nhiêu. Tôi còn nhấn mạnh là gia đình nào khó khăn vui lòng nhắn cho tôi hoặc cô chủ nhiệm để chúng tôi có kế hoạch trao học bổng cho các con. Vì vậy, nhiều năm lớp chúng tôi không có điều tiếng gì”, anh Th. nói.

Vậy thì bức xúc bắt nguồn từ đâu? Câu trả lời là từ sự “lạm quyền” của một số người làm công tác ban đại diện cha mẹ học sinh.

“Đa số phụ huynh làm ban đại diện cha mẹ học sinh thuộc diện kinh tế khá giả. Thế nên, họ “vẽ” ra rất nhiều khoản để ủng hộ cho nhà trường. Phòng học lát gạch men còn rất mới mà đòi gỡ ra để làm sàn gỗ. 

Trong lớp có mình tôi phản đối, còn một số khác không đồng tình nhưng không dám phát biểu. Thế là họ quyết định làm sàn gỗ với phương thức chia đều trên đầu học sinh. Trong khi văn bản của Bộ GD-ĐT nói rất rõ là: “Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân”. 

Biết là sai nhưng họ vẫn làm, mà nhà trường “bật đèn xanh” cho họ làm. Ghê gớm ở chỗ là những ai không đóng thì trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp gọi cho từng người nhắc nhở, cuối cùng tôi vẫn phải đóng”, chị L., phụ huynh có hai con học tiểu học ở TP.HCM, kể.

Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT ghi rõ: “Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất ý kiến”. Nhưng trên thực tế, nhiều người đã tự quyết định việc sử dụng kinh phí.

Năm học 2023 – 2024, một nhóm phụ huynh lớp 9 trường trung học nổi tiếng của TP.HCM đã đi kiện vì ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đã tự ý chi hết 19 triệu đồng tiền quỹ cho hoạt động thi biểu diễn văn nghệ mừng ngày 20-11 của lớp.

“Chúng tôi không hề biết đến việc ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đi thuê biên dạo, thuê trang phục, chi ăn uống… trong khi đội văn nghệ lớp chỉ có hơn 10 học sinh chủ yếu là con em của những vị này. 

Chưa hết, họ còn tự ý lấy tiền quỹ chi hỗ trợ cho cô bảo mẫu và nhờ cô giặt giùm áo gối, mền… Khi có phụ huynh phản ứng, muốn tập cho con kỹ năng tự phục vụ và đề nghị “ai có nhu cầu thì nhờ cô giặt với tư cách cá nhân và tự bỏ tiền cá nhân ra để trả” thì học sinh là con của phụ huynh đó bị cả lớp cô lập, bạo lực tinh thần”, nhóm phụ huynh phản ánh.

Nếu nói ban đại diện cha mẹ học sinh là “ban thu tiền” cũng không sai, nhưng oan cho chúng tôi quá. Ban muốn hoạt động thì phải có kinh phí. Mà muốn có kinh phí thì phải kêu gọi các phụ huynh đóng góp.

Anh N.H.TH. (trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh một lớp ở trường trung học thuộc quận 7, TP.HCM)

Nhập nhằng, bình phong

Ngoài ra, nhiều trường còn nhập nhằng giữa kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh và kinh phí tài trợ cho giáo dục khiến hình ảnh ban đại diện cha mẹ học sinh trở nên xấu xí, bị mang tiếng là “cánh tay nối dài của hiệu trưởng”.

Anh H.Tr.V., nguyên trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của một trường tiểu học ở nội thành TP.HCM, chia sẻ: “Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh đã quy định rõ ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; 

Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh như: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; 

Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Thế nhưng trên thực tế, một số hiệu trưởng muốn lấy ban đại diện cha mẹ học sinh làm bình phong. Hồi con tôi học lớp 4, chúng tôi cũng được ban giám hiệu nhà trường mời lên đề nghị vận động phụ huynh đóng góp để sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới nhà vệ sinh của trường. 

Tôi trả lời ngay rằng nhà vệ sinh đang xuống cấp trầm trọng, cần sửa chữa ngay. Nhưng ban đại diện cha mẹ học sinh không thể đứng ra để làm nhiệm vụ này vì như thế là sai quy định. Thay vào đó, nhà trường phải đứng ra vận động phụ huynh tài trợ cho giáo dục theo đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT ở thông tư 16″.

Tuy vậy, anh V. thừa nhận không phải ai cũng dám từ chối. Nhiều người nắm rất rõ các quy định, quy chế nhưng nể hiệu trưởng nên đành gật đầu. Cũng có một số người không biết đến thông tư 16 về tài trợ cho giáo dục, thông tư 55 về điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh nên nhà trường yêu cầu làm gì cũng làm theo.

“Nhà trường không biết”

Đã có chuyện ban đại diện cha mẹ học sinh của một trường ở TP.HCM đứng ra vận động phụ huynh đóng góp để sơn lại toàn bộ các phòng học, mua máy chiếu, mua bảng tương tác, thuê thêm tạp vụ dọn dẹp nhà vệ sinh…

Xong có phụ huynh đi kiện, nhà báo xuống xác minh, ngay lập tức hiệu trưởng mời trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh vào làm việc với nhà báo và nói rằng: cái này là do ban đại diện cha mẹ học sinh tự vận động chứ nhà trường không biết (?)”.

Anh H.Tr.V. (nguyên trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của một trường tiểu học ở nội thành TP.HCM)

Nỗi niềm 'ban thu tiền' - Ảnh 2.

Tuyến bài về ban đại diện cha mẹ học sinh trên báo Tuổi Trẻ thu hút sự quan tâm củabạn đọc – Ảnh chụp trang báo ra ngày 8-10

Ban đại diện cha mẹ học sinh cần định hướng của nhà trường

Tôi đã làm ban đại diện cha mẹ học sinh trường và cả ban đại diện cha mẹ học sinh lớp từ khi con gái học lớp 1 đến nay cháu đã lên lớp 2. Nói một cách chính xác thì chúng tôi là những người “đi vác tù và hàng tổng”.

Vì muốn đồng hành với việc học tập của con nên nhận làm chứ nhiều lúc cũng mệt mỏi lắm. Ban đại diện cha mẹ học sinh là chiếc “cầu nối” giữa nhà trường và các phụ huynh nên có việc gì là trường gọi, phụ huynh trong lớp réo tên.

Từ chuyện bữa ăn bán trú dở quá, ít chất đạm quá, đến việc hai học sinh trong trường đánh nhau… tôi đều phải có mặt để dự các cuộc họp, trong khi tôi vẫn phải đi làm như bao phụ huynh khác.

Thông tư 55 về điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh của Bộ GD-ĐT quy định: “Ban đại diện cha mẹ học sinh phối hợp với giáo viên và nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; tham gia giáo dục đạo đức; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập;

Giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật; tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh của lớp về biện pháp quản lý giáo dục học sinh để kiến nghị cụ thể với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn về biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, chất lượng dạy học; phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục truyền thống, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao…”.

Tôi nắm rất rõ quy định này nhưng làm như thế nào thì tôi không biết. Thâm tâm tôi mong muốn và khát khao thực hiện việc “phối hợp với giáo viên và nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; bồi dưỡng học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém”. Nhưng chúng tôi đâu có được đào tạo làm ban đại diện cha mẹ học sinh, bây giờ phải bắt đầu như thế nào?

Đáng lẽ ban giám hiệu nhà trường phải định hướng cho ban đại diện cha mẹ học sinh để chúng tôi làm tốt các nhiệm vụ trên. Chứ thực tế, nhà trường toàn nhờ chúng tôi vận động phụ huynh đóng góp tiền bạc để xây dựng, sửa sang cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học… Thành ra ban đại diện cha mẹ học sinh mang tiếng là “ban thu tiền”.

Chị Thanh Hằng (trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh một trường tiểu học ở TP.HCM)

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *