Ngày 9-10, theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, khoa bỏng – chỉnh trực Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận và điều trị cho một bé trai bị tai nạn sinh hoạt, khiến 3 ngón tay bị đứt lìa.
Bé L.M.Đ., 6 tuổi, ngụ Tây Ninh, được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng vết thương đứt lìa ngón 3, 4, 5 bàn tay trái.
Mẹ của bệnh nhi kể tai nạn xảy ra khi Đ. chơi cùng các bạn gần nhà. Đ. cùng các bạn lén dùng dao bổ quả mít nhưng xảy ra sự cố, bé Đ. bị đứt lìa ba ngón tay trái.
Người nhà bé Đ. chỉ tìm thấy ngón tay thứ 4 và nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện địa phương cầm máu, tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị.
Ngay khi tiếp nhận, BSCK1 Nguyễn Thị Ngọc Ngà, phó khoa bỏng – chỉnh trực, và các cộng sự đã phẫu thuật khâu nối vi phẫu xuyên đêm cho bệnh nhi.
Theo bác sĩ Ngà, do bệnh nhi là trẻ lớn, mặt cắt gọn, phần ngón tay đứt lìa được bảo quản cẩn thận, nên trải qua hơn ba giờ kíp mổ đã khâu nối xong vết thương.
Các trẻ em bị đứt lìa ngón tay, chân phần lớn do bất cẩn trong sinh hoạt
Liên quan đến các trường hợp này, bác sĩ Ngọc Ngà thông tin đây là các vết thương phức tạp, thường gặp, phần lớn do trẻ bất cẩn trong quá trình sinh hoạt.
Di chứng của các vết thương rất cần được lưu tâm. Đa phần các vết thương ở vị trí tay, chân của trẻ, với chức năng cầm nắm, cử động thường xuyên.
May mắn so với người lớn, khả năng phục hồi ở trẻ tốt hơn. Khâu nối thành công sẽ giúp tái lập tuần hoàn mới, phục hồi chức năng, tránh co rút, nhiễm trùng, tránh được các di chứng. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc nhiều vào quy mô, tình trạng của vết thương.
Kịp thời xử trí các vết thương ngay khi vừa gặp phải sự cố nhằm phục vụ tốt trong việc điều trị. Bác sĩ Ngà khuyến cáo khi gặp sự cố, cần ưu tiên cầm máu bằng băng gạc, hay dùng khăn, vải sạch quấn lại và đến cơ sở y tế gần nhất.
Với các bộ phận bị đứt lìa nên bảo quản, tránh nhiễm trùng. Nếu có nghi ngờ tai nạn ảnh hưởng đến xương, nên dùng nẹp cố định trong quá trình di chuyển.