Ban đại diện cha mẹ học sinh: Có những người ‘vác tù và’ dễ thương

“Con tôi học ở Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM từ năm 2016 – 2023. Và tôi chỉ tham gia công tác BĐDCMHS những năm con học cấp THCS.

Những năm ấy, chúng tôi cũng vận động phụ huynh đóng góp tiền bạc nhưng mọi việc diễn ra khá suôn sẻ. Đó là nhờ nguyên tắc đóng góp tự nguyện” – PGS.TS Vũ Thị Hạnh Thu, giảng viên khoa vật lý Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), chia sẻ.

Đừng ép phụ huynh phải “tự nguyện”

Theo bà Thu, một số trường hợp gây bức xúc cho phụ huynh chính là việc BĐDCMHS ép họ phải tự nguyện đóng góp. “Còn ở lớp của con tôi ngày xưa, BĐDCMHS trình bày cụ thể rằng bàn ghế trong lớp cũ quá, bảng thì rất mờ… nếu chờ nhà trường thay mới sẽ rất lâu nên nếu có thể được thì phụ huynh tự đóng góp để mua sắm.

Việc đóng góp này là tự nguyện, không bắt buộc và trên thực tế lớp của con tôi cũng có vài phụ huynh không đóng. Riêng một trường hợp phụ huynh có đóng nhưng BĐDCMHS chúng tôi không nhận vì hoàn cảnh gia đình học sinh này khá đặc biệt, neo đơn. Để BĐDCMHS lớp có đủ kinh phí hoạt động, chúng tôi chia phần còn thiếu ra, mỗi người góp thêm một ít cho đủ”, bà Thu nói.

Tương tự, bà Đinh Tuyết Trâm, nguyên trưởng BĐDCMHS Trường mầm non Bé Ngoan, nguyên phó trưởng BĐDCMHS Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, cũng thừa nhận đã huy động phụ huynh đóng góp dựa trên tinh thần tự nguyện chứ đừng truy đến cùng, bắt họ phải đóng góp là rất dễ gây ra bức xúc, kiện cáo.

“Đầu năm học, chúng tôi sẽ đưa ra bảng dự chi với những hoạt động cụ thể để cho phụ huynh góp ý. Nhưng nhiều khi đã thống nhất rồi mà vẫn có phụ huynh không đóng, có thể vì họ khó khăn hoặc có thể họ không đồng tình nhưng không nói, cái này BĐDCMHS phải tôn trọng quyết định của họ. Và giải pháp là BĐDCMHS chúng tôi góp thêm mỗi người một ít bù vào khoản đang thiếu”, bà Trâm bộc bạch.

Bà Trâm cho rằng những việc có liên quan đến tiền bạc là rất nhạy cảm. Thế nên BĐDCMHS không chỉ khéo ăn nói mà phải công khai, minh bạch trong thu – chi. Đặc biệt, BĐDCMHS không được lạm quyền.

“Lớp của con tôi từng huy động gần 100 triệu đồng để mua bảng tương tác. Khi đã có đủ tiền, chúng tôi hỏi trong group phụ huynh là có vị nào làm việc trong ngành hoặc có hiểu biết, quen biết với các nhà cung cấp bảng tương tác không? Nếu có thì mời phụ huynh đó cùng với BĐDCMHS đi chọn mua.

Chúng tôi dành ra một buổi sáng đi đến các đơn vị cung cấp bảng tương tác để xem, sau đó báo cáo trong group phụ huynh về từng loại bảng, giá tiền, ưu, nhược điểm… để phụ huynh cùng chọn lựa. Tiền là tiền chung của cả tập thể phụ huynh lớp, 1 đồng cũng là mồ hôi công sức của phụ huynh, BĐDCMHS phải sử dụng nó phù hợp, không lãng phí thì mới thuyết phục được”, bà Trâm nói thêm.

Tiền dễ, trí lực mới khó

“Việc vận động phụ huynh đóng góp kinh phí là dễ làm nhất nên nhiều trường đang quá chú trọng vào việc này. Trên thực tế, việc vận động phụ huynh đóng góp công sức, thời gian, trí tuệ vào quá trình giáo dục học sinh mới thực sự là khó. Nhưng tôi cho rằng đó mới thực sự có ý nghĩa và mang giá trị nhân văn”, PGS Vũ Thị Hạnh Thu khẳng định.

Bà Thu tư vấn: “Ban giám hiệu các trường cần gợi ý để BĐDCMHS thực hiện. Như ở Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, thầy hiệu trưởng có ngỏ ý với BĐDCMHS rằng nhà trường đang đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học cho học sinh, cần phụ huynh tham gia tập huấn cho các em về kỹ năng nghiên cứu khoa học, hỗ trợ các nhóm trong những đề tài nghiên cứu cụ thể.

Thế là BĐDCMHS thông báo lời ngỏ của thầy hiệu trưởng đến tất cả phụ huynh trong lớp. Kết quả là không chỉ có mình tôi mà còn có thêm một số giáo viên, giảng viên khác cũng sắp xếp thời gian để hỗ trợ các con nghiên cứu khoa học. Thậm chí, khi học sinh trong trường muốn đến phòng lab lý, hóa ở trường đại học để nghiên cứu, chúng tôi cũng tạo điều kiện.

BĐDCMHS lớp của con tôi còn tổ chức lớp ôn tập vật lý, hóa học cho các con trước khi học sinh kiểm tra cuối học kỳ; tổ chức lớp học để thi lấy chứng chỉ tin học quốc tế… Cứ cái gì tốt cho học sinh, cho con em mình là chúng tôi làm”.

Hiệu trưởng một số trường mầm non, tiểu học ở TP.HCM bày tỏ nếu không có sự chung tay của BĐDCMHS thì nhà trường rất khó thực hiện các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa… cho học sinh.

Bà Đinh Tuyết Trâm kể hiện nay các nhà trường đều đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống… cho học sinh như lễ hội xuân yêu thương, hội thi làm lồng đèn, hội thi cắm hoa, hội thi bày mâm quả Tết Trung thu, hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng, bánh tét; những hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường…

“Học sinh mầm non, tiểu học không thể đi mua nguyên vật liệu chuẩn bị cho những hoạt động ấy. Chưa kể, đối với những hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường thì lại càng cần có thêm người lớn đi theo để hỗ trợ giáo viên trong công tác tổ chức, bảo đảm an toàn cho học sinh. 

Mà thời nay phụ huynh nào cũng bận rộn, phụ huynh nào cũng phải đi làm. Vậy mà chúng tôi phải sắp xếp công việc, dành ra một buổi hoặc thậm chí cả ngày để đồng hành cùng các con, hỗ trợ giáo viên trong quá trình tổ chức”, bà Trâm nói.

Loay hoay không biết từ đâu

Trong quá trình đi thực tế để thực hiện loạt bài viết về BĐDCMHS, người viết bài này nhận được tâm tư của nhiều phụ huynh hiện đang làm trong BĐDCMHS ở các trường phổ thông trên địa bàn TP.HCM. Rằng họ mong muốn được góp công chứ không chỉ góp của. Nhưng họ loay hoay không biết bắt đầu từ đâu, phải làm như thế nào.

Mất tiền, bị chửi mà… vẫn cười

Ban đại diện cha mẹ học sinh: đại diện cho ai: Có những người 'vác tù và' dễ thương - Ảnh 2.

Bà Đinh Tuyết Trâm đồng hành cùng con trong một hoạt động trải nghiệm ở Trường mầm non Bé Ngoan, quận 1, TP.HCM – Ảnh: NVCC

Nhiều người thường lên án BĐDCMHS hay “vẽ” ra khoản này khoản kia để thu tiền, rằng cơ sở vật chất của nhà trường thì để Nhà nước lo, hà cớ gì BĐDCMHS đứng ra đòi mua sắm. Mà họ không biết rằng trong bối cảnh ngân sách nhà nước chi cho giáo dục như hiện nay thì các trường công lập chỉ được trang bị cơ sở vật chất ở mức cơ bản, tối thiểu.

Ví dụ phòng học chỉ được Nhà nước trang bị quạt máy trong khi thời tiết ở TP.HCM luôn nóng nực. Phụ huynh muốn con em mình được học hành trong môi trường tốt thì phải trang bị máy lạnh.

Hơn thế nữa, thời đại công nghệ 4.0 nhưng hiện ở TP.HCM có mấy trường được Nhà nước trang bị bảng tương tác? Nếu có thì cũng sử dụng chung ở hội trường, thỉnh thoảng học sinh mới được vào học.

Chưa hết, chúng ta đang sống trong thời đại số, hầu hết các cơ quan, đơn vị đều cấp máy tính cho nhân viên nếu công việc của họ phải làm việc trên máy tính. Nhưng ngành giáo dục lại không cấp máy tính cho giáo viên. Thế thì các thầy cô giáo lấy đâu ra phương tiện để sử dụng bài giảng số, đổi mới phương pháp giảng dạy?

Giờ phụ huynh muốn con mình được học những tiết học sinh động, có hình ảnh, clip… đương nhiên phải đóng góp để mua sắm bảng tương tác hay ít ra thì cũng phải sắm máy chiếu, tivi. Ở lớp của con tôi, thường tôi sẽ nói với các phụ huynh là BĐDCMHS sẽ xin ban giám hiệu trường cho lớp sử dụng phòng học đó trong suốt cấp học, chúng ta bỏ tiền ra để mua sắm thiết bị thì con chúng ta là người thụ hưởng trực tiếp mà.

Còn nếu phải chuyển sang phòng học khác thì chúng tôi sẽ tháo hết các thiết bị mang đi. Tôi đọc báo và rất ngạc nhiên khi thấy một số lớp năm nay mua máy lạnh xong năm học sau lại đóng tiền mua máy lạnh vì chuyển sang học phòng khác. Vai trò của BĐDCMHS ở đâu mà lại để xảy ra tình trạng này? Như thế phụ huynh bức xúc là phải rồi.

Cách đây mấy hôm, những phụ huynh từng làm công tác BĐDCMHS có dịp gặp nhau, chúng tôi đã đúc kết rằng BĐDCMHS là những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, thường bị phụ huynh chửi, thường móc tiền túi ra để bù vào những khoản thiếu trong các công trình, hoạt động của trường, của lớp nhưng vẫn phải cười hề hề với tinh thần “dĩ hòa vi quý”…

Bà Đinh Tuyết Trâm (nguyên trưởng BĐDCMHS Trường mầm non Bé Ngoan, nguyên phó trưởng BĐDCMHS Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM)

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *