Đại biểu Quốc hội: ‘Nói nhà giáo là đối tượng yếu thế, thu nhập thấp là không đúng’

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Ảnh: GIA HÂN

Tại dự Luật Nhà giáo mới nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo (cơ quan chủ trì soạn thảo) đã đề xuất miễn học phí với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác.

Căn cứ độ tuổi của giáo viên và dự tính độ tuổi các con, mức chi dự kiến khoảng 9.200 tỉ đồng mỗi năm.

Dễ bị đánh giá mang tính “lợi ích nhóm”

Xung quanh đề xuất này, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho hay cá nhân bà ủng hộ có một số ưu đãi, cơ chế, chính sách đặc thù và khẳng định vai trò, vị trí của giáo viên trong xã hội.

Tuy nhiên, đối với đề xuất miễn học phí cho con giáo viên, bà Nga bày tỏ còn nhiều băn khoăn nên đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải có đánh giá tác động rất kỹ càng.

Theo bà Nga, nếu thực hiện chính sách này thì số lượng được miễn sẽ rất lớn, bởi so với các ngành nghề khác, giáo viên đang chiếm số lượng lớn.

Thêm vào đó, nếu thực hiện chỉ có thể miễn đối với khối công lập còn không thể yêu cầu với khối ngoài công lập được.

“Nếu việc miễn này được thực hiện thì ngân sách Nhà nước sẽ phải bù ra.

Số ngân sách này sẽ lấy từ đâu và chưa kể với tình hình còn nhiều khó khăn như hiện nay thì việc cứ chi thêm thế này ngân sách có chịu được không?”, bà Nga đặt vấn đề.

Cùng với đó, lương giáo viên đang được đề nghị xếp ở mức cao nhất trong thang, bảng lương khối hành chính sự nghiệp.

Khi so sánh với các ngành, nghề, viên chức khác chỉ có một bộ phận nhà giáo có lương, thu nhập thấp còn bộ phận khác có lương, thu nhập cao hơn.

“Khi một bộ phận giáo viên có thu nhập cao hơn các ngành, nghề, viên chức mà lại có các chính sách như miễn học phí cho con liệu có phù hợp? Nhất là khi trong tương quan xã hội còn có đối tượng yếu thế hơn mà chúng ta chưa có chính sách này”, bà Nga đặt vấn đề.

Nữ đại biểu chỉ rõ không chỉ bà mà rất nhiều ý kiến các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn về đề xuất này.

“Chúng ta cần có những chính sách đặc thù với nhà giáo, nhưng với chính sách này cần rà soát, đánh giá tác động rất kỹ trước khi quyết định.

Cơ quan soạn thảo cần giải trình rõ lý do về đề xuất này chứ không thể xây dựng chính sách trên cơ sở cảm tính, nói để tôn vinh nhà giáo hay nhà giáo là đối tượng yếu thế, thu nhập thấp là không đúng, không hợp lý”, bà Nga nêu thêm.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, ủy viên Ủy ban Pháp luật nói không đồng tình với đề xuất này, bởi có thể tạo ra sự không công bằng giữa các ngành nghề, lĩnh vực.

Ông cho rằng, đề xuất này của cơ quan soạn thảo có thể dễ bị dư luận đánh giá mang tính “lợi ích nhóm” cho riêng ngành mình.

Nhiều tranh luận của bạn đọc

Trước đó, xung quanh đề xuất miễn học phí từ mầm non đến đại học cho con nhà giáo, bạn đọc Tuổi Trẻ Online đã có những tranh luận khác nhau.

Bạn đọc thep****@gmail.com nghĩ rằng đây là đề xuất rất hay. Lương thầy cô giáo tốt nghiệp đại học lương tầm 6 triệu mà hè không được nhận đủ, còn cô giáo mầm non càng thấp nữa. Giáo dục là ngành cần được quan tâm và tạo điều kiện cho thầy cô cả nước có thể làm tốt vai trò trồng người!

Đồng quan điểm, bạn đọc T.Kiet bình luận: “Cần phải quay lại giáo dục là quốc sách hàng đầu thì mới chấn hưng đất nước và dân tộc được. Cho nên không thể cào bằng các ngành nghề như nhau được”.

Trong khi đó theo bạn đọc Thảo, “chỉ cần ưu đãi tốt cho giáo viên đang làm nhiệm vụ là được rồi. Còn miễn học phí cho con em ngành giáo dục thì phải coi lại! Vì phụ huynh con em các ngành khác thì sao . Họ cũng thu nhập thấp và cũng cống hiến cho xã hội vậy. Làm không khéo vô tình phát sinh tiêu cực”.

Một bạn đọc khác cho biết: “Tôi là giảng viên trường tư thục, vợ tôi là giáo viên trường công lập, dù biết rằng nếu chính sách này được áp dụng thì chúng tôi sẽ được hưởng lợi, nhưng cá nhân tôi không ủng hộ. Công việc thiện lương nào cũng cao quý và cũng cần được coi trọng cả!”.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *