Bác sĩ khuyên 12 mẹo khuyến khích trẻ em tập thể dục trong dịp hè

Trẻ em được cha mẹ cho đi chơi trong những ngày nghỉ hè – Ảnh: THÙY DƯƠNG

Nghỉ hè, bé P.T.N. (10 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) đang cùng với cha mẹ và ông bà nội ở trong một căn nhà chừng hơn 40m2. Ba mẹ bé đi làm cả ngày, nên bé ở trong nhà với ông bà và thường mở tivi xem phim hoạt hình, khi nào không muốn xem tivi nữa thì mượn điện thoại của ông nội chơi game, chứ không có giờ tập thể dục.

Trong thực tế trẻ em và thanh thiếu niên dành hàng giờ mỗi ngày trước tivi, thiết bị di động và máy tính, xem video, chơi trò chơi hoặc sử dụng mạng xã hội, nhất là trong mùa hè.

Bác sĩ Võ Duy Linh, khoa chỉnh hình nhi Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, cho biết có 12 mẹo để khuyến khích trẻ tập thể dục.

1. Cả gia đình cùng cố gắng hoạt động, làm gương cho con, thay vì chỉ yêu cầu con. Hãy hoạt động thể chất và truyền cảm hứng cho con.

2. Đặt ra giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử cho con. Tránh sử dụng màn hình, ngoại trừ cuộc gọi video có giám sát đối với trẻ dưới 2 tuổi. Trẻ lớn hơn không nên xem màn hình nhiều hơn 1-2 giờ mỗi ngày.

3. Làm cho thời gian tập thể dục trở nên thú vị, đa dạng để trẻ mong chờ được tập thể dục. Có thể thêm các hoạt động vui nhộn như đi dạo trong thiên nhiên, trò chơi ngoài trời, bơi lội hoặc hoạt động nhóm với bạn bè và gia đình.

4. Tránh trách con bằng những cụm từ như “con quá lười biếng!” hoặc “con chưa hoạt động đủ!” có thể gây hại nhiều hơn cho con bạn. Lập một lịch trình ổn định cho con bao gồm thời gian tập thể dục, vệ sinh, ngủ, nghỉ ngơi, học tập và giải trí. Điều này sẽ giúp con hình thành thói quen và coi việc tập thể dục là một phần thiết yếu trong đời sống.

6. Tôn trọng sự lựa chọn của con. Nếu bạn ép buộc con theo đuổi một môn thể thao hoặc hoạt động nào đó, khả năng cao là trẻ sẽ sớm từ bỏ. Thay vào đó hãy hỏi con xem con thích hoạt động thể chất nào và đưa hoạt động đó vào thường xuyên hơn.

Hơn nữa, nếu ngày hôm đó con đã quá mệt mỏi ở trường hoặc với bạn bè, hãy để con được nghỉ ngơi.

7. Mọi đứa trẻ đều khác nhau. Vì vậy hãy khuyến khích và khen ngợi mọi nỗ lực của con. Con không cần phải “hoàn hảo” như ai đó; con chỉ cần trở thành một phiên bản khỏe mạnh hơn của chính con. Do đó, khuyến khích và cổ vũ con giúp tăng cường sự tự tin và khiến trẻ thể hiện tốt hơn.

8. Trẻ em thích dành thời gian và tham gia các hoạt động cùng cha mẹ. Vì vậy, các bậc cha mẹ hãy tham gia vào thói quen tập thể dục của con. Chơi trò chơi với con hoặc tham gia một buổi chạy bộ cùng con.

9. Trẻ nên nghĩ tập thể dục như một điều gì đó bổ ích và thú vị, chứ không phải là một hình phạt. Đừng bắt con thực hiện những câu lệnh “chạy 10 phút” hoặc “nhảy 50 lần” như một hình phạt vì “quá lười biếng” hoặc “ăn quá nhiều đồ ngọt”.

Hãy coi hoạt động thể chất giống như một phần thưởng cho việc làm tốt hoặc như một khoảng thời gian giải lao sau một ngày bận rộn.

10. Sắp xếp một buổi gặp với chuyên gia. Hãy nhờ sự trợ giúp của chuyên gia y tế để mọi việc trở nên dễ dàng. Nếu trẻ “quá lười biếng”, thờ ơ hoặc dễ mệt mỏi, tốt hơn nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Một số thiếu hụt dinh dưỡng hoặc tình trạng sức khỏe có thể là nguyên nhân.

11. Mặc dù bạn muốn con mình đạt được các cột mốc thể lực mới, nhưng việc tránh cho con gặp chấn thương mới là điều quan trọng. Giám sát con, trang bị cho con đầy đủ thiết bị an toàn thích hợp và thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn cần thiết.

12. Hãy coi trọng tầm quan trọng của việc nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc. Ngay cả khi con bạn béo phì, con cũng không cần phải giảm hết số cân nặng đó trong một ngày. Sự kiên trì chính là chìa khóa. Đừng bắt con bạn tập thể dục quá sức vì có thể gây hại cho trẻ.

Có ít nhất 1 giờ hoạt động thể chất mỗi ngày

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, trẻ từ 3 đến 5 tuổi được khuyến khích vận động suốt cả ngày. Trẻ em và thanh thiếu niên (6 đến 17 tuổi) có ít nhất một giờ hoạt động thể chất với cường độ vừa phải đến mạnh mỗi ngày.

Tuy nhiên nếu trẻ có bất kỳ hạn chế nào về thể chất hoặc các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như hen suyễn, hoặc các vấn đề về khớp thì cần tham khảo ý kiến chuyên gia y tế khi muốn trẻ tham gia các hoạt động mới.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *